Quy định về đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe cơ giới cho người khuyết tật

(ĐHVO). Cùng với các chính sách về đảm bảo điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật tham gia giao thông thì những chính sách quy định điều kiện về đào tạo, sát hạch để cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ đối với người khuyết tật cũng đã được ban hành, nhằm tạo điều kiện đảm bảo tối đa quyền tự do di chuyển cá nhân của người khuyết tật.

Luật Giao thông đường bộ 2008 (sửa đổi, bổ sung 2019) đặc biệt là Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT quy định chi tiết về chế độ đào tạo, thi sát hạch, cấp bằng lái xe cơ giới cho công dân, bao gồm người khuyết tật. Điều này tạo cơ sở pháp lý cần thiết và hữu hiệu để khẳng định cơ hội bình đẳng của người khuyết tật đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người khuyết tật trong tham gia giao thông, giúp từng bước hạn chế tình trạng đa số người khuyết tật tham gia giao thông bằng phương tiện cơ giới cá nhân thiếu bằng lái và sử dụng phương tiện không đạt tiêu chuẩn.


Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định 02 hạng giấy phép lái xe cấp cho người khuyết tật, cụ thể:

– Hạng A1: cấp cho người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật.

– Hạng B1 số tự động: cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển ô tô dùng cho người khuyết tật

Tuy nhiên, tùy theo tình trạng sức khỏe, thể trạng của người khuyết tật, người có một trong các tình trạng bệnh, tật theo Phụ lục số 01 Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT thì không đủ điều kiện để lái xe theo các hạng xe tương ứng.

Ví dụ:

– Cụt hoặc mất chức năng 01 bàn tay hoặc 01 bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng): không đủ điều kiện lái xe hạng A1.

– Cụt hoặc mất chức năng 01 bàn tay hoặc 01 bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng): không đủ điều kiện lái xe hạng B1.

Hồ sơ của người học lái xe

Người khuyết tật học lái xe lần đầu lập 01 bộ hồ sơ, nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo. Hồ sơ bao gồm:

– Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe (theo mẫu).

– Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu.

– Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.

Về đào tạo lái xe cho người khuyết tật

Khoản 25 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT sửa đổi Điều 43 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT về đào tạo lái xe cho người khuyết tật.

Thứ nhất, đào tạo đối với người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật để cấp giấy phép lái xe hạng A1:

– Người học phải có đủ điều kiện, hồ sơ, phải đăng ký học tại cơ sở đào tạo được phép đào tạo, được tự học lý thuyết và thực hành; trường hợp có nhu cầu học tập trung đăng ký với cơ sở đào tạo để được học theo nội dung, chương trình quy định;

– Xe dùng để dạy lái: Là xe mô tô ba bánh của người khuyết tật đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký, biển số.

Thứ hai, đào tạo để cấp giấy phép lái xe hạng B1 số tự động cho người khuyết tật bàn chân phải hoặc bàn tay phải hoặc bàn tay trái:

– Người học phải có đủ điều kiện, hồ sơ, phải đăng ký học tại cơ sở đào tạo được phép đào tạo, phải học đủ thời gian, nội dung chương trình đào tạo theo quy định, được tự học các môn lý thuyết, nhưng phải được kiểm tra, cấp chứng chỉ đào tạo, được thay nội dung học lái xe trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông bằng nội dung học trên xe tập lái;

– Xe dùng để dạy lái: Là xe ô tô hạng B1 số tự động của người khuyết tật hoặc cơ sở đào tạo; xe phải có kết cấu phù hợp để các tay và chân còn lại của người khuyết tật vừa giữ được vô lăng lái, vừa dễ dàng điều khiển cần gạt tín hiệu báo rẽ, đèn chiếu sáng, cần gạt mưa, cần số, cần phanh tay, bàn đạp phanh chân, bàn đạp ga trong mọi tình huống khi lái xe theo đúng chức năng thiết kế của nhà sản xuất ô tô, được Cục Đăng kiểm Việt Nam xác nhận hệ thống điều khiển của xe phù hợp để người khuyết tật lái xe an toàn và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái.

Thứ ba, đào tạo để cấp giấy phép lái xe hạng B1 số tự động cho người khuyết tật trừ người khuyết tật bàn chân phải hoặc bàn tay phải hoặc bàn tay trái:

– Người học phải có đủ điều kiện, hồ sơ, phải đăng ký học tại cơ sở đào tạo được phép đào tạo, phải học đủ thời gian, nội dung chương trình đào tạo theo quy định, được tự học các môn lý thuyết, nhưng phải được kiểm tra, cấp chứng chỉ đào tạo;

– Xe dùng để dạy lái: Xe ô tô tập lái hạng B1 số tự động của cơ sở đào tạo.

Về sát hạch lái xe

Thứ nhất, sát hạch để cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 cho người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật

– Người dự sát hạch, thực hiện sát hạch lái xe trong hình theo nội dung và quy trình sát hạch tại trung tâm sát hạch hoặc sân sát hạch có đủ điều kiện, có hai sát hạch viên chấm điểm trực tiếp; thực hiện sát hạch lý thuyết theo quy định sát hạch để cấp giấy phép lái xe hạng A1;

– Xe dùng để sát hạch: Sử dụng xe mô tô ba bánh của người khuyết tật đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký, biển số;

– Hình sát hạch dựng theo quy định tại điểm 2.2.1.10 mục 2.2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 40:2015/BGTVT về Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ ban hành kèm theo Thông tư số 79/2015/TT-BGTVT ngày 10/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Thứ hai, sát hạch để cấp giấy phép lái xe hạng B1 số tự động cho người khuyết tật bàn chân phải hoặc bàn tay phải hoặc bàn tay trái

– Người dự sát hạch phải có đủ hồ sơ, thực hiện đủ nội dung và quy trình sát hạch theo quy định tại trung tâm sát hạch có đủ điều kiện, có hai sát hạch viên ngồi trên xe chấm điểm trực tiếp nội dung sát hạch lái xe trong hình và trên đường;

– Xe dùng để sát hạch: Sử dụng ô tô hạng B1 số tự động của người khuyết tật hoặc của trung tâm sát hạch; xe phải có kết cấu phù hợp để các tay và chân còn lại của người khuyết tật vừa giữ được vô lăng lái, vừa dễ dàng điều khiển cần gạt tín hiệu báo rẽ, đèn chiếu sáng, cần gạt mưa, cần số, cần phanh tay, bàn đạp phanh chân, bàn đạp ga trong mọi tình huống khi lái xe theo đúng chức năng thiết kế của nhà sản xuất ô tô, được Cục Đăng kiểm Việt Nam xác nhận hệ thống điều khiển của xe phù hợp để người khuyết tật lái xe an toàn và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái.

Thứ ba, sát hạch để cấp giấy phép lái xe hạng B1 số tự động cho người khuyết tật trừ người khuyết tật bàn chân phải hoặc bàn tay phải hoặc bàn tay trái

– Người dự sát hạch phải có đủ hồ sơ, thực hiện đủ nội dung và quy trình sát hạch để cấp giấy phép lái xe hạng B1 số tự động tại trung tâm sát hạch có đủ điều kiện;

– Xe dùng để sát hạch: Sử dụng xe sát hạch hạng B1 số tự động có đủ điều kiện của trung tâm sát hạch làm xe sát hạch lái xe trong hình và trên đường.

Hồng Liên

Bài viết liên quan

TDCC

Pháp luật sở hữu đối với các công trình chung cư và thực tiễn hiện nay

Đảm bảo quyền Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

hilap

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp – 10 năm xây dựng và phát triển 

Picture10

Cần chế tài mạnh duy trì ý thức khi tham gia giao thông và chấp hành pháp luật về giao thông

3

Toạ đàm: Giải pháp nâng cao hiệu quả văn hoá đọc sách pháp luật

nvn

Trẻ em khuyết tật đi học có được cấp học bạ không?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang