(ĐHVO). Ngày 29/11/2023, Uỷ ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương tổ chức Chương trình chào mừng Ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12) và Diễn đàn lắng nghe tiếng nói của người khuyết tật. Chương trình nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác người khuyết tật, thúc đẩy phong trào thể dục, thể thao đối với người khuyết tật.
Tham dự chương trình có ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam; ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ văn hóa – Thể thao và Du lịch; đại diện Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Lãnh đạo Hiệp hội Paralympic Việt Nam, Vụ Xã hội Văn phòng Quốc hội; ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; 29 vận động viên người khuyết tật và ban huấn luyện; hơn 100 người khuyết tật Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình… cùng các cơ quan thông tấn, báo chí và tình nguyện viên.
Ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu khai mạc buổi Lễ, ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam cho biết Việt Nam hiện có trên 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo và cận nghèo.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cũng nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm đến công tác người khuyết tật. Quốc hội đã ban hành Luật Người khuyết tật; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ đã xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về người khuyết tật khá toàn diện, đầy đủ nhằm thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật trong thực hiện các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội….
Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại buổi lễ
Theo đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đây là hoạt động nhằm nâng cao vai trò của xã hội, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc xây dựng và thúc đẩy các hoạt động thể dục, thể thao đối với người khuyết tật, tạo điều kiện cho người khuyết tật phát triển tài năng, đam mê trong các hoạt động thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe, hòa nhập cộng đồng, phát triển thể chất, tinh thần; hoàn thiện các kỹ năng vận động, tự tin vươn lên….
Có thể thấy, trong những năm qua, hoạt động thể thao của người khuyết tật đã đóng góp không nhỏ vào bảng vàng thành tích của thể thao Việt Nam, rất nhiều vận động viên là người khuyết tật đã được vinh danh trên các đấu trường thể thao khu vực và quốc tế. Trước đó, công tác tuyên truyền, vận động các tỉnh, thành phố quan tâm thành lập câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở, chú trọng loại hình hoạt động thể thao một môn, đa môn dành cho người khuyết tật đã được triển khai cùng với đề xuất, kiến nghị 63 tỉnh, thành phố có công trình thể dục thể thao bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật. Việc luyện tập thể thao ngoài rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe còn là cơ hội để người khuyết tật cống hiến tài năng cho thể thao nước nhà, tự tin, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Và tại buổi lễ đã vinh danh những thành tích xuất sắc của các huấn luyện viên, vận động viên thể thao người khuyết tật mang vinh quang về cho Tổ quốc tại Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 12 (ASEAN Para Games 12 tại Campuchia) và trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước cho 10 huấn luyện viên, 12 vận động viên và trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 11 vận động viên có thành tích xuất sắc.
Cũng tại Buổi Lễ, Diễn đàn lắng nghe tiếng nói người khuyết tật đã được nghe nhiều câu chuyện, lời tâm sự của các vận động viên người khuyết tật cũng như những lời chúc tốt đẹp nhân dịp Ngày Quốc tế người khuyết tật 03/12.