Hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật từ cuộc thi tìm hiểu pháp luật

(ĐHVO). Để công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật không còn khô khan, cứng nhắc, mô hình cuộc thi tìm hiểu pháp luật đang là hình thức mang tính hiệu quả cao.

Ảnh minh họa

Phổ biến, giáo dục pháp luật được xem như cầu nối, giúp gắn chặt pháp luật với cán bộ, nhân dân, do đó, đòi hỏi công tác tuyên truyền pháp luật phải vừa đảm bảo tính chính xác, lại vừa kịp thời, nhanh chóng tiếp cận với người dân. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiện nay có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức như tuyên truyền miệng qua tọa đàm, hội nghị, thông qua truyền thanh, báo tạp chí, tài liệu pháp luật, thông qua hoạt động giáo dục pháp luật trong nhà trường, cơ quan, tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật…

Để đảm bảo hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thì các quy định pháp luật phải phù hợp với nhu cầu tìm hiểu của người dân và cần được chuyển tải một cách cuốn hút, tạo sự hấp dẫn cho người được phổ biến. Cuộc thi tìm hiểu pháp luật chính là hình thức tuyên truyền đáp ứng cả hai điều kiện nêu trên, đặc biệt đối với nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên, giới trẻ. Thi tìm hiểu pháp luật là hình thức thi do cơ quan, đơn vị tổ chức nhằm khuyến khích đối tượng chủ động học hỏi, nâng cao hiểu biết quy định của pháp luật, từ đó nâng cao trình độ chuyên môn, dân trí pháp lý của cán bộ và người dân. Đây là hình thức giúp chuyển hóa pháp luật vào đời sống của người dân một cách linh hoạt, mềm mại.

Ưu điểm vượt trội của hình thức cuộc thi tìm hiểu pháp luật là phạm vi đối tượng tiếp cận rộng rãi, đáp ứng yêu cầu phổ cập pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân, phát huy tính chủ động, tích cực của đối tượng dự thi. Thông thường, cuộc thi tìm hiểu pháp luật tổ chức đối với học sinh, sinh viên, người lao động… Đây là nhóm đối tượng trẻ, khả năng tiếp thu cao và sẽ và đang là lực lượng lao động chính trong xã hội. Do đó, việc nâng cao hiểu biết pháp luật của nhóm đối tượng này góp phần quyết định trình độ dân trí của toàn xã hội. Hơn nữa, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật còn được thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, bằng nhiều phương tiện khác nhau, có thể tiếp cận với đối tượng dự thi mọi lúc, mọi nơi, không giới hạn không gian, thời gian. Nội dung tìm hiểu pháp luật thông qua các cuộc thi thường được chia nhỏ, tập trung vào các quy định chủ yếu, bám sát vào tình hình xã hội tại địa phương, nên có thể dễ dàng đi sâu vào tiềm thức của người dân, nâng cao hiểu biết, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn. Đối với mỗi cuộc thi, giải thưởng dành cho người chiến thắng là điều không thể thiếu, là niềm khích lệ đối tượng dự thi chủ động học hỏi, tìm kiếm, nghiên cứu thông tin. Đặc biệt, đối với lứa tuổi học sinh, sinh viên, giải thưởng không những là sự ghi nhận cho sự nỗ lực học hỏi mà còn là động lực để các em tiếp tục nghiên cứu, trau dồi và tích lũy kiến thức, hoàn thiện bản thân.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nêu trên, cuộc thi tìm hiểu pháp luật cũng mang một số hạn chế nhất định khi chỉ giới hạn phạm vi nội dung tìm hiểu pháp luật trong một lĩnh vực nào đó. Song, nhìn theo góc độ khác, nếu chỉ nghiên cứu quy định pháp luật trong một lĩnh vực cụ thể thì đây cũng là cơ hội để chúng ta nghiên cứu chuyên sâu, tập trung vào một vấn đề, liên hệ, suy luận giữa quy định với tình hình xã hội trong thực tiễn, tránh sự lan man, thiếu thống nhất.

Một số hình thức cuộc thi tìm hiểu pháp luật hiện nay

1. Thi viết

1.1. Thi tự luận

Thi viết là hình thức thi mà ở đó người dự thi trả lời câu hỏi về nội dung pháp luật bằng hình thức thể hiện trên giấy, máy tính,… Theo đó, để chuẩn bị tốt cho phần thi của mình, người dự thi cần trang bị đầy đủ kiến thức trong phạm vi lĩnh vực tìm hiểu. Các câu hỏi ở hình thức thi viết thường trải rộng ở nhiều khía cạnh để người tìm hiểu nắm bắt quy định pháp luật về vấn đề nghiên cứu một cách khách quan, toàn diện. Đây chính là ưu điểm lớn nhất của hình thức thi viết này.

Song, do tính học thuật nghiên cứu cao nên thi tìm hiểu pháp luật thông qua hình thức thi viết sẽ không phù hợp với mọi đối tượng dự thi, hình thức này nên áp dụng đối với học sinh (THCS và THPT), sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức… Đây là những đối tượng có trình độ nhận thức cao trong xã hội, có đủ khả năng để tham gia thi, đem lại kết quả tích cực, thậm chí là những giải pháp, kiến nghị, đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật.

1.2. Thi trắc nghiệm

Thi trắc nghiệm là hình thức thi mà người dự thi sẽ lựa chọn câu trả lời dựa trên các phương án được đưa ra trong câu hỏi. Ưu điểm của hình thức thi này được thể hiện trên cả phương diện Ban Tổ chức và đối tượng dự thi. Theo đó, để thiết lập bộ câu hỏi cho phần thi này đòi hỏi người chuẩn bị cần có góc nhìn pháp lý toàn diện về chủ đề nhất định, đặc biệt là sự dự đoán, lường trước mọi trường hợp có thể xảy ra dù đúng hay sai. Nội dung của chủ đề đưa ra thường được chia nhỏ thành từng câu trắc nghiệm với các đáp án khác nhau, vậy nên, mọi khía cạnh của chủ đề cũng đều được thể hiện trong bộ câu hỏi Ban tổ chức đưa ra. Bên cạnh đó, hình thức thi này còn có ưu điểm lớn là tạo được sự thoải mái trong tâm thế người dự thi, dễ dàng đưa ra đáp án từ các phương án sẵn có, từ đó, kiến thức pháp lý sẽ nhanh chóng được chuyển tải, ghi nhớ. Do đó, hình thức thi trắc nghiệm này phù hợp với hầu hết đối tượng dự thi, kể cả những đối tượng có giới hạn về độ tuổi, nghề nghiệp. Tận dụng ưu điểm này, người làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật sử dụng hình thức này để truyền tải các quy định pháp luật cơ bản như pháp luật dân sự, hình sự, lao động, giao thông đường bộ,… Hình thức thi tìm hiểu bằng trắc nghiệm ngày nay cũng được thiết kế đa dạng để tiếp cận được tối đa mọi tầng lớp người dân, có thể kể đến như thi trên giấy, thi trực tuyến, kết hợp phần mềm trò chơi… Dù vậy, hình thức này cũng mang một số nhược điểm nhất định khi người dự thi đôi khi chỉ lựa chọn phương án trả lời bằng cảm tính chủ quan mà không có cơ sở xác thực. Việc thiết kế nhiều đáp án trong câu hỏi cũng có thể khiến người dự thi bị hoang mang, lựa chọn nhầm phương án đúng, dẫn đến có cái nhìn chưa chính xác về vấn đề đặt ra tại câu hỏi. Ngoài ra, ở hình thức này, tình trạng sao chụp bài của người khác cũng thường xuyên xảy ra, song nắm được tình hình này, người tổ chức thi thường đặt ra nhiều cách thức hạn chế sao chụp tiêu biểu như việc tạo nhiều mã đề với bộ câu hỏi đa dạng.

2. Thi nói

2.1. Thi vấn đáp

Thi vấn đáp là hình thức thi mà người dự thi phải trả lời câu hỏi của Ban Giám khảo trực tiếp bằng miệng về những nội dung pháp luật nhất định. Hình thức này đòi hỏi người dự thi phải có vốn kiến thức pháp luật vững chắc cùng sự nhạy bén, linh hoạt trong tư duy, bởi lẽ để trả lời được câu hỏi Ban Giám khảo đặt ra, người dự thi cần trang bị đầy đủ kiến thức từ trước và dự trù tất cả tình huống có thể xảy ra. Tùy theo Ban Tổ chức, thí sinh có thể sử dụng hoặc không được sử dụng tài liệu trong quá trình thi vấn đáp. Thông thường, đối với những cuộc thi yêu cầu thí sinh không được sử dụng tài liệu, độ khó của các câu hỏi ở mức nhận biết, vận dụng và một chút nâng cao; ngược lại, đối với các cuộc thi được sử dụng tài liệu, Ban Giám khảo thường đặt ra câu hỏi mở, khơi gợi trí sáng tạo đột phá, sự linh hoạt trong tư duy của thí sinh. Như vậy, tùy đối tượng dự thi, cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật có thể lựa chọn hình thức, nội dung câu hỏi phù hợp. Hạn chế của hình thức thi vấn đáp này là để chuẩn bị thi, người dự thi cần bỏ ra nhiều thời gian và công sức, đôi khi còn là sự áp lực khi đứng trước đám đông, trả lời câu hỏi của Ban Giám khảo. Mặc dù vậy, ở hình thức này, Ban Tổ chức có thể tìm ra nhiều nhân tố sáng giá, tiềm năng, có vốn kiến thức pháp luật vững chắc trong lĩnh vực nhất định.

2.2. Thi qua hình thức sân khấu (Nghệ thuật)

Thi qua hình thức sân khấu là hình thức thi mà ở đó người dự thi thể hiện phần thi của mình trên không gian sân khấu. Đây là hình thức thi tạo sự hấp dẫn, thu hút đối với người xem, đặc biệt phù hợp với lứa tuổi học sinh; từ đó, kiến thức pháp luật dễ dàng đi vào tiềm thức của người xem cũng như người biểu diễn. Thông thường, người dự thi phần thi này là một nhóm người kết hợp với nhau để tạo nên các tiểu phẩm, tiết mục như hài kịch, bài học cuộc sống… Để chuẩn bị cho phần thể hiện, đối tượng dự thi cần sử dụng nhiều thời gian và chi phí cho các khâu lên ý tưởng, xây dựng kịch bản, triển khai kế hoạch. Bởi có sự đầu tư lớn nên hiệu quả của hình thức thi này cũng không thể phủ nhận. Thi trên sân khấu có thể khắc phục nhược điểm chung của đại đa số cuộc thi tìm hiểu pháp luật là tạo cho người xem cảm giác thoải mái, vui vẻ, tránh sự khô khan, cứng nhắc, nhàm chán. Từ đó, kiến thức pháp luật sẽ dễ dàng tiếp cận với người xem, khiến người xem nhanh chóng tích lũy kiến thức từ các tình huống thực tế gần gũi với đời sống.

Có thể thấy, cuộc thi tìm hiểu pháp luật là hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật mới mẻ, hiện đại, phù hợp với xu hướng và sự phát triển của đất nước, phù hợp với mọi tầng lớp người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Hơn nữa, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật này cũng được tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với các nhóm đối tượng nhỏ hơn, từ đó, nâng cao hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Hồng Liên

Bài viết liên quan

TDCC

Pháp luật sở hữu đối với các công trình chung cư và thực tiễn hiện nay

Đảm bảo quyền Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

hilap

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp – 10 năm xây dựng và phát triển 

Picture10

Cần chế tài mạnh duy trì ý thức khi tham gia giao thông và chấp hành pháp luật về giao thông

3

Toạ đàm: Giải pháp nâng cao hiệu quả văn hoá đọc sách pháp luật

nvn

Trẻ em khuyết tật đi học có được cấp học bạ không?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang