Thúc đẩy chính sách đào tạo nghề và việc làm cho người khuyết tật

(ĐHVO). Hội thảo Thúc đẩy chính sách đào tạo nghề và việc làm cho người khuyết tật được tổ chức vào sáng ngày 29/11/2023 tại Hà Nội đã ghi nhận, tổng hợp được nhiều ý kiến xây dựng, nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về đào tạo nghề và việc làm cho người khuyết tật. Hội thảo được tổ chức bởi Angels’ Haven (Hàn Quốc).

Đại biểu tham dự hội thảo

Tham dự hội thảo có ông Kwon Ki Jung – Giám đốc trung tâm hợp tác phát triển quốc tế của Angels’ Haven, ông Kwon Oseong – Giám đốc đại diện Angels’ Haven tại Việt Nam, bà Park Yeonjae – quản lý dự án VET, về phía đại biểu khách mời có TS. Phạm Thị Hoàn – Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nghề nghiệp (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp), ông Vũ Đức Thắng – Trưởng phòng tư vấn giới thiệu việc làm (Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội), ông Trịnh Xuân Dũng – Phó Chủ tịch, Trưởng Ban việc làm Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội, TS. Nguyễn Yên Thắng – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Giải quyết việc làm (Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội), ông Nguyễn Thanh Bình – Đại diện hội phụ huynh học viên của Dự án VET cùng đại diện các trung tâm đào tạo nghề, doanh nghiệp đã đồng hành và hỗ trợ tổ chức trong thời gian qua.

Tại hội thảo, TS. Phạm Thị Hoàn – Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nghề nghiệp (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp) cho hay, hiện nay, hệ thống giáo dục cho NKT theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt và liên thông, qua 3 cấp trình độ: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác, theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ tại các trường, trung tâm, doanh nghiệp, đào tạo lưu động tại địa phương và có sự liên thông giữa các trình độ giáo dục nghề nghiệp và liên thông với các trình độ đào tạo khác. Về hỗ trợ đào tạo nghề cho NKT, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới công tác NKT, được thể hiện thông qua nhiều chính sách như hỗ trợ học phí, chính sách nội trú, chính sách đào tạo, trợ giúp NKT… đều được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về người khuyết tật có 03 luật, 01 công ước, 02 Nghị định, 03 Quyết định của Ttg, 04 Thông tư.

Phạm Thị Hoàn – Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nghề nghiệp (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp) phát biểu tại hội thảo

Đứng trên góc nhìn của người khuyết tật, ông Trịnh Xuân Dũng – Phó Chủ tịch, Trưởng Ban việc làm Hội NKT TP. Hà Nội chia sẻ, việc làm là con đường bền vững giúp NKT thực sự hòa nhập vào đời sống. Hiện nay, riêng TP. Hà Nội có hơn 100.000 NKT, trong đó, khoảng 30% NKT đang trong độ tuổi thanh niên, đây là nhóm đối tượng có nhu cầu việc làm để ổn định cuộc sống và hòa nhập vào thị trường lao động. Trong những năm qua, Hội NKT TP Hà Nội đã và đang tổ chức nhiều chương trình kết nối NKT với mạng lưới doanh nghiệp trên thị trường như phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức phiên giao dịch việc làm định kỳ hàng năm 2-4 lần, phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên Hà Nội tổ chức ngày hội việc làm kết nối với doanh nghiệp để NKT tiếp cận, tìm được việc làm phù hợp với bản thân… Nhờ có sự hỗ trợ, khuyến khích từ các chính sách pháp luật của Nhà nước, ngày càng có nhiều NKT tự tin, gỡ bỏ mặc cảm, khẳng định khả năng thông qua các hoạt động của Hội, nhóm, CLB của NKT, tự tin khởi nghiệp, khắc phục khó khăn vươn lên, chủ động nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, xã hội, khẳng định giá trị bản thân. Tuy nhiên thực tế, vấn đề việc làm cho NKT vẫn còn tồn tại một số khó khăn nhất định như đa số NKT có trình độ học vấn chưa cao, hoàn cảnh gia đình khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu tuyển sinh học nghề và việc làm, một số được gia đình quá bao bọc, ít tiếp xúc xã hội, thiếu thông tin về học nghề và tuyển dụng; hay cơ sở vật chất của các dịch vụ công cộng chưa phù hợp, khó tiếp cận cho người khuyết tật sử dụng công cụ hỗ trợ…

Ông Trịnh Xuân Dũng – Phó Chủ tịch, Trưởng Ban việc làm Hội NKT TP. Hà Nội chia sẻ tại hội thảo

Để công tác đào tạo nghề cho NKT nâng cao hiệu quả, TS. Nguyễn Yên Thắng – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Giải quyết việc làm (Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội) đã chia sẻ về mô hình lớp thiết kế đồ họa và dán nhãn dữ liệu được nhà trường và tổ chức Angels’ Haven phối hợp thực hiện trong 2 năm qua. Qua 3 khóa học, đã có gần 70 học viên tốt nghiệp, nắm vững cơ bản kiến thức và kỹ năng làm việc. Song theo ông Thắng, để đảm bảo chất lượng giảng dạy cũng như hướng tới mục tiêu NKT có việc làm ổn định cần xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy NKT, chương trình giảng dạy NKT cần thiết kế phù hợp hơn với từng dạng tật; cần huy động nguồn lực của xã hội đầu tư cho công tác NKT.

Nguyễn Yên Thắng – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Giải quyết việc làm (Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội) chia sẻ

Là người đồng hành cùng con trai (khuyết tật trí tuệ) trong suốt hành trình theo học tại lớp thiết kế đồ họa và dán nhãn dữ liệu tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Bình – đại diện hội cha mẹ học viên cho rằng chúng ta cần xây dựng “bản đồ” hỗ trợ hướng nghiệp cho NKT đặc biệt là các em học sinh, sinh viên có khiếm khuyết. Đồng hành cùng con trên cả chặng đường, ông luôn thấu hiểu mọi khó khăn, trở ngại mà con trai đã gặp phải, từ đó định hướng, vạch ra đường đi để con có thể tự bước tiếp. Nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện để theo sát con em là người khuyết tật từ khi học tập tới khi lao động, do đó, bên cạnh việc chăm lo của gia đình, nhà trường, đơn vị, cơ quan cần có sự quan tâm sát sao hơn nữa đến các em trong hỗ trợ hướng nghiệp, để các em lựa chọn được công việc phù hợp với năng lực và phát huy hết khả năng của mình.

Nhận thấy chính sách đào tạo nghề cho NKT ở Việt Nam còn nhiều vướng mắc, tại hội thảo, bà Park Yeonjae – quản lý dự án VET (tổ chức Angels’ Haven) đã chia sẻ về một số chính sách và dịch vụ phục hồi nghề nghiệp cho NKT tại Hàn Quốc thông qua những hình ảnh, câu chuyện minh họa hấp dẫn nhưng vẫn mang tính thực tiễn sâu sắc, có thể lấy đó làm kinh nghiệm để người thực hiện công tác người khuyết tật tại Việt Nam học hỏi, chọn lọc và áp dụng.

Bà Park Yeonjae – quản lý dự án VET (tổ chức Angels’ Haven) phát biểu

Với sự chia sẻ của các đại diện đến từ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các đại biểu tham gia hội thảo đã thảo luận sôi nổi về các vấn đề thực tiễn đang xảy ra trong công tác đào tạo nghề và việc làm cho NKT. Thông qua phần giải đáp, chia sẻ của TS. Phạm Thị Hoàn, ông Vũ Đức Thắng và bà Park Yeonjae, NKT, doanh nghiệp và các trung tâm đào tạo nghề đã phần nào sáng tỏ, làm rõ thắc mắc của bản thân và đơn vị, lấy đó làm cơ sở để giải quyết tồn tại, khắc phục hạn chế.

Các đại biểu tham dự hội thảo tham gia đóng góp ý kiến

Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Kwon Ki Jung – Giám đốc trung tâm hợp tác phát triển quốc tế của Angels’ Haven mong muốn rằng sẽ có nhiều chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm hơn nữa giữa Việt Nam và Hàn Quốc để chúng ta cùng nhau giải quyết các vấn đề về NKT tại hai nước.

Hồng Liên

Bài viết liên quan

Picture1

TỔNG THUẬT: LỄ QUỐC TANG TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Picture1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần

PictureY1

Hội Thảo Về Thực Trạng Và Giải Pháp Nâng Cao Chất Lượng Đội Ngũ Tư Vấn Viên Hỗ Trợ Pháp Lý Cho Doanh Nghiệp Nhỏ Và Vừa

Picture1

Thanh Hoá: Thí sinh Tô Thị Diệu và niềm vui khi biết mình là thủ khoa khối C kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Picture1

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm, tặng quà các gia đình chính sách huyện Thuỷ Nguyên

Picture1

Huyện Vụ Bản (Nam Định): Tổ chức thăm khám, cấp thuốc, trao quà, nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang