Tóm tắt: Sự ra đời của chương trình truyền hình thực tế âm nhạc Anh trai vượt ngàn chông gai (ATVNCG) đã tạo một hiệu ứng lan toả mạnh mẽ tới công chúng nói chung và giới trẻ Việt Nam nói riêng. Sức hút của chương trình nằm ở nhiều yếu tố trong có các yếu tố về sự đầu tư lớn, các khâu sản xuất chương trình chuyên nghiệp, sân khấu hoành tráng, đẹp mắt, sự góp mặt của các anh tài nổi tiếng, tài năng. Tuy nhiên, một trong những yếu tố tiêu biểu nhất chính là sự sáng tạo các tiết mục âm nhạc lồng ghép và tái hiện các yếu tố văn hoá truyền thống, văn hoá dân gian, văn hoá dân tộc, bởi đây là yếu tố mang đến trải nghiệm âm nhạc khác biệt nhất và thu hút hàng triệu lượt xem của khán giả trên các phương tiện truyền thông. Bài viết làm rõ một số vấn đề lý luận và trình bày một số kết quả khảo sát về sức hút của yếu tố văn hoá trong chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai năm 2024 thúc đẩy hành vi xem của giới trẻ Việt Nam trên các phương tiện truyền thông.
Từ khoá: yếu tố văn hoá truyền thống, chương trình âm nhạc, Anh trai vượt ngàn chông gai, giới trẻ Việt Nam, truyền thông đại chúng, mạng xã hội.
- Đặt vấn đề
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, giới trẻ Việt Nam tiếp cận với nhiều dòng chảy văn hóa khác nhau, từ âm nhạc quốc tế đến các xu hướng nghệ thuật đương đại. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với văn hóa dân tộc là làm thế nào để duy trì sức ảnh hưởng và kết nối với thế hệ trẻ. Trước tình hình đó, truyền thông, cụ thể là các phương tiện truyền thông, đóng vai trò quan trọng trong việc đưa văn hóa truyền thống, văn hoá dân gian đến gần hơn với khán giả hiện đại, giúp họ không chỉ tiếp nhận mà còn tương tác, chia sẻ và lan tỏa những giá trị văn hóa.
Chương trình truyền hình thực tế âm nhạc ATVNCG năm 2024 là một ví dụ điển hình về việc ứng dụng yếu tố văn hoá truyền thống trong âm nhạc. Chương trình này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới trẻ Việt Nam nhờ vào cách khai thác sáng tạo các yếu tố truyền thống trong từng tiết mục biểu diễn. Các tiết mục tiêu biểu có sử dụng yếu tố phải kể đến tiết mục Trống cơm, Trở về – Áo mùa đông, Chiếc khăn piêu, Mẹ yêu con, Một vòng Việt Nam, v.v. Với màn trình diễn đàn bầu, đánh trống và múa cờ, Trống cơm được xem là hiện tượng chưa từng có của chương trình khi lập thành tích đứng vị trí số 1 trên Danh mục thịnh hành âm nhạc của Youtube [2]. Đội ngũ thực hiện thể hiện sâu sắc yếu tố văn hóa bằng cách đưa vào chất liệu dân gian, nhạc cụ truyền thống, trang phục đặc trưng của các dân tộc Việt Nam và những câu chuyện văn hóa được kể lại qua âm nhạc, giải trí, giới trẻ dễ dàng đón nhận và quan tâm hơn đến các giá trị truyền thống.
Đặc biệt đáng chú ý là cách chương trình ATVNCG đã tạo nên không gian văn hóa âm nhạc đa dạng, gần gũi và truyền cảm hứng, nơi mọi khán giả không phân biệt điều kiện, hoàn cảnh, đều có thể tiếp cận và cảm nhận. Việc lồng ghép yếu tố văn hóa truyền thống thông qua âm nhạc dân tộc, nhạc cụ truyền thống, trang phục các dân tộc thiểu số, hay những câu chuyện dân gian được kể lại bằng ngôn ngữ nghệ thuật đã làm sống dậy niềm tự hào dân tộc trong trái tim người trẻ, trong đó có cả những bạn trẻ khuyết tật.
- Một số vấn đề lý luận và phương pháp nghiên cứu
Một số khái niệm cơ bản
Văn hoá là một phạm trù mang tính bao quát lớn, được giới học thuật tiếp cận theo nhiều góc nhìn khác nhau. Theo UNESCO, văn hóa có mối quan hệ chặt chẽ với kinh tế, chính trị, xã hội và giúp định hình bản sắc dân tộc. Theo Đại từ điển tiếng Việt (1998), văn hoá là những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử [5]. Theo Nguyễn Thị Hồng (2019): “văn hóa là một tổng thể hệ thống những giá trị, những chuẩn mực, những thói quen, những hoạt động trong thực tiễn, có ý thức, mang tính xã hội, sáng tạo và nhân văn của một cộng đồng người nhất định trong lịch sử nhằm thỏa mãn nhu cầu của cuộc sống và tạo ra bản sắc riêng” [1].
Như vậy, có thể hiểu văn hoá theo nghĩa rộng và hẹp. Theo nghĩa rộng, văn hóa bao gồm cả giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra. Theo nghĩa hẹp, văn hóa là đời sống tinh thần của xã hội, phản ánh trình độ phát triển về học vấn, khoa học, nghệ thuật, đạo đức và ứng xử.
Văn hoá truyền thống là tập hợp gồm các giá trị, phong tục, niềm tin và lối sống được lưu truyền qua nhiều thế hệ trong một cộng đồng hoặc xã hội. [6]
Âm nhạc, theo Từ điển tiếng Việt (2005)[7], được hiểu là nghệ thuật dùng những hình thức tổ hợp âm thanh nhất định diễn đạt tư tưởng và tình cảm. Tuy nhiên, không phải mọi âm thanh đều được coi là âm nhạc; chỉ những âm thanh mang tính nhạc, được xác định qua 4 đặc điểm cơ bản: cao độ, trường độ, cường độ và âm sắc. Sự kết hợp giữa các yếu tố này tạo nên những biến đổi trầm bổng, lên xuống, mở rộng không gian âm vực, từ đó hình thành và phát triển âm nhạc. Đỗ Văn Khang (2010) [3] cho rằng âm nhạc là một loại hình nghệ thuật thính giác chuyên sử dụng âm thanh, cụ thể là thông qua giai điệu, nhịp điệu, âm sắc và cường độ. Âm nhạc có mối liên hệ chặt chẽ với ngôn ngữ và lệ thuộc phần lớn vào cách con người sử dụng giọng nói.
Từ đó có thể khái quát rằng chương trình âm nhạc là một hình thức tổ chức nội dung mang tính nghệ thuật, trong đó các yếu tố như nhạc hiệu, lời dẫn, hiệu ứng âm thanh và bố cục chương trình được sắp xếp theo một trình tự hợp lý nhằm tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh.
Yếu tố văn hóa trong âm nhạc là việc khai thác và tích hợp các đặc trưng văn hóa bản địa – bao gồm âm điệu, nhạc cụ, ca từ, phong cách biểu diễn và sự giao thoa với các dòng nhạc khác – nhằm tạo ra những tác phẩm phản ánh bản sắc văn hóa của một cộng đồng hoặc quốc gia, đồng thời thích ứng với sự phát triển của nền âm nhạc đương đại.
Yếu tố văn hóa không chỉ giúp sản phẩm âm nhạc trở nên đặc sắc mà còn tạo ra sự kết nối mạnh mẽ với khán giả trẻ. Trong âm nhạc, việc sử dụng giai điệu, nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn tranh hay sáo trúc mang lại màu sắc riêng biệt. Bên cạnh đó, hòa âm phối khí theo phong cách truyền thống kết hợp với hiện đại giúp tạo ra sự gần gũi nhưng vẫn giữ được bản sắc. Hình ảnh cũng đóng vai trò quan trọng, khi các nghệ sĩ lựa chọn trang phục, sân khấu, bối cảnh dàn dựng theo phong cách văn hóa địa phương, không chỉ làm tăng tính thẩm mỹ mà còn giúp quảng bá nét đẹp dân tộc. Nội dung bài hát hay chương trình cần truyền tải các giá trị truyền thống thông qua lời bài hát, câu chuyện hoặc thông điệp rõ ràng. Sự kết hợp giữa truyền thống và xu hướng hiện đại giúp sản phẩm thu hút sự quan tâm của giới trẻ và duy trì sức ảnh hưởng lâu dài.
Hành vi xem (viewing behavior), trong lĩnh vực truyền thông và nghiên cứu khán giả, được hiểu là tổng thể các hành động có chủ đích hoặc vô thức của người xem trong quá trình tiếp xúc với nội dung hình ảnh – âm thanh. Hành vi này bao gồm việc lựa chọn nội dung, thời điểm và nền tảng xem, mức độ tập trung cũng như phản ứng cảm xúc đối với nội dung. Theo Rubin (1983), từ góc độ lý thuyết sử dụng và thỏa mãn, “hành vi có mục đích và định hướng của người sử dụng truyền thông, những người chủ động tìm kiếm nội dung cụ thể nhằm thỏa mãn các nhu cầu nhất định” [9]. Webster và Phalen (1997) cho rằng hành vi xem phản ánh “các kiểu mẫu tiếp xúc truyền thông theo thời gian, thể hiện cách người xem lựa chọn và phản hồi nội dung một cách có hệ thống” [11]. Trong bối cảnh số, Napoli (2011) mở rộng định nghĩa này khi nhấn mạnh rằng “hành vi xem không chỉ liên quan đến nội dung được tiêu thụ, mà còn đến cách thức, thời gian, địa điểm và nền tảng người dùng tiếp cận nội dung đó” [8].
Giới trẻ, Liên Hợp Quốc định nghĩa tuổi trẻ (thanh niên) là những người trong độ tuổi từ 15-24 [10]. Tất cả báo cáo, thống kê của Liên Hợp Quốc về lĩnh vực dân số, giáo dục, việc làm và y tế đều dựa trên định nghĩa này. Theo luật pháp quốc gia Việt Nam, điều I, Luật Thanh niên năm 2020 quy định: “Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 đến 30 tuổi” [4]. Họ thường được xem là lớp người năng động, chủ động, tích cực trong việc chuẩn bị hành trang cho tương lai của bản thân, có đóng góp nhiều vào lịch sử phát triển của quốc gia – dân tộc.
Hành vi xem của giới trẻ có nhiều yếu tố quan trọng như tần suất xem, mức độ yêu thích, tương tác và nhận thức về nội dung. Tần suất xem phản ánh mức độ hấp dẫn của chương trình, khi khán giả quay lại xem nhiều lần chứng tỏ nội dung có sức hút mạnh.
Phương pháp nghiên cứu
Để phục vụ cho mục đích nghiên cứu này, các tác giả đã tiến hành khảo sát bằng bảng hỏi đối giới trẻ trên cả nước thông qua việc chia sẻ phiếu khảo sát trực tuyến qua các hội nhóm cộng đồng người hâm mộ chương trình ATVNCG. Kết quả khảo sát thu được 340/436 phiếu hợp lệ cho thấy đối tượng tham gia chủ yếu là giới trẻ – nhóm công chúng mục tiêu mà nghiên cứu hướng tới. Trong đó, giới tính nữ chiếm 89.4% (303 người), giới tính nam chiếm 10.6% (37 người). Điều này phản ánh xu hướng quan tâm của nhóm nữ giới đối với các chương trình âm nhạc thần tượng nam giới có yếu tố văn hóa đang ngày càng tăng, có thể liên quan đến đặc điểm tâm lý và sở thích thẩm mỹ ở nhóm này.
Về nghề nghiệp, học sinh, sinh viên là nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất, với 89.7% (304 người), tiếp theo là nhóm nhân viên văn phòng và đang đi làm tại các cơ quan, doanh nghiệp với 8.3% (29 người). Các nhóm khác như người làm tự do/tự kinh doanh và chưa có việc làm chiếm tỷ lệ nhỏ hơn. Kết quả này phù hợp với đối tượng nghiên cứu là giới trẻ, đặc biệt là sinh viên – đối tượng có xu hướng sử dụng các phương tiện truyền thông số để giải trí và tiếp nhận nội dung văn hóa.
Về thu nhập, nhóm có thu nhập dưới 3.000.000 VNĐ chiếm tỷ lệ cao nhất với 245 người (72%), phù hợp với đặc điểm kinh tế của nhóm học sinh, sinh viên vốn chưa có nguồn thu nhập ổn định. Nhóm có thu nhập từ 3.000.000 VNĐ đến dưới 5.000.000 VNĐ chiếm 16.8% (57 người), tiếp đến là nhóm từ 5.000.000 VNĐ đến dưới 8.000.000 VNĐ (7.4%), các nhóm còn lại chiếm tỉ lệ thấp. Cơ cấu thu nhập này cho thấy tính đặc thù của nhóm khảo sát chủ yếu là người trẻ chưa hoặc mới bắt đầu đi làm. Từ đó đặt trọng tâm nghiên cứu vào đặc điểm tiêu dùng văn hoá của nhóm khán giả có khả năng chi tiêu thấp nhưng lại có thời gian và nhu cầu giải trí cao.
Về vị trí địa lý, đa số người tham gia khảo sát đến từ khu vực miền Bắc với 260 người (76.7%), tiếp theo là miền Nam với 54 người (15.6%) và miền Trung với 26 người (7.7%).
- Kết quả khảo sát hành vi xem chương trình của giới trẻ Việt Nam trên các phương tiện truyền thông
Kết quả khảo sát hành vi xem chương trình cho thấy những đặc điểm rõ rệt trong thói quen tiêu dùng nội dung của giới trẻ Việt Nam trong bối cảnh truyền thông kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, sự dịch chuyển từ các phương tiện truyền thống như truyền hình sang các nền tảng truyền thông số đã và đang định hình lại cách thức tiếp cận, lựa chọn và tương tác với chương trình âm nhạc của thế hệ trẻ.
Một trong những đặc điểm nổi bật là xu hướng ưu tiên sử dụng các nền tảng trực tuyến, với TikTok (280 lựa chọn), YouTube (270 lựa chọn) và Facebook (247 lựa chọn) là 3 kênh được khán giả trẻ sử dụng nhiều nhất để xem chương trình ATVNCG. Con số này vượt trội hơn hẳn so với số người chọn xem trên truyền hình (202 lượt), cho thấy sự thay đổi trong hành vi tiếp nhận nội dung – từ thụ động sang chủ động, từ một chiều sang đa chiều và linh hoạt. Điều này phù hợp với xu hướng “nội dung theo yêu cầu” (on-demand content), khi giới trẻ ngày càng có xu hướng lựa chọn nội dung phù hợp với nhu cầu, thời gian và thiết bị cá nhân thay vì lệ thuộc vào khung giờ phát sóng cố định trên truyền hình truyền thống.
Ngoài việc lựa chọn nền tảng xem, thời gian xem cũng phản ánh tính linh hoạt và tính cá nhân hóa cao trong hành vi của giới trẻ. Kết quả khảo sát cho thấy có đến 68% số người trả lời lựa chọn “Không cố định” về thời điểm xem chương trình trong ngày, trong khi số người xem vào buổi tối chiếm 30,6%, và rất ít người lựa chọn xem vào buổi sáng hoặc chiều. Sự không cố định này có thể lý giải bởi đặc điểm lối sống của giới trẻ hiện nay, khi việc học tập, làm việc và các hoạt động giải trí đan xen linh hoạt, tạo điều kiện cho việc tiếp cận nội dung giải trí theo nhu cầu cá nhân, bất cứ khi nào rảnh rỗi.
Về tần suất xem, phần lớn khán giả trẻ cho biết họ dành dưới 1 giờ mỗi tuần để theo dõi chương trình ATVNCG năm 2024 (chiếm 57,2%), và chỉ một tỷ lệ nhỏ (3,7%) dành trên 6 giờ mỗi tuần để theo dõi. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc họ không quan tâm đến chương trình. Trái lại, phần lớn người trẻ có xu hướng xem riêng lẻ các tiết mục nổi bật, không theo dõi toàn bộ chương trình từ đầu đến cuối. Cụ thể, có đến 61,76% số người tham gia khảo sát cho biết họ thường xem các tiết mục âm nhạc riêng lẻ thay vì xem trọn vẹn các tập. Điều này phản ánh rõ nét xu hướng trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, nơi mà khán giả chủ động chọn lọc nội dung ngắn gọn, nổi bật và được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội thay vì dành thời gian dài cho một chương trình trọn vẹn.
Bên cạnh đó, khán giả trẻ còn có xu hướng xem lại các tiết mục yêu thích nhiều lần, đặc biệt là những tiết mục được đầu tư về mặt hình ảnh, âm thanh và yếu tố văn hóa. Hành vi này cho thấy sự yêu thích và mức độ gắn kết cảm xúc cao của khán giả đối với chương trình. Việc xem đi xem lại còn liên quan đến mong muốn thưởng thức sâu hơn, ghi nhớ lâu hơn hoặc chia sẻ lại với người khác, đặc biệt khi các tiết mục âm nhạc mang yếu tố văn hóa truyền thống tạo cảm giác độc đáo, khác biệt và có giá trị lan tỏa cao trong cộng đồng.
Ngoài ra, hành vi chia sẻ, bình luận hoặc tương tác trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook và YouTube cũng rất đáng chú ý. Khán giả không chỉ xem chương trình một cách bị động mà còn trở thành người lan truyền nội dung, đóng vai trò như một “đại sứ truyền thông” không chính thức của chương trình. Họ thường đăng lại tiết mục yêu thích, viết cảm nhận cá nhân, hoặc sử dụng những đoạn nhạc, hình ảnh trong chương trình để sáng tạo nội dung mới như video ngắn, remix, reaction… Chính hành vi này đã góp phần không nhỏ trong việc lan tỏa sức ảnh hưởng của ATVNCG trên các phương tiện truyền thông, tạo nên hiệu ứng cộng đồng – một đặc điểm quan trọng khi nghiên cứu hành vi xem của giới trẻ trong môi trường truyền thông số.
Từ các phân tích trên, có thể nhận thấy rằng hành vi xem chương trình ATVNCG năm 2024 của giới trẻ Việt Nam là một quá trình chủ động, linh hoạt, mang tính cá nhân hóa cao và thể hiện xu hướng chuyển dịch rõ rệt từ truyền hình truyền thống sang truyền thông số. Việc xem không chỉ nhằm mục đích giải trí đơn thuần mà còn là một phần trong quá trình định hình bản sắc cá nhân, kết nối cộng đồng và thể hiện quan điểm văn hóa của người trẻ trong bối cảnh hội nhập và phát triển công nghệ truyền thông hiện đại.
- Kết quả khảo sát tác động của yếu tố văn hoá truyền thống trong chương trình đến hành vi xem của giới trẻ Việt Nam trên các phương tiện truyền thông
Kết quả khảo sát cho thấy việc ứng dụng yếu tố văn hóa truyền thống trong các tiết mục âm nhạc của chương trình đã có những tác động rõ rệt đến hành vi xem của giới trẻ Việt Nam. Trước hết, yếu tố văn hóa truyền thống không chỉ làm phong phú nội dung nghệ thuật mà còn kích thích sự quan tâm, khám phá và tương tác của khán giả trẻ trên các nền tảng truyền thông.
Thứ nhất, giới trẻ có cảm xúc tự hào về văn hoá dân tộc sau khi xem các tiết mục có yếu tố văn hóa. Có đến 93,53% người tham gia khảo sát (318/340 người) đồng ý hoặc rất đồng ý rằng chương trình mang lại cho họ cảm giác tự hào văn hóa dân tộc. Cảm xúc này được xem là chất xúc tác mạnh mẽ để duy trì mối quan tâm và gắn bó lâu dài của khán giả với chương trình, đồng thời mở rộng ảnh hưởng tích cực của nội dung văn hóa trên các phương tiện truyền thông.
Thứ hai, chương trình còn thành công trong việc khơi gợi nhu cầu tìm hiểu thêm về yếu tố văn hóa ở khán giả trẻ. Có đến 77,06% người khảo sát (262 người) thừa nhận họ đã tìm hiểu về các yếu tố văn hóa sau khi xem tiết mục. Đây là minh chứng cho hiệu ứng tác động lan tỏa, khi một chương trình truyền hình không chỉ dừng lại ở việc phục vụ giải trí, mà còn khơi mở nhận thức và thúc đẩy hành vi học hỏi, tìm hiểu về di sản văn hóa dân tộc thông qua âm nhạc đại chúng.
Thứ ba, yếu tố truyền tải gần gũi của các nội dung văn hóa truyền thống cũng đóng vai trò quan trọng. Với gần 91% khán giả cảm thấy yếu tố văn hóa được thể hiện một cách gần gũi và dễ tiếp nhận, có thể thấy cách thức thể hiện – thông qua hòa âm phối khí hiện đại, thiết kế sân khấu sáng tạo và hình ảnh trực quan – đã xóa bỏ khoảng cách giữa nội dung truyền thống và nhu cầu thưởng thức hiện đại. Đặc biệt, việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong giai điệu nhận được mức độ đồng thuận rất cao (hơn 91% đồng ý hoặc rất đồng ý) cho thấy sự thích nghi thành công với thị hiếu thẩm mỹ của công chúng trẻ, từ đó nâng cao tính hấp dẫn và giữ chân người xem
Thứ tư, yếu tố văn hóa cũng ảnh hưởng đến hành vi tiếp tục theo dõi chương trình. Trong số 340 người khảo sát, có 55,88% cho rằng yếu tố văn hóa là lý do chính khiến họ tiếp tục xem chương trình ở các tập tiếp theo, và 36,47% cho rằng tuy còn nhiều yếu tố khác hấp dẫn nhưng yếu tố văn hóa vẫn giữ vai trò quan trọng. Điều này chứng tỏ yếu tố văn hóa không chỉ là điểm nhấn nghệ thuật mà còn đóng vai trò chiến lược trong việc duy trì lượng người xem ổn định.
Thứ năm, sự lặp lại hành vi xem, tức là khán giả xem đi xem lại các tiết mục có yếu tố văn hóa, cũng được ghi nhận. Phân tích định tính cho thấy điều này không chỉ đến từ cảm xúc yêu thích, mà còn từ nhu cầu “giải mã” các yếu tố truyền thống được tích hợp tinh tế trong tiết mục. Chính sự đa tầng ý nghĩa này đã thúc đẩy hành vi tiếp nhận lặp lại và tăng cường mức độ thỏa mãn của khán giả sau mỗi lần thưởng thức.
Từ những dữ liệu trên, có thể khẳng định rằng việc ứng dụng yếu tố văn hóa trong các tiết mục âm nhạc của ATVNCG năm 2024 đã tác động sâu sắc và đa chiều đến hành vi xem của giới trẻ Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở việc tăng lượt xem hay mức độ quan tâm, yếu tố văn hóa còn góp phần nâng cao chất lượng trải nghiệm, khơi gợi cảm xúc tích cực và mở rộng khả năng lan tỏa nội dung trên các phương tiện truyền thông. Đây chính là nền tảng quan trọng để các chương trình tương tự tiếp tục khai thác hiệu quả giá trị văn hóa trong chiến lược phát triển nội dung truyền thông hiện đại.
Tài liệu tham khảo
Tiếng Việt
- Nguyễn Thị Hồng (2016), Cơ sở văn hoá Việt Nam, Giáo trình in sách, Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, truy cập ngày 1/4/2025 tại http://thuvien.ajc.edu.vn:81/ViewPDFOnline/document.php?loc=0&doc=26115670604132464109114276185864833302
- Hương Huyền (2024), Điểm tựa văn hoá của Anh trai vượt ngàn chông gai, truy cập ngày 1/4/2025 tại https://vtv.vn/truyen-hinh/diem-tua-van-hoa-cua-anh-trai-vuot-ngan-chong-gai-20240903105057405.htm
- Đỗ Văn Khang (2010), Mỹ học Mác-Lênin, NXB Giáo dục.
- Quốc hội (2020), Luật Thanh niên số 57/2020/QH14, truy cập ngày 1/4/2025 tại https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-thanh-nien-so-57-2020-QH14-416260.aspx
- Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam (1998), Đại từ điển tiếng Việt, Bộ Giáo dục và Đào tạo, truy cập ngày 1/4/2025 tại https://luatvietnam.vn/linh-vuc-khac/van-hoa-la-gi-883-91007-article.html
- Thư viện pháp luật (2024), Văn hoá truyền thống là gì, những truyền thống văn hoá Việt Nam? Năng lực chuyên môn của tuyên truyền viên văn hoá chính thế nào?, truy cập ngày 1/4/2025 tại https://thuvienphapluat.vn/lao-dong-tien-luong/van-hoa-truyen-thong-la-gi-nhung-truyen-thong-van-hoa-viet-nam-nang-luc-chuyen-mon-cua-tuyen-truyen-35248.html
- Viện Ngôn ngữ học (2005), Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa
Tiếng Anh
- Napoli, Philip M. (2011), Audience Evolution: New Technologies and the Transformation of Media Audiences, New York: Columbia University Press, 201, tr.
- Rubin, Alan M. (1983), Television Uses and Gratifications: The Interactions of Viewing Patterns and Motivations, Journal of Broadcasting, 27, no. 1, tr
- United Nations (2013), Youth, accessed on April 1st 2025 at https://www.un.org/esa/socdev/documents/youth/fact-sheets/youth-definition.pdf
- Webster, Joseph G. và Phalen, Patricia F. (1997), The Mass Audience: Rediscovering the Dominant Model, Mahwah, NJ: Lawrence Erlbaum Associates, tr. 25.
Nguyễn Thị Minh Hiền – Nguyễn Đình Quý Linh
ĐT: 0986770383, Email: nguyentminhhien2016@gmail.com
Học viện Báo chí và Tuyên truyền