Sử dụng bia không có cồn tài xế có bị xử phạt vi phạm không?

Khi bia không cồn bắt đầu xuất hiện, nhiều lái xe hào hứng với loại đồ uống mới, với hy vọng có thể vừa giải cơn khát ngày hè vừa giữ an toàn khi điều khiển phương tiện.

Trong một số trường hợp, tài xế uống bia không cồn vẫn có thể bị xử phạt. Tuy nhiên, trong những ngày qua, một số thành viên các trang mạng xã hội về ô tô phản ánh tình huống bị cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt vì nồng độ cồn, trong khi trước đó chỉ sử dụng các loại bia được dán nhãn “không cồn”. Điều này làm dấy lên những nghi ngại đối với các loại bia này.

Về lý thuyết, bia không cồn (đôi khi còn gọi là bia chay) hoàn toàn không chứa thành phần cồn (0%), do đó thích hợp với phụ nữ và những người cần sự tỉnh táo, chẳng hạn khi lái xe ô tô. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, khái niệm “bia không cồn” thực tế được quy định và phân loại rất khác nhau ở mỗi quốc gia.

Một số nước, như Đức, quy định bia có nồng độ cồn (ABV) không quá 0,5% thì được dán nhãn “không cồn”. Tuy nhiên, tại Italia, bia không cồn có thể có nồng độ cồn tới 1,2%. Trong khi đó, Anh khá mạnh tay khi quy định các chai bia muốn dán nhãn “không cồn” phải có nồng độ cồn thấp hơn 0,05%. Bên cạnh những rắc rối về con số, ở nhiều nơi, bia không cồn đôi khi bị xếp chung với bia có nồng độ cồn thấp, càng khiến tình hình trở nên phức tạp. Cùng một loại bia có thể được dán nhãn “không cồn” khi xuất đi nước này, nhưng lại “có cồn” khi xuất hiện ở một quốc gia khác.

Thực tế trên đồng nghĩa rằng, khi những chai bia được nhập khẩu vào Việt Nam, một số loại không cồn vẫn có thể chứa một lượng nhỏ cồn, với nồng độ tùy thuộc vào xuất xứ. Dù các loại có nồng độ cồn 0,5% trở xuống chỉ khiến người uống “say” tương tự như khi ăn chuối chín (cũng có nồng độ cồn 0,5% hoặc thấp hơn), nhưng sau khi thưởng thức một két loại bia này, tình hình có thể sẽ thay đổi.

Một loại bia được dán nhãn “không cồn” nhưng thực tế có nồng độ 0,5% tại thị trường nội địa Đức.

Trong khi đó, quy định về nồng độ cồn trong khí thở hoặc máu, khi tham gia giao thông cũng có những khác biệt tùy theo một số quốc gia. Hiện nay, một số nước vẫn chấp nhận cho lái xe điều khiển phương tiện với nồng độ cồn trong máu ở mức thấp nhất định, như Nga (40mg/100ml); Pháp, Đức, Bỉ (50mg/100ml); hoặc thậm chí lên tới 80mg/100ml như Anh, Mỹ… Ở những nước này, việc sử dụng các loại bia không cồn với một tỷ lệ nhỏ cồn rất khó khiến tài xế bị phạt.

Tuy nhiên, Việt Nam, Séc, Hungary, Romania và nhiều nước khác lại tuyệt đối cấm sử dụng rượu, bia khi lái xe. Nghị định 100/2019/NĐ-CP (áp dụng từ ngày 1-1-2020) của Chính phủ Việt Nam quy định rõ, người điều khiển ô tô có nồng độ cồn nhưng chưa quá 50mg/100ml máu hoặc dưới 0,25mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng. Mức phạt tương tự với người điều khiển xe máy là từ 2 đến 3 triệu đồng, kèm tước giấy phép lái xe từ 10 đến 12 tháng; với người đi xe đạp là 80.000-100.000 đồng.

Với quy định gần như mang tính tuyệt đối như vậy, không khó để thấy rằng một số loại bia được dán nhãn “không cồn” vẫn sẽ khiến người cầm lái đối diện nguy cơ bị xử phạt nếu lượng uống quá nhiều hoặc loại bia được chọn có nồng độ cồn cao hơn tính toán. Cách đảm bảo an toàn triệt để là không uống mọi loại rượu, bia trước khi cầm lái.

Như vậy, dù uống loại bia nào trước khi điều khiển phương tiện, mỗi lái xe nên chủ động tìm hiểu kỹ thành phần cũng như xuất xứ để chắc chắn rằng nồng độ cồn ở mức 0%. Bên cạnh đó, cần tránh việc uống quá nhiều ngay cả đối với các loại bia không cồn, nhằm đảm bảo sức khỏe cho một hành trình “đi tới nơi, về tới chốn” sau đó.

Theo báo Hà Nội mới

Bài viết liên quan

Picture1

HỘI GIA ĐÌNH TRẺ EM VÀ NGƯỜI BẠI NÃO VIỆT NAM TỔ CHỨC GIẢI CHẠY THIỆN NGUYỆN “NÂNG BƯỚC CHÂN EM” LẦN THỨ 6

SEE_5346

Trao giải cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024

Picture1

“Vá lành” những mảnh khuyết cuộc đời bằng đôi bàn tay khéo léo

z5916242329405_55c88a8cf81ef44bfcd7e6a8b48c7ad1

THAM VẤN CÁC BÊN LIÊN QUAN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI ĐẢM BẢO HÒA NHẬP CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Picture1

Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam: Ủng hộ 87 người khuyết tật bị ảnh hưởng sau bão lũ

Picture3

NHU CẦU VỀ THÔNG TIN PHÁP LUẬT VÀ MỨC ĐỘ ĐÁP ỨNG CÙNG MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CÔNG TÁC THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang