(ĐHVO). NKT mặc dù có những khiếm khuyết trên cơ thể, tuy nhiên cũng như bao công dân khác trong xã hội, họ cũng có quyền được học tập, phát triển và có những cống hiến có giá trị. Để đảm bảo phù hợp và có hiệu quả đối với người khuyết tật trong lĩnh vực giáo dục nên những chính sách pháp luật có sự điều chỉnh riêng biệt với đối tượng này.
Tại Việt Nam, pháp luật về giáo dục đối với người khuyết tật được quy định tại nhiều văn bản pháp quy của Nhà nước, trong đó, cơ bản và quan trọng là Luật Người khuyết tật năm 2010 và Luật Giáo dục 2005 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan. Luật Người khuyết tật dành một chương quy định về Giáo dục đối với người khuyết tật (từ điều 27 đến Điều 31 Luật Người khuyết tật 2010) trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo đảm hòa nhập của người khuyết tật trong giáo dục người khuyết tật.
Cụ thể, ngày 31/12/2013 Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài Chính ban hành Thông tư liên tịch 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật, có hiệu lực thi hành từ ngày 05/03/2014. Thông tư liên tịch này áp dụng đối với người khuyết tật học tập trong các cơ sở giáo dục có dạy người khuyết tật, các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (cơ sở giáo dục); không áp dụng đối với người khuyết tật học tập tại các cơ sở dạy nghề. Chế độ ưu tiên nhập học và tuyển sinh đối với người khuyết tật như sau:
Chế độ ưu tiên nhập học
Về chế độ ưu tiên nhập học, người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung là 3 tuổi.
Chế độ ưu tiên tuyển sinh
Đối với trung học cơ sở, trung học phổ thông
Người khuyết tật được hưởng chế độ tuyển thẳng vào trung học phổ thông như đối với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú và học sinh là người dân tộc rất ít người theo quy định tại Điểm c Điều 7 Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông.
Đối với trung cấp chuyên nghiệp
Người khuyết tật được xét tuyển thẳng vào trung cấp chuyên nghiệp theo Quy chế tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Hiệu trưởng các trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc các trường có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp căn cứ kết quả học tập ở phổ thông của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét và quyết định tuyển thẳng vào học.
Đối với đại học, cao đẳng
Người khuyết tật đặc biệt nặng được xét tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng. Hiệu trưởng các trường căn cứ kết quả học tập ở phổ thông của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét và quyết định tuyển thẳng vào học.
Người khuyết tật nặng được hưởng chính sách ưu tiên theo đối tượng khi đăng kí xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng theo quy định tại Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Quy chế tuyển sinh của Bộ giáo dục và đào tạo ban hành kèm Thông tư 09/2020/TT-BGDĐT có quy định người khuyết tật là một trong những đối tượng được ưu tiên xét thẳng như sau:
“Điều 7. Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh
…2. Các đối tượng được xét tuyển thẳng vào các trường:
g) Đối với thí sinh là người khuyết tật đặc biệt nặng có giấy xác nhận khuyết tật của cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định: Hiệu trưởng các trường căn cứ vào kết quả học tập THPT của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét, quyết định cho vào học;”
Như vậy, người khuyết tật sẽ được hưởng chế độ ưu tiên nhập học và tuyển sinh các cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, người khuyết tật theo học tại các cơ sở giáo dục được hưởng các chính sách về học phí, học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập theo Điều 6, 7 Thông tư liên tịch 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ngoài các quyền của người học theo quy định, người khuyết tật học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục được hưởng các quyền theo Điều 5 Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT sau đây:
1. Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi nhập học theo quy định.
2. Được học tập trong các cơ sở giáo dục phù hợp với trình độ, năng lực; được quan tâm, tôn trọng và bảo vệ, đối xử bình đẳng trong học tập, trong các hoạt động giáo dục để phát triển khả năng cá nhân; được cung cấp thông tin, cấp sách giáo khoa, học phẩm, học bổng theo quy định.
3. Người khuyết tật được học tập, rèn luyện và hỗ trợ trong các giờ học cá nhân về kiến thức, kỹ năng đặc thù để học hòa nhập có hiệu quả.
4. Được tư vấn về dịch vụ hỗ trợ, can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập, định hướng nghề nghiệp phù hợp với khả năng và nhu cầu của người khuyết tật.
5. Được bảo mật thông tin về tình trạng khuyết tật.
6. Được tuyên dương, khen thưởng khi có thành tích trong học tập, rèn luyện.
7. Được hưởng chính sách, chế độ về giáo dục đối với người khuyết tật theo quy định tại Thông tư số 42 và các quy định hiện hành khác.
Mọi thắc mắc liên quan đến chính sách giáo dục đối với người khuyết tật, bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp đến Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt hoặc Hotline 1900.6248 để được hỗ trợ kịp thời.
Phạm Trang