(DHVO) Với mong muốn bảo đảm cho người khuyết tật (NKT) được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe một cách bình đẳng như những người khác, pháp luật Việt Nam đã quy định cụ thể chế độ này trong hệ thống pháp luật hiện nay.
Theo đó, có thể hiểu chế độ chăm sóc sức khỏe NKT gồm tổng hợp các quy định về quyền của họ được Nhà nước, cộng đồng xã hội thực hiện các hoạt động phòng bệnh, khám chữa bệnh, chỉnh hình, phục hồi chức năng giúp họ ổn định sức khỏe, vượt qua những khó khăn bệnh tật, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Một trong những quyền lợi của NKT trong vấn đề chăm sóc sức khỏe là chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nơi cư trú. Tuy nhiên, thực trạng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NKT còn gặp rất nhiều khó khăn.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sức khỏe người khuyết tật, thể hiện quan điểm y học hiện đại coi phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nếu hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu thực hiện tốt sẽ giúp ngăn ngừa khuyết tật xảy ra do loại bỏ hoặc hạn chế được các yếu tố có hại cho sức khỏe từ thức ăn, nước uống, môi trường…Ngoài ra việc phát hiện sơm khuyết tật sẽ giúp cơ quan chuyên môn có biện pháp điều trị kịp thời để khắc phục khuyết tật, hạn chế các hậu quả do khuyết tật gây ra. Theo quy định của Luật người khuyết tật, căn cứ tại Điều 21, chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với người khuyết tật gồm các nội dung sau đây:
“1. Trạm y tế cấp xã có trách nhiệm sau đây:
a) Triển khai các hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật; hướng dẫn người khuyết tật phương pháp phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng;
b) Lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người khuyết tật;
c) Khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với phạm vi chuyên môn cho người khuyết tật.
2. Kinh phí để thực hiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này do ngân sách nhà nước bảo đảm”.
Thứ nhất, giáo dục sức khỏe: giáo dục sức khỏe thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe, nhằm mục đích tăng cường kiến thức và hiểu biết của người khuyết tật về việc tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Từ những kiến thức và hiểu biết đó sẽ giúp người khuyết tật loại bỏ dần những lối sống, thói quen và phong tục tập quán có hại cho sức khỏe. Việc thực hiện các hoạt động này được thông qua các hình thức, biện pháp phong phú như: tổ chức lớp học, thông tin qua hệ thống truyền thông địa phương…
Ảnh minh họa, Nguồn internet
Thứ hai, thực hiện các biện pháp phòng ngừa: có nhiều nguyên nhân dẫn đến khuyết tật cho nên những phương pháp phòng ngừa cũng hết sức đa dạng và phong phú dựa vào dạng tật và mức độ tật của mỗi người. Có thể khái quát hoạt động phòng ngừa khuyết tật bao gồm:
– Hoạt động phòng ngừa không để xảy ra khuyết tật: là hoạt động phòng ngừa từ xa, nhằm loại bỏ tận gốc nguyên nhân gây ra bệnh tật. Để thực hiện hoạt động này, mỗi NKT phải có kiến thức hiểu biết về vệ sinh, rèn luyện thân thể, có lối sống lành mạnh để tăng cường sức đề kháng của cơ thể, chống lại bệnh tật.
– Hoạt động phòng ngừa để ngăn ngừa tình trạng ốm đau, tai nạn, rủi ro trở thành khuyết tật: khi ốm đau, tai nạn, rủi ro nào đó xảy ra, ai cũng mong muốn được cứu sống, phục hồi sức khoẻ, không bị tàn tật. Vì thế, yêu cầu đặt ra đối với hoạt động này là phát hiện sớm, chẩn đoán sớm bệnh tật. Từ đó, có biện pháp xử lí kịp thời và điều trị phù hợp, hạn chế các rủi ro trở thành khuyết tật.
– Đối với hoạt động phòng ngừa để ngăn ngừa khuyết tật gây nên hậu quả nặng hơn: là hoạt động ngăn ngừa những tái phát gây ra thường thấy ở những người mắc bệnh, tật không được chữa khỏi hoặc không chữa khỏi được. Vì thế cần phát hiện sớm tình trạng tái phát bệnh, tật để điều trị kịp thời, phục hồi chức năng bị suy giảm để ngăn ngừa hậu quả xấu do khuyết tật gây ra.
Thứ ba, quản lí sức khỏe: đây được coi là nội dung quan trọng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với NKT. Mục tiêu lâu dài mà ngành ý tế đặt ra là quản lí sức khỏe cho toàn dân, trước mắt là thực hiện quản lí sức khỏe cho các đối tượng ưu tiên như trẻ em dưới 1 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai, các đối tượng có công với cách mạng và NKT. Luật NKT cũng đã quy định cụ thể về việc theo dõi tình trạng sức khỏe của NKT, mục đích của việc theo dõi này là nhằm quản lí, theo dõi tình trạng khuyết tật tại địa phương đưa ra các giải pháp hợp lí để chăm sóc sức khỏe NKT được hiệu quả hơn.
Mặc dù pháp luật đã quy định cụ thể về vấn đề chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NKT nhưng do người khuyết tật ở nước ta nằm rải rác khắp các địa phương, thực tế gặp khá nhiều vướng mắc trong việc triển khai áp dụng. Bên cạnh đó, nền kinh tế nước ta còn khó khăn, không đồng đều cho nên chưa thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NKT tại nơi cư trú. Tại các khu đô thị thì việc chăm sóc sức khỏe ban đầu được quan tâm, phổ biến, khi đi vào triển khai mang lại hiệu quả tốt. Sức khỏe NKT được chú trọng hơn đồng thời nhận sự chăm sóc sức khỏe tại các trung tâm y tế ngay tại xã phường họ cư trú. Tại nhiều địa phương, các trung tâm cơ sở y tế đã tổ chức các đợt khám, theo dõi diễn biến sức khỏe của người khuyết tật. Đề ra các biện pháp để giúp cho người khuyết tật có sức khỏe ổn định. Tích cực theo dõi số lượng người khuyết tật trên địa phương, tổ chức đào tạo đội ngũ chuyên sâu về phục hồi sức khỏe để có các phương pháp mới giúp người khuyết tật phục hồi sức khỏe.
Trong khi đó tại các vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế khó khăn việc chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật là rất hạn chế. Một mặt không được tiếp cận với chính sách nhà nước, mặt khác đội ngũ y bác sỹ, phương tiện kỹ thuật và kinh phí thiếu trầm trọng cho nên NKT tại những nơi này chưa được hưởng quyền lợi chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nơi cư trú. Chính vì vậy về giải pháp ban đầu, cần tuyên truyền rộng rãi, tích cực về quyền được chăm sóc sức khỏe của NKT nhằm giúp họ biết đến quyền lợi của mình đồng thời nâng cao trách nhiệm của xã hội đối với NKT. Các cơ quan ban ngành cũng cần có chính sách đầu tư đội ngũ y bác sĩ, đầu tư trang thiết bị và chính sách quản lý sức khỏe NKT tại các vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Với giải pháp này sẽ giúp NKT được hưởng quyền lợi từ việc chăm sóc sức khỏe ban đầu ở địa phương đồng bộ, hiệu quả hơn.
Ngọc Hải