Quốc hội thông qua Bộ luật lao động sửa đổi, có hiệu lực từ 01/01/2021

(DHVO). Sáng nay (20/11), với 435/453 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành (chiếm 90,06% đại biểu Quốc hội có mặt) tán thành, Quốc hội đã thông qua Bộ luật lao động (sửa đổi), Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc.

Bộ luật lao động quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động.

90,06% đại biểu đồng ý thông qua Bộ luật lao động sửa đổi năm 2019

Một điểm mới đáng chú ý của Bộ luật lao động sửa đổi là thông qua quy định: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

Về vấn đề bổ sung ngày nghỉ lễ có hưởng nguyên lương, có 370 đại biểu trong số 402 đại biểu Quốc hội đồng ý bổ sung 1 ngày nghỉ, hưởng nguyên lương. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị chọn ngày nghỉ là ngày liền kề với ngày Quốc khánh 2/9 hằng năm.

Về vấn đề làm thêm giờ, theo Bộ luật, thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định tại Bộ luật. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp sau đây: Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản; Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước; trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời; trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn, do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước do hậu quả thời tiết, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất; trường hợp khác do Chính phủ quy định. Khi tổ chức làm thêm giờ theo quy định tại nêu trên, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Đối với điều khoản về hiệu lực thi hành, Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực. Kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực thi hành, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, những thỏa thuận hợp pháp đã giao kết có nội dung không trái hoặc bảo đảm cho người lao động có quyền và những điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của Bộ luật này được tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Bộ luật này và để áp dụng quy định của Bộ luật này. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân, tổ chức xã hội, xã viên hợp tác xã, người làm việc không có quan hệ lao động do các văn bản pháp luật khác quy định nhưng tuỳ từng đối tượng mà được áp dụng một số quy định trong Bộ luật này.

Ninh Hương (T/h)

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top