Thực hiện các quy định của Trung ương về chính sách trợ giúp người khuyết tật (NKT), tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản, nhằm cụ thể hoá, hướng dẫn các hoạt động và ưu tiên tập trung nguồn lực trong việc hỗ trợ đối tượng NKT trên địa bàn. Điều này được thể hiện qua các chương trình, kế hoạch phát triển KT- XH từng giai đoạn và hằng năm của tỉnh.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh, hiện toàn tỉnh có 20.818 NKT. Để thực hiện chăm sóc sức khỏe cho NKT, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách và nguồn lực ưu tiên cho các hoạt động hỗ trợ, trợ giúp NKT.
Đến nay, 100% đối tượng trong diện được hưởng chính sách bảo trợ xã hội đều được hưởng theo đúng quy định; 100% NKT đang hưởng trợ cấp hằng tháng trên địa bàn tỉnh đều được cấp thẻ BHYT đầy đủ, kịp thời.
100% NKT đang hưởng trợ cấp hằng tháng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều được cấp thẻ BHYT đầy đủ, kịp thời.
Đặc biệt, để góp phần nâng cao đời sống cho NKT, đầu năm 2021, tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh.
Nghị quyết ra đời với nhiều chính sách mới. Cụ thể, từ ngày 1/8/2021, mức chuẩn trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh sẽ được nâng lên 450.000 đồng/tháng đối với đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế sinh sống tại cộng đồng, giai đoạn từ 1/8/2021 đến 31/12/2022 và tăng lên 500.000 đồng/tháng từ 1/1/2023 trở đi, cao hơn 1,38 lần so với mức chuẩn trợ giúp xã hội tại Nghị định 20 của Chính phủ.
Cùng với đó, tỉnh cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ NKT có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội học nghề, việc làm. Hằng năm, tỉnh đều bố trí kinh phí hỗ trợ học nghề cho người lao động từ 10-15 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh còn phê duyệt danh mục 45 nghề, nhóm nghề đào tạo trình độ sơ cấp và mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ cho từng nghề, trong đó có quy định riêng mức chi phí đào tạo và mức hỗ trợ đào tạo nghề cho NKT.
Nhờ đó, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho gần 844 NKT, chiếm 9,66% tổng số NKT có khả năng lao động, trong đó được đào tạo nghề từ chương trình dành cho NKT là 427 người. Đến nay, toàn tỉnh có 14 cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT, tạo việc làm cho hàng trăm lao động là NKT với mức thu nhập từ 2,5-3,5 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành và cả cộng đồng trong tỉnh đã huy động mọi nguồn lực, xã hội hóa xây dựng nhà ở cho NKT có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, những đối tượng này được hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà từ nguồn xã hội hóa. Trong đó, đối tượng NKT thuộc hộ nghèo và không có khả năng tái tạo nhà ở, ngoài hỗ trợ 50 triệu đồng sẽ được hỗ trợ thêm 10 triệu đồng/nhà từ nguồn Quỹ Vì người nghèo. Qua đó đã giúp họ thuận lợi trong sinh hoạt hàng ngày, vượt qua mặc cảm, vững tin trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
Riêng năm 2020, các cấp hội và địa phương trong tỉnh đã vận động hơn 100 đơn vị, cá nhân, ủng hộ bằng tiền, ngày công, hiện vật trị giá 12 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này đã hỗ trợ, giúp đỡ cho 1.400 NKT, trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh về nhà ở, phương tiện, trang bị đồ dùng cá nhân phục vụ cuộc sống.
Với sự quan tâm lớn của tỉnh đối với những người yếu thế đã từng bước cải thiện điều kiện sống, qua đó góp phần vào việc xây dựng chính sách an sinh xã hội của tỉnh đảm bảo hiệu quả, tạo động lực để ổn định chính trị – xã hội, phát triển bền vững.
Theo Báo Điện tử Dân sinh