Quảng Ninh: Giúp trẻ rối nhiễu tâm trí hòa nhập cộng đồng

Theo số liệu thống kê, tỉnh Quảng Ninh có khoảng 10% trẻ em bị rối nhiễu tâm trí (RNTT), gây ra gánh nặng bệnh tật đối với cá nhân, gia đình có trẻ bị RNTT và xã hội. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động chăm sóc, can thiệp và trị liệu tâm lý cho trẻ em bị RNTT, từng bước giúp các em hòa nhập tốt với gia đình, cộng đồng và xã hội.

Từ năm 2013, Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) tỉnh đã thực hiện Mô hình tâm lý trị liệu cho trẻ em RNTT, tự kỷ miễn phí. Đồng thời, cung cấp nhiều dịch vụ CTXH trợ giúp cho trẻ em RNTT và gia đình, nhằm đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của đối tượng thụ hưởng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, cụ thể như: Dịch vụ sàng lọc, đánh giá, phát hiện RNTT ở trẻ em; Kết nối, chuyển gửi trẻ em RNTT đến các dịch vụ đánh giá chuyên sâu; Can thiệp, trị liệu tâm lý thường xuyên cho trẻ em thuộc đối tượng này; Tham vấn cho gia đình có trẻ em RNTT; Cung cấp các kỹ năng cho người chăm sóc chính trẻ em rối loạn tâm thần; Kết nối, hỗ trợ gia đình trẻ tham gia vào Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ; Thí điểm tổ chức hoạt động sàng lọc, can thiệp và trị liệu tâm lý cho trẻ rối nhiễu tâm trí, tự kỷ có thu phí… Qua đó, trẻ em bị RNTT trên địa bàn có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận các dịch vụ khám, điều trị và hòa nhập cộng đồng; Đồng thời, giúp các gia đình trẻ có thêm kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm chăm sóc trẻ.
Quảng Ninh tích đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc sức khỏe, can thiệp trị liệu cho trẻ RNTT
CLB Gia đình trẻ tự kỷ tại Trung tâm CTXH tỉnh được hình thành và đi vào hoạt động từ năm 2015. Thành viên của CLB là những cá nhân đại diện gia đình có trẻ mắc bệnh tự kỷ, những cá nhân quan tâm đến vấn đề rối nhiễu tâm trí, tự kỷ ở trẻ em và những người yêu thích hoạt động công tác xã hội. Đến nay, trung bình mỗi năm có khoảng 40 gia đình có trẻ tự kỷ trở thành thành viên CLB.
Tham gia CLB, các gia đình có trẻ tự kỷ được tham dự các buổi tập huấn định kỳ về kiến thức và kỹ năng chăm sóc trẻ với sự trợ giúp của các chuyên gia và chuyên viên, nhân viên của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Các buổi tập huấn cho các thành viên CLB được sắp xếp theo trình tự từ lý thuyết đến hỗ trợ thực hành trực tiếp các biện pháp trị liệu, giáo dục kỹ năng cho trẻ tự kỷ. Hoạt động này đã hỗ trợ các bậc phụ huynh có thêm kiến thức và kỹ năng để áp dụng hiệu quả nhất trong việc trị liệu cho con em mình tại gia đình. Không chỉ là sự hỗ trợ của các chuyên gia, tham gia CLB, các thành viên còn trao đổi với nhau những thông tin hữu ích, kinh nghiệm trong cách điều trị chứng tự kỷ của con. Qua đó, giúp các bậc phụ huynh ổn định tâm lý, thêm quyết tâm kiên trì chăm sóc, giáo dục trẻ, có kỹ năng, kiến thức để can thiệp, hỗ trợ điều trị cho con ngay tại gia đình.
Để phòng và trị liệu RNTT, tự kỷ ở trẻ em một cách hiệu quả, giúp trẻ có cơ hội được phát triển bình thường, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của nhiều gia đình có trẻ RNTT, tự kỷ, từ năm 2019, Trung tâm CTXH Quảng Ninh đã triển khai Đề án “Thí điểm tổ chức hoạt động sàng lọc, can thiệp và trị liệu tâm lý cho trẻ RNTT, tự kỷ có thu phí” tại Trung tâm.
Đối tượng của Đề án là những trẻ em có các biểu hiện, dấu hiệu RNTT, tự kỷ, có nhu cầu sàng lọc, đánh giá, can thiệp, trị liệu tâm lý, có cha mẹ, người nuôi dưỡng, người thân, người nhận bảo trợ đóng góp kinh phí không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội quy định. Thời gian thực hiện Đề án trong 36 tháng, từ tháng 1/2019. Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án, Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông tới người dân và phụ huynh có con trong độ tuổi từ 2 – 6 tuổi; Tiến hành tiếp nhận và sàng lọc, đánh giá vấn đề của trẻ; Tư vấn kết quả cho phụ huynh và các biện pháp can thiệp trị liệu. Đối với phụ huynh có nhu cầu trị liệu cho trẻ tại Trung tâm, cán bộ của Trung tâm tiến hành xây dựng kế hoạch can thiệp và triển khai thực hiện sau khi đã thống nhất với gia đình.
Căn cứ tình hình thực tiễn, một nhân viên phụ trách 4-5 trẻ, số lượng nhân viên đảm bảo từ 6 người; mỗi trẻ trị liệu 90 phút/ca/ngày, với 5 ca/tuần. Tổng thời gian trị liệu 1 trẻ từ 20-22 ca/tháng (dành cho đối tượng đóng phí tự nguyện). Về định mức thu tự nguyện, chi phí lập hồ sơ quản lý là 50.000 đồng/trẻ, chi phí sàng lọc, đánh giá ban đầu: 150.000 đồng/trẻ (thu một lần). Chi phí thu hằng tháng gồm có chi phí trị liệu tâm lý, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, đánh giá dự kiến là 3 triệu đồng/tháng/trẻ; chi phí quản lý là 250.000 đồng/trẻ/tháng.
Để thực hiện hoạt động sàng lọc, can thiệp và trị liệu tâm lý cho trẻ RNTT, tự kỷ theo Đề án, Trung tâm sẽ áp dụng phương pháp trị liệu tâm bệnh không dùng thuốc, được thực hiện bởi sự tương tác hỗ trợ 1-1 giữa nhân viên công tác xã hội và trẻ, kết hợp sử dụng bộ công cụ đánh giá trong quá trình can thiệp trị liệu như: Test Denver II, Test PEP-R… Cùng với đó, nhân viên trị liệu còn tư vấn, trang bị các kiến thức, kỹ năng, cách thức trị liệu và hỗ trợ cải thiện môi trường nơi trẻ sinh sống, học tập cho các gia đình có trẻ RNTT, tự kỷ; Duy trì sinh hoạt câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ, hình thành mạng lưới kết nối các thành viên câu lạc bộ. Việc đánh giá kết quả can thiệp, trị liệu tâm lý được thực hiện sau 36; 72 hoặc 108 buổi trị liệu tùy theo mức độ thay đổi và tiến bộ của trẻ.
Thời gian qua, các bệnh viện tại Quảng Ninh đã thành lập các chuyên khoa can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, giúp trẻ có thể hòa nhập với cộng đồng và không trở thành gánh nặng cho xã hội như:  Đơn nguyên Tâm bệnh thuộc Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí; Đơn nguyên Tâm bệnh – Phục hồi chức năng của Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh… Bác sĩ Đỗ Văn Thắng, phụ trách Đơn nguyên Tâm bệnh – Phục hồi chức năng, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, cho biết, việc phát hiện sớm trẻ có những dấu hiệu tự kỷ là vô cùng quan trọng. Từ đó trẻ được can thiệp sớm, đúng, đủ thời gian kết hợp với tâm lý gia đình, sự kiên nhẫn và dinh dưỡng đầy đủ sẽ cho kết quả rất tốt; thậm chí trẻ từ thể điển hình trở thành gần như bình thường. Khung vàng để can thiệp đối với trẻ tự kỷ là từ 18 tháng đến dưới 4 tuổi. Thời gian này, có những trẻ chỉ cần từ 2 đến 3 đợt can thiệp đã nhận thấy sự thay đổi rõ rệt. Còn nếu can thiệp, điều trị muộn, trẻ rất ít chuyển biến. Do đó các bậc phụ huynh cần theo dõi sự phát triển của con, phát hiện sớm để điều trị kịp thời.
Với việc phát triển và mở rộng các dịch vụ CTXH cho trẻ em bị RNTT, Trung tâm CTXH Quảng Ninh đã góp phần can thiệp, trợ giúp, kết nối, giải quyết vấn đề khó khăn mà trẻ RNTT và gia đình đang gặp phải, để các em được chăm sóc, điều trị tốt hơn, từng bước cải thiện tình trạng, phát triển ổn định và hòa nhập cộng đồng./.
Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội


Bài viết liên quan

Picture1

Ngày hội Hội “Tỏa sáng nghị lực thanh niên Bắc Giang năm 2024”

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

abc

CẦN TRAO THÊM CƠ HỘI CHO “NGƯỜI YẾU THẾ” ĐỂ KHÔNG ĐỂ AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU

Nguoi khuyet tat Can Tho

Cần Thơ: Triển khai Chương trình Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang