(ĐHVO) Chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Trong đó, không chỉ coi đây là kênh giải quyết việc làm, mà còn là chiến lược thúc đẩy việc làm bền vững. Qua đó, nhằm huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế. Cùng với đó, nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đảm bảo số lượng và chất lượng người lao động ra nước ngoài làm việc ngày càng tăng.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, tới đây Bộ LĐ-TBXH sẽ quyết liệt triển khai các biện pháp cải tổ xuất khẩu lao động. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tập trung chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu lao động của doanh nghiệp; Duy trì, phát triển các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường tiếp nhận mới; Nâng cao chất lượng đào tạo tay nghề, ngoại ngữ, ý thức cho người lao động trước khi cung ứng ra nước ngoài; Mở rộng đối tượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài.
Ảnh minh hoạ
Mới đây, tại TP. Busan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 30 năm Quan hệ đối thoại ASEAN và Hàn. Tại hội nghị này, các đại biểu đã có nhiều cuộc tiếp kiến, gặp gỡ lãnh đạo nhiều tập đoàn kinh tế lớn, nhiều quan chức cấp cao Hàn Quốc và các nước trong khu vực; tiếp kiến Thị trưởng TP. Busan, ông Oh Keo-don; gặp gỡ doanh nhân và người lao động Việt Nam làm ăn, sinh sống tại Hàn Quốc; đại diện bà con kiều bào. Hàn Quốc là nơi có nhiều công dân Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ tình cảm sâu sắc, niềm vui mừng về sự phát triển trong quan hệ kinh tế, thương mại, văn hóa Việt – Hàn.
Tại đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở và chuyển đi thông điệp, mọi người hãy làm hết sức mình, góp phần phát triển, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc. Đồng thời, việc xuất khẩu lao động Việt Nam đến Hàn Quốc (cũng như tại các quốc gia khác) là phải đúng bài, nghĩa là phải đúng pháp luật của Việt Nam và Hàn Quốc. Trong đó, đúng cam kết của Chính phủ hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, nhắc nhở, đặt trong bối cảnh có không ít công dân Việt Nam ra nước ngoài làm việc có những biểu hiện vi phạm pháp luật, thậm chí bỏ trốn, không đăng ký với nhà chức trách địa phương.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sự kiện làm “nhói đau bao trái tim Việt” – 39 nạn nhân là công dân thuộc các địa phương Nghệ An (21 người), Hà Tĩnh (10 người), Hải Phòng (3 người), Quảng Bình (3 người), Thừa Thiên Huế và Hải Dương (mỗi tỉnh 1 người) tử nạn trong chiếc xe tải đông lạnh ở hạt Essex, đông bắc thủ đô London, Vương quốc Anh ngày 23/10/2019 nhắc nhở mỗi chúng ta nhiều bài học đau xót, dưới nhiều góc độ. Dù cho tài xế Robinson 25 tuổi (và một số đồng phạm) của chiếc xe đông lạnh bị truy tố với cáo buộc ngộ sát 39 người Việt đã nhận tội tiếp tay nhập cư bất hợp pháp và rồi đây anh ta phải đền tội, nhưng hậu quả để lại của thảm kịch này thật vô cùng nặng nề. Nỗi buồn đau và sự mất mát không dễ gì nguôi ngoai một sớm một chiều, trong từng gia đình người bị nạn, cũng như trong cộng đồng, xã hội.
Vào ngày 27/11/2019 vừa qua, việc hồi hương thi thể hoặc hộp tro hài cốt các nạn nhân theo kế hoạch, được đưa về Tổ quốc và gia đình chia làm 2 đợt. trong đợi đầu tiên, 16 trong tổng số 39 thi hài/di hài các nạn nhân đã về tới Hà Nội. Theo đó, các địa phương có người bị nạn là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã tiếp nhận và đưa 16 nạn nhân về địa phương bàn giao cho các gia đình chu đáo, an toàn. Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Anh đã tích cực chỉ đạo cơ quan ngoại giao và các cơ quan chức năng hai nước hỗ trợ các gia đình nạn nhân trong giải quyết hậu sự, trên tinh thần nhân đạo, phù hợp với luật pháp quốc tế, các quy định pháp luật và tập quán hai nước. Cộng đồng người Việt tại Vương quốc Anh, các tổ chức thiện nguyện trong nước đã tổ chức những hoạt động hỗ trợ, chia sẻ sự mất mát đau thương này, bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả.
Vì vậy, việc xuất khẩu lao động phải đúng bài – điều mà người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã nhắc nhở, cần được tổ chức thực hiện nghiêm túc, phù hợp với quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân, dưới sự quản lý của ngành chức năng và chính quyền các địa phương. Đặc biệt, người xuất khẩu lao động phải được các cơ quan có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nghề; phải được đào tạo và bồi dưỡng về kỹ năng làm việc, biết ngoại ngữ để thuận lợi trong giao tiếp, ra đi có tổ chức, tuân thủ pháp luật. Những tổ chức và cá nhân tổ chức người đi xuất khẩu lao động phi pháp, có tính lừa đảo, vụ lợi phải được xem xét, sớm được phát hiện và nghiêm trị. Mọi việc cần sự công khai, minh bạch. Chính quyền cơ sở thật sự vào cuộc, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân.
Xuất khẩu lao động phải đúng bài, thông qua sự quản lý của chính quyền. Chính đó là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của chính người lao động, của mọi công dân…
Minh Sơn – Ngọc Danh