(ĐHVO). Hiện nay, nghiên cứu khoa học đã chỉ ra lợi ích to lớn cuả việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Tại Việt Nam, các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ sở y tế cũng khuyến khích người dân nuôi con bằng sữa mẹ để dành cho trẻ một khởi đầu tốt nhất.
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ em trong năm đầu cuộc đời. Sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ, vì trong sữa mẹ có đủ chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, năng lượng, vitamin và muối khoáng với tỷ lệ thích hợp cho sự hấp thụ và phát triển cơ thể trẻ. Bú mẹ, trẻ sẽ lớn nhanh, phòng được suy dinh dưỡng. Sử dụng sữa mẹ sẽ giúp hạn chế nguy cơ tấn công của các loại vi khuẩn gây bệnh như: tiêu chảy, nhiễm trùng đường tiết niệu, ho/cảm lạnh, hen suyễn…Trẻ em được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ sẽ có ít nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường và bệnh tim mạch lúc trưởng thành cũng như giảm nguy cơ về các bệnh dị ứng, chàm và nhiễm trùng tai. Sữa mẹ thay đổi trong từng giai đoạn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng và phát triển của trẻ sơ sinh.
Theo thống kê của WHO, nuôi con bằng sữa mẹ đang gia tăng trên khắp khu vực Đông Nam Á. Năm 2018, khoảng 54% trẻ sơ sinh tại Đông Nam Á được bú mẹ hoàn toàn đến sáu tháng tuổi. Con số đó tăng từ 47% vào năm 2015 và 50% vào năm 2017 còn trên thế giới, con số này là 38% và chỉ 18% ở các nước công nghiệp phát triển. Tuy nhiên, tại Việt Nam, theo các kết quả thống kê năm 2018 của Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Việt Nam có tỷ lệ trẻ sơ sinh được bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời rất thấp, chỉ đạt 17%. Tỷ lệ trẻ duy trì bú mẹ đến 2 tuổi cũng chỉ đạt 19,4%. Đây là một con số thấp hơn rất nhiều trung bình trong khu vực đòi hỏi phải có những biện pháp nhằm nâng cao tỷ lệ trẻ được uống sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời.
Ảnh minh họa – nguồn Internet
Đầu tiên, cần tăng cường các công việc đã được thực hiện để bảo vệ và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ. Điều đó có nghĩa là tăng nhận thức và kiến thức của cả các bà mẹ, các ông bố, gia đình và cộng đồng về tầm quan trọng của việc cho con bú và sự cần thiết phải thực hiện chúng một cách tích cực. Tăng cường hiệu quả của tư vấn cho con bú bằng sữa mẹ trong các chương trình tiền sản, và để tăng tính hiệu quả, việc tăng số lượng, kỹ năng và năng lực của nhân viên y tế là rất quan trọng.
Thứ hai, cần đẩy rà soát gắt gao hơn việc thâm nhập thị trường của các sản phẩm thay thế sữa mẹ, khuyến các về sự chênh lệch hiệu quả giữa dòng sản phẩm này và sữa mẹ để người dân nhận thức việc khi bào thì thật sự cần câc sản phẩm thay thế sữa mẹ. Làm như vậy là rất quan trọng để đẩy lùi các yếu tố thương mại tác động đến sức khỏe trẻ sơ sinh và trẻ em, và để bảo vệ và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ và nhiều lợi ích mà nó mang lại.
Và thứ ba, các cơ quan y tế nên tiến hành trao đổi và phối hợp thực hiện với các cơ quan, ban ngành khác để thúc đẩy và hỗ trợ xây dựng các chính sách đổi mới, giúp các gia đình thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hiệu quả . Nhiều ý kiến cho rằng áp lực từ công việc sẽ ảnh hưởng đến quyết định của gia đình cho việc sửa dụng sữa mẹ trong thời gian bao lâu, điều đó đòi hỏi một một sự cân đôi, môi trường làm việc thân thiên nhưng vẫn hiệu quả dành cho những ông bố bà mẹ.
Nuôi con bằng sữa mẹ là công thức lâu đời nhất và hiệu quả nhất để nâng cao sức khỏe trẻ sơ sinh và thúc đẩy sự phát triển hoàn hảo ở các giai đoạn tiếp theo. Các bà mẹ hãy thấu hiểu điều này và cần làm tất cả để mọi em bé sinh ra đều có một khởi đầu tốt nhất có thể.
P.A (th)