Những thách thức trong vấn đề chăm sóc sức khỏe đối với trẻ khuyết tật và một số giải pháp

(ĐHVO). Việc chăm sóc sức khỏe đối với trẻ em luôn là mối quan tâm của mọi gia đình. Nếu như các bố mẹ của trẻ khỏe mạnh nhiều khi vẫn gặp khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe cho con mình, việc chăm sóc sức khỏe đối với trẻ em khuyết tật lại càng là một thách thức với trẻ và gia đình của trẻ, bởi một thực tế rằng khuyết tật không bao giờ chỉ khu trú trong vấn đề sức khỏe mà còn liên đới tới rất nhiều vấn đề khác như kinh tế, việc làm, tổ chức gia đình, tâm lý và tình cảm. Các vấn đề này tương tác qua lại với nhau, thúc đẩy lẫn nhau, và nếu như gặp thêm môi trường hệ thống không có tính hỗ trợ thì sẽ tạo nên một cái bẫy kéo gia đình của trẻ vào một vòng xoáy khó khăn rất khó vượt qua.

Ảnh minh họa hoạt động Dự án

Năm 2020-2021, Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam, dưới sự tài trợ Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến Tư pháp (JIFF) đã thực hiện khảo sát về Thúc đẩy tiếp cận giáo dục và chăm sóc y tế đối với trẻ em gái, trẻ em khuyết tật” tại hai tỉnh Hòa Bình và Nghệ An. Cuộc khảo sát đã nhận diện một số các rào cản hệ thống liên quan tới hệ thống chính sách, phân bố dịch vụ y tế và cơ sở hạ tầng đang tạo nên các thách thức đối với việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế đối với trẻ em khuyết tật. Nếu trẻ sống tại các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa thì khó khăn này nhân đôi. Một trong những rào cản nổi bật là sự phân bố không đồng đều các nguồn lực y tế theo địa bàn. Các dịch vụ y tế tốt (bác sĩ giỏi, trang thiết bị đa dạng, thuốc phong phú) thường tập trung ở các thành phố lớn. Các cơ sở y tế tuyến đầu, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa thường thiếu chuyên môn cũng như thuốc và trang thiết bị can thiệp. “Xã có trẻ tự kỷ, muốn can thiệp thì phải ra tận Hà Nội chứ ở đây thì không có chỗ nào khám và can thiệp. Chỉ gia đình nào có điều kiện thì mới đưa được trẻ đi như thế (trích thảo luận nhóm tập trung)”.

Ảnh minh họa

Vấn đề của nơi khám chữa bệnh quá xa, ví dụ như ở Hà Nội, không chỉ là chuyện khó khăn đi lại, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác. Để có thể đưa được con lên Hà Nội khám chữa bệnh, gia đình buộc phải bố trí người đi cùng, mà đôi khi là cả bố và mẹ. Điều này ảnh hưởng khá nhiều tới việc mưu sinh của hộ gia đình. Bên cạnh đó, ngoài chi phí sinh hoạt trong thời gian ở Hà Nội thì chi phí khám, chữa bệnh cho con cũng là một khoản chi tiêu đáng kể, nhất là khi hộ gia đình thuộc diện kinh tế khó khăn. Do vậy, nhiều gia đình không dám cho con đi khám, chữa bệnh ở bệnh viện tuyến trên “Nhiều gia đình có TEKT không có gì gọi là dư giả cả. Cha mẹ thì cũng có thể làm công nhân viên chức, nhưng ít thôi, đa số lao động tự do là nhiều. Thế nên về mặt kinh tế của các gia đình này thường là rất khó khăn. Thế nên khám chữa bệnh cho các cháu thì đa số là chỉ đưa các cháu đến bệnh viện tuyến huyện tuyến tỉnh thôi, chứ ra đến tuyến trung ương là cũng khó” (Phỏng vấn sâu, Trưởng thôn, nam giới, 62 tuổi).

Ngoài ra, nhiều trường hợp (53.1%) khi nhận thấy Trạm y tế không khám được bệnh của con, chẳng hạn như y tế thị trấn sợ trẻ bị sốc phản vệ nên không dám tiêm vắc-xin cho trẻ khuyết tật, cũng gặp nhiều khó khăn khi muốn chuyển con lên bệnh viện tuyến trên. Theo quy định của thủ tục hành chính hiện nay thì họ phải vòng đi vòng lại nhiều lần để xin giấy giới thiệu chuyển viện. Những khó khăn này có thể khiến nhiều hộ gia đình không thể cho con đi khám, chữa bệnh ở những nơi phù hợp.

Bên cạnh đó, việc cha mẹ không nắm rõ các chính sách hỗ trợ đối với trẻ khuyết tật cũng là một yếu tố khiến trẻ bị hạn chế cơ hội được chăm sóc y tế. Điều này một phần vì việc tuyên truyền và thực hiện chính sách chưa được sâu sát, đặc biệt là vai trò của cán bộ Lao động-thương binh-xã hội cấp xã phường trong việc rà soát các trường hợp trẻ khuyết tật và hỗ trợ làm chính sách cho trẻ còn yếu. Một phần vì nhiều gia đình, đặc biệt là ở các khu vực vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, do vấn đề nhận thức, tập quán và ngôn ngữ, còn gặp khó khăn trong giấy tờ và thực thi các thủ tục hành chính. Ngoài ra, khảo sát còn phát hiện hiện tượng một số gia đình không chấp nhận tình trạng khuyết tật của con, đặc biệt đối với các vấn đề khuyết tật trí tuệ, dẫn tới việc trẻ không được làm chế độ để hưởng các hỗ trợ chính sách. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ lo sợ sự kỳ thị của xã hội. “Trường hợp không thừa nhận con khuyết tật thì cũng nhiều. Trẻ có nhiều hành vi bất thường, nhưng nói chuyện thì bố mẹ không chịu nhận, vẫn khẳng định con tôi ở nhà vẫn khôn, vẫn ngoan. Không chịu cho con đi khám. Như có trường hợp ngay gần nhà tôi, dấu hiệu chậm phát triển quá rõ, rất là nặng, nhưng nói thì bố mẹ không thừa nhận. Giờ con bé đấy có đi học được đâu. (PVS, cô giáo, 54 tuổi)”. Sự “từ chối” này chính là một rào cản hạn chế trẻ tiếp cận dịch vụ y tế và giáo dục thông qua các biện pháp can thiệp về mặt chính sách của Nhà nước.

Trên cơ sở các phát hiện khi rà soát hệ thống chính sách  và các kết quả từ nghiên cứu thực địa, khảo sát này đề xuất các giải pháp nhấn mạnh vào bốn nhóm giải pháp. Một là thúc đẩy việc xây dựng, bồi dưỡng và củng cố hệ thống y tế cấp cơ sở, thông qua việc (1) tăng cường năng lực nhận diện, chăm sóc và làm việc với trẻ em và các dạng khuyết tật khác nhau; (2) tìm kiếm các sáng kiến để nâng cao chế độ đãi ngộ nhằm khuyến khích sự cam kết nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ y tế tuyến đầu. Hai là đẩy mạnh truyền thông nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho trẻ em khuyết tật của các gia đình, thay đổi các tập quán bất lợi như đợi đến khi bệnh trở nặng mới đưa trẻ đi khám. Ba là tạo ra các cơ chế nhằm phát huy vai trò của cán bộ Tư pháp và đặc biệt là cán bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, để các cán bộ này là các đầu mối quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi pháp lý và chính sách cho trẻ em khuyết tật. Bốn là thúc đẩy các sáng kiến huy động nguồn lực cộng đồng , đẩy mạnh quá trình và tạo cơ chế ưu đãi nhằm xã hội hóa các dịch vụ y tế, để khai thác nguồn lực cộng đồng cùng chung tay  hỗ trợ trẻ em khuyết tật tại cộng đồng.

Đặng Văn Thanh

Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam

Bài viết liên quan

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Hình ảnh tại chương trình

Nam Định: Trao học bổng cho học sinh vượt khó

bí thư tỉnh ủy

Nam Định: Công bố quyết định thành lập Đảng bộ thành phố và Đảng bộ các phường sau sáp nhập

Hình ảnh minh họa (nguồn internet)

Nam Định: Chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất

Bảo hiểm thương tật, cứu cánh cho người lao động nếu không may tai nạn

Picture1

HOA ĐÀO NỞ MUỘN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang