Những người làm việc vì lòng biết ơn

Gương mặt ngây ngô, ánh mắt thất thần và những đôi tay vụng về run rẩy… họ là những người đã dành cả thanh xuân cho độc lập tự do của Tổ quốc. Bao nhiêu năm qua, khi rời xa chiến trận họ đến với ngôi nhà chung của các thương, bệnh binh, nhận được sự quan tâm, chăm sóc của những người đã tình nguyện ở bên họ bằng tất cả tình yêu thương thiêng liêng như dành cho người thân của mình.

Cuộc trò chuyện của những người con và những người bố không cùng huyết thống tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên.

Cuộc trò chuyện của những người con và những người bố không cùng huyết thống tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên.

Mối lương duyên đặc biệt

Chúng tôi đến Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng (Hà Nam) vào những ngày tháng 7. Đến đây, chúng tôi mới thực sự cảm nhận được phần nào sự khốc liệt của chiến tranh. Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng sự khốc liệt của nó vẫn hiện hữu trên cơ thể những người lính. Ở bên kia sườn dốc của cuộc đời các thương, bệnh binh không chỉ chịu sự đau đớn bởi vết thương chằng chịt mà còn phải chịu thêm bệnh lý tuổi già và tổn thương về trí tuệ nên các y, bác sĩ, điều dưỡng phải phục vụ từ ăn, tắm, ngủ, nghỉ đến uống thuốc.

Từ các dãy nhà cấp 4, bóng dáng bác sĩ và hộ lý, y tá thoăn thoát di chuyển từ dãy này đến dãy kia. Mỗi người một việc, người lau dọn phòng ở, người tắm rửa, người khám bệnh, truyền thuốc cho các thương bệnh, binh… tất cả đều rất nhẹ nhàng, cùng lời nói ngọt ngào dỗ dành của những người con dành cho các ông bố không cùng huyết thống.

“Hôm nay bác thấy trong người thế nào, bữa nay bác ăn cơm có thấy ngon không? Bác có ngủ được không” – giọng bác sĩ Chu Trung Dũng nhẹ nhàng, ấm áp khi đến bên giường của thương binh Trịnh Quang Trung ở Khoa điều trị I.

Anh Dũng giới thiệu với tôi: Đây là bác Trịnh Quang Trung sinh năm 1948 quê ở xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Bác ấy tham gia chiến trường miền Nam, bị thương nặng với tỷ lệ thương tật 81%. Tháng 4/1976 bác về điều dưỡng tại Trung tâm với tình trạng bệnh tâm thần do vết thương sọ não. “Sau nhiều năm điều trị, giờ bệnh của bác cũng đã thuyên giảm nhiều nên có thời gian bác ở đây nhưng cũng có lúc bác về với gia đình. Mấy hôm nay nắng nóng vết thương cũ của bác tái phát, bác mệt mỏi, mất ngủ nên đến đây để điều trị”, anh Dũng cho biết.

Sinh ra và lớn lên ở Thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, Hà Nam ngay từ khi con nhỏ hình ảnh các thương bệnh binh đã gắn bó với tuổi thơ của bác sĩ Chu Trung Dũng chính vì vậy những tình cảm gắn bó với các thương bệnh binh ở đây đã có trong anh từ khi nào không biết. Sau 3 năm làm việc trong quân đội, năm 1991 anh chuyển ngành về công tác tại Trung tâm điều dưỡng Thương binh Kim Bảng. Hàng ngày chứng kiến những nỗi đau của các thương binh, bệnh binh khi vết thương tái phát một lần nữa lại thôi thúc anh quyết tâm thi vào đại học y Thái Bình và cuối cùng giấc mơ trở thành bác sĩ của anh đã trở thành hiện thực. Sau khi tốt nghiệp đại học đã có biết bao lời mời gọi anh làm việc với sự đãi ngộ tốt nhưng anh vẫn quyết định trở lại gắn bó với Trung tâm.

Các nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cho các thương, bệnh binh.

Các nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cho các thương, bệnh binh.

Bác sĩ Chu Trung Dũng cho biết, với đặc thù của đơn vị là chăm sóc, nuôi dưỡng các thương, bệnh binh hạng đặc biệt nặng, mất sức từ 81% trở lên, bị mắc bệnh tâm thần mãn tính sa sút về hoạt động tâm thần do vết thương sọ não nên quá trình chăm sóc gặp không ít khó khăn. “Vào những hôm trái gió trở trời, vết thương cũ lại tái phát khiến các bác đau đớn dẫn đến việc không làm chủ được cảm xúc, nổi nóng với đội ngũ nhân viên. Những lúc như vậy, chúng tôi luôn cố gắng bình tĩnh, nhẫn nại, làm tốt công tác chuyên môn, chăm sóc cho các bác thật chu đáo. Bởi hơn ai hết, chúng tôi thấu hiểu và đồng cảm với những mất mát và nỗi đau mà các bác đang trải qua. Với chúng tôi, công việc chăm sóc các bác không chỉ là trách nhiệm mà còn là sẻ chia, sự thấu hiểu và yêu thương từ tận đáy lòng”, bác sĩ Dũng chia sẻ.

Là người gắn bó với Trung tâm điều dưỡng Thương binh Kim Bảng từ ngày đầu thành lập bác Bùi Đức Thà ở xã Đông Kinh, Đông Hưng, Thái Bình tham gia chiến đấu trong chiến dịch thành cổ Quảng Trị và bị thương. Sau gần một năm điều trị vết thương tại bệnh viện, năm 1976 bác được đưa về đây. Bác Thà cho biết: Ở trung tâm, tôi luôn nhận được sự quan tâm về vật chất lẫn tinh thần. Các chế độ được hưởng đúng, đủ, kịp thời, được chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh kịp thời, chu đáo hằng ngày. Cán bộ, nhân viên và thương bệnh binh như người một nhà rất vui vẻ, không khí trong đơn vị luôn đầy ắp tiếng cười. Đời sống vật chất của anh em thương, bệnh binh sống ở trung tâm ngày càng được nâng cao, các phòng đều có điều hòa, ti vi, phòng ở thoáng mát, sạch sẽ. Anh em thương binh chúng tôi nhận được sự chăm sóc chu đáo của anh em, cán bộ, nhân viên tại Trung tâm. Chúng tôi coi nhau như người thân trong một gia đình.

Tình cảm thiêng liêng bằng cả tấm chân tình

“Bố ơi, hôm nay có các nhà báo xuống trung tâm mình, con đưa bố xuống chụp ảnh ở hồ sen nhé” – tiếng điều dưỡng Nguyễn Thị Hằng ở Trung tâm Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên gọi bác Phạm Minh Liên. Rồi sau đó, Hằng nhanh chóng ra phía sau cầm chiếc khăn mặt và cái lược trên tay. Hằng cẩn thận nhẹ nhàng lau mặt, chải tóc rồi mặc cho bác Liên chiếc áo bộ đội mới. Vừa làm Hằng vừa bảo: “Hôm nay, con phải tân trang cho bố để bố thật đẹp khi lên ảnh mới được”. Còn ông Liêm nở nụ cười ấm áp, mắng yêu: “Bố chị, tôi già rồi còn đẹp sao được nữa”. Câu chuyện giữa họ chúng tôi cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương của tình cha con giữa hai người không cùng huyết thống.

Chia sẻ với tôi Hằng cho biết, bố em cũng là thương binh nên em thấu hiểu những nỗi đau thân thể mà các bác thương, bệnh binh đang phải chịu vì vậy khi quyết định làm việc ở trung tâm em đã luôn tâm niệm một điều dù khó khăn, vất vả bao nhiêu thì mình cũng phải nỗ lực cố gắng hết mình bởi làm công vệc này không chỉ là trách nhiệm mà còn bằng tình thương yêu, sự tri ân đối với các thế hệ cha, chú đã hy sinh xương máu của mình cho thế hệ chúng em hôm nay.

Bác sỹ Đoàn Văn Kiện – Phó Trung tâm Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên cho biết, mỗi trung tâm điều dưỡng người có công đều có những đặc thù riêng. Không giống như Trung tâm điều dưỡng Thương binh Kim Bản, các thương, bệnh binh ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên hầu hết đều có tình trạng thương tật nặng, suy giảm 81% sức lao động trở lên. Có bác bị vẹo cột sống, có bác bị cụt hai chân, hai tay, có người bị mù cả hai mắt. Nhiều bác vẫn còn những mảnh đạn trong người, hằng ngày, hằng giờ chịu đau đớn do những vết thương cũ tái phát.

Giờ chơi cờ của các bác bác thương, bệnh binh.

Giờ chơi cờ của các bác bác thương, bệnh binh.

Bác sĩ Kiện cho biết, hiện trung tâm đang thực hiện nuôi dưỡng, điều trị 56 thương bệnh binh thuộc 15 tỉnh, thành phố trong cả nước của 2 thời kỳ chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và chống Mỹ cứu nước. Người lớn tuổi nhất là 93, người trẻ tuổi nhất gần 60, phần lớn có từ 4 đến 5 loại bệnh, nên việc chăm sóc, điều trị rất khó khăn.

“Chăm sóc 56 bác, mỗi người một tính khác nhau, cộng với thương tật nặng, tuổi đời cao, tâm lý cũng không ổn định dễ nổi cáu vì vậy việc chăm sóc thương binh, bệnh binh không chỉ đơn giản là kê đơn, cắt thuốc, mà còn cần đến những “liều thuốc tinh thần. Thấu hiểu điều đó, y tá, bác sĩ, hộ lý tại Trung tâm luôn ân cần trong công tác điều trị cho các thương, bệnh binh và sẵn sàng lắng nghe tâm sự của các bác” – Bác sỹ Đoàn Văn Kiện cho biết.

Bác sĩ Kiện chia sẻ, công tác chăm sóc sức khỏe cho người có công là một nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất tự hào, thể hiện sự tri ân với các thế hệ đi trước đã chiến đấu hi sinh cả tuổi thanh xuân vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Do đó, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên trung tâm luôn đề cao vai trò, trách nhiệm của mình, không ngại khó khăn vất vả, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, để các thương, bệnh binh yên tâm điều trị, nghỉ dưỡng, tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” và luôn coi trung tâm là ngôi nhà thân thương, an toàn.

Chăm sóc các thương bệnh binh bị vết thương tái phái khi thời tiết thay đổi.

Chăm sóc các thương bệnh binh bị vết thương tái phái khi thời tiết thay đổi.

Rời các trung tâm, chúng tôi vẫn nhớ mãi câu nói của Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng Thương binh Kim Bảng, Hà Nam: “Công việc chăm sóc người bệnh vốn đã vất vả nhưng công tác chăm sóc thương, bệnh binh còn vất vả bội phần. Vì thế với những người đang làm công việc này không chỉ bởi tình thương, trách nhiệm mà hơn hết đó chính là lòng biết ơn!

Theo Báo điện tử Dân sinh

Bài viết liên quan

Picture6

Hải Phòng: Lễ biểu dương 139 học sinh,sinh viên tiêu biểu xuất sắc của Thành phố năm 20

Picture2

Thành phố Nam Định hình thành 3 vùng phát triển sau sáp nhập

Picture2

Tạp chí Lao động và Sáng tạo trao 1.000 suất quà đến người dân Lào Cai bị ảnh hưởng do cơn bão số 3

NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐỆ ĐƠN XIN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Đoàn luật sư thành phố Hà Nội hưởng ứng tham gia ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” thành phố Hà Nội năm 2024

Picture1

Thái Nguyên: Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang