Những cuốn sách đến từ người khuyết tật: Không đơn giản chỉ là câu chuyện kể

(ĐHVO). Ai trong số chúng ta cũng đều vài lần vui buồn, xúc động bên những trang sách viết. Có thể nói sách chính là món ăn tinh thần quý giá của con người. Và đối với người khuyết tật sách còn quý giá hơn nữa khi nhiều người trong số họ đã gửi gắm tâm tư tình cảm của mình vào sách và trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao người.

1.Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký với cuốn sách gắn liền với bao thế hệ học sinh

Nguồn ảnh Internet

“Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp… Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.” Những câu văn trong cuốn sách “Tôi đi học” của thầy Nguyễn Ngọc Ký là tự truyện xúc động về hành trình đi học và quyết định theo đuổi nghề giáo của thầy. Bâng khuâng những cảm xúc khó tả, cuốn sách đã gieo vào lòng bạn đọc tinh thần hiếu học, không ngại khó, ngại khổ của người thầy đáng kính.

Thầy Nguyễn Ngọc Ký năm lên 4 bị liệt cả hai tay, 7 tuổi bắt đầu tập viết. Cả tuổi thơ ông gắn liền với mong ước được cắp sách đến trường, cuối cùng vượt lên trên tất cả trở thành một nhà giáo ưu tú. Cũng bằng đôi chân ấy, ông đã viết sách, làm thơ, dạy dỗ qua bao thế hệ học sinh. Để rồi cho đến bây giờ và mãi về sau thầy vẫn luôn là người truyền lửa, thắp sáng nên ước mơ của nhiều người.

Thầy đã hoàn thành cuốn sách này trong những tháng ngày chống chọi với cơn đau của bệnh thận và chăm chút từng nét bút, câu chữ bằng đôi chân của mình. Có lẽ chính nhờ nghị lực phi thường ấy mà cuốn sách “Tôi đi học” đã trở thành nguồn động lực của rất nhiều người, đặc biệt là những người không may mắn bị khiếm khuyết về cơ thể.

2. Nữ nhà văn Trần Trà My với những yêu thương trên từng câu chữ

Nguồn ảnh Internet

Nữ nhà văn nghị lực Trần Trà My từ nhỏ trải qua một cuộc phẫu thuật không thành công để lại biến chứng khiến đôi chân bị bại liệt khiến chị phải nằm một chỗ, thậm chí không nói được, chỉ ú ớ thành câu. Có thể đôi chân chị không đi được nhưng không làm giấc mơ văn chương trong chị dập tắt. Là cây bút quen thuộc của giới trẻ, nhà văn Trà My thực sự đã và đang trở thành nguồn cảm hứng sống đẹp cho rất nhiều bạn trẻ hiện nay.

Cuốn sách “Yêu trên từng ngón tay” của chị đã nhận được sự yêu mến của nhiều độc giả. Ở đó nữ nhà văn đem đến cho bạn đọc những câu chuyện giàu cảm xúc về tình yêu, gia đình, cuộc sống,…Mặc dù mỗi câu chuyện mở ra các hoàn cảnh sống, tình huống khác nhau nhưng kết thúc luôn là hi vọng, niềm tin vào “những điều tốt đẹp”.

Bày tỏ suy nghĩ của mình về nhà văn đầy nghị lực Trần Trà My, nhà thơ Ngô Thị Hạnh xúc động “…Em vẫn vượt qua mọi khó khăn để đến với nghề. Tôi đã thấy mình yêu nghề viết hơn khi nhớ đến em. Cảm ơn văn chương đã cho tôi có dịp gặp em, đọc những trang văn của em và tiếp tục suy tư về cuộc đời và sự sống”.

3. Vũ Ngọc Anh – chàng trai từng gãy xương 150 lần với tự truyện “Không thể vỡ”

Nguồn ảnh Internet

Căn bệnh xương thủy tinh quái ác đã khiến một chàng trai mạnh khỏe trở thành một người phải gắn liền với xe lăn. 150 lần gãy xương là 150 lần đau đớn, giày vò nhưng sự đau khổ ấy không làm “gục ngã” được anh.

Tự lập từ năm 18 tuổi, dù chỉ ngồi trên một chiếc xe lăn nhưng chàng trai ấy vẫn luôn tự bươn chải kiếm sống, làm đủ ngành nghề và còn năng nổ tham gia các hoạt động tình nguyện. “Không thể vỡ” là cuốn tự truyện kể cuộc hành trình của Vũ Ngọc Anh từ khi ra khỏi nhà năm 18 tuổi cho đến năm 28 tuổi, đem đến cho độc giả cái nhìn đa chiều về cuộc sống, chia sẻ kinh nghiệm đi đến nhiều nơi để chứng minh cho mọi người thấy người khuyết tật có thể làm được tất cả những điều họ muốn bởi “không có gì là không thể làm được” – như anh đã từng chia sẻ.

4. Nguyễn Thị Kim Hòa: Khi “Cơn lũ vẫn chưa qua” nhưng niềm tin không hề vụt tắt

Nguồn ảnh Internet

Từ năm hai tuổi, Kim Hòa bị sốt cao dẫn đến bại liệt người, chỉ có thể nằm và viết bằng nửa tay trái. Khi cuốn “Cơn lũ vẫn chưa qua” ra đời, kể về những day dứt khôn nguôi về số phận của người phụ nữ duyên hải Nam Trung Bộ, nhiều người ngạc nhiên tự hỏi một cô gái nhỏ bé đã viết nên cuốn sách này như thế nào, đã chịu nhiều khó khăn ra sao,…

Có thể nói chính Kim Hòa đã tìm đến văn chương như một liều thuốc tinh thần giúp cô chống chọi lại bệnh tật đang ngày đêm giày vò thể xác. Cô nói: “Tôi hạnh phúc vì được là người viết. Lao động sáng tác không hề là một cuộc dạo chơi thong dong của cảm xúc và tâm hồn, nhưng trên con đường mệt nhọc cả về thể xác lẫn tinh thần này, tôi chắc chắn sẽ tiếp tục đi, đi mãi. Đơn giản, vì tôi yêu văn chương”.

Tình yêu là một điều gì đó khó có thể nói thành lời, tình yêu văn chương cũng vậy. Tình yêu ấy đã tạo động lực cho một con người cảm tưởng không thể làm gì trở thành một nhà văn được nhiều người mến mộ. Tinh thần lạc quan, niềm đam mê mãnh liệt của nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa đã khiến giấc mơ văn chương của nhiều bạn trẻ như được sống lại, họ cũng muốn theo đuổi nghiệp viết như những gì mà Kim Hòa đã làm được.

5. Níu lại chút “Nắng nghiêng mùa” của nhà thơ Vương Chi Lan

Nguồn ảnh Internet

Nhà thơ Chi Lan từng phải giã từ giấc mơ làm cô giáo khi đã học xong cao đẳng sư phạm vì khuyết tật tay phải, buộc phải cầm phấn, cầm bút bằng tay trái. Cú sốc sự nghiệp khiến nhà thơ từng có ý định tử tự nhưng rồi khao khát được sống lại bùng lên mãnh liệt trong cô khi “nhận ra vẻ đẹp xung quanh mình”, nhận ra thơ có sức mạnh nuôi dưỡng tâm hồn để viết lên nỗi lòng còn nhiều điều chưa nói,…

Tập thơ “Nắng nghiêng mùa” là một trong những tập thơ hay nhất của Vương Chi Lan, viết về thân phận, cuộc đời, về những điều đã qua và cả về tương lai trước mắt, về tình yêu nước nồng nàn và yêu cuộc sống da diết.

“Cánh chim mòn mỏi bay

Người quay về vội vã

Đường đời như chiếc lá

Chưa xanh đã hết ngày”

(Trích đoạn trong tập thơ “Nắng nghiêng mùa”)

Đời có bao nhiêu năm mà sống u sầu, mệt mỏi. Những con người không may bị khiếm khuyết về cơ thể vẫn đang nỗ lực từng ngày để sống được làm chính mình, viết nên ước mơ, hi vọng của bản thân về một tương lai tươi sáng. “Giữa một vùng đất khô cằn sỏi đá, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp” và giữa cuộc sống còn nhiều điều vất vả, hãy kiên cường, nghị lực vượt qua những khó khăn, để rồi chính chúng ta sẽ viết nên những điều không thể thành có thể.

Lan Phương

Bài viết liên quan

Ảnh 1

Tiếp tục khẳng định vai trò, ý nghĩa của chính sách trợ giúp pháp lý đối với đời sống xã hội

Picture1

Vụ Bản: Nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo người có công

Picture1

Thúc đẩy vai trò của người khuyết tật vì một xã hội hòa nhập và phát triển bền vững

Picture1

Thanh Hoá: Những hoạt động ngoại khoá sôi nổi nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam tại trường tiểu học Nga Bạch

Picture1

CẦN THIẾT ĐỒNG BỘ “GIẤY XÁC NHẬN KHUYẾT TẬT” CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang