Những bác sĩ của người nghèo, người khuyết tật

Mong muốn san sẻ khó khăn, gánh nặng, nhiều thành viên Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Bắc Giang đã đến tận nhà để khám bệnh, tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người khuyết tật, neo đơn.

Vừa đo huyết áp, nghe tim phổi cho ông Nguyễn Văn Vinh (SN 1958) ở thôn Vinh Quang, xã Yên Mỹ (Lạng Giang), bác sĩ Hoàng Văn Mát, công tác tại Khoa Ngoại tổng hợp, Trung tâm Y tế huyện Lạng Giang, Chủ nhiệm CLB Thầy thuốc trẻ huyện vừa động viên, nhắc nhở người bệnh ăn uống, tập luyện nhẹ nhàng. Ngoài ông Vinh, các thành viên trong gia đình đều được các y, bác sĩ của CLB Thầy thuốc trẻ huyện khám bệnh, tư vấn tận tình.

Bác sĩ CLB Thầy thuốc trẻ huyện Tân Yên khám bệnh cho hộ gia đình ông Nguyễn Tất Đặt, thôn Tân Trung, xã Ngọc Châu.

Bác sĩ CLB Thầy thuốc trẻ huyện Tân Yên khám bệnh cho hộ gia đình ông Nguyễn Tất Đặt, thôn Tân Trung, xã Ngọc Châu.

Là hộ nghèo nhiều năm, cuộc sống của gia đình ông càng khó khăn hơn khi cả bốn người trong nhà đều mắc bệnh hiểm nghèo. Ông Vinh bị tai biến cách đây vài năm, không thể di chuyển, đi lại bình thương. Vợ bị ung thư vú. Hai con trai của ông bị thoái hóa khớp háng. Trong đó, con trai út Nguyễn Văn Thủy năm nay 18 tuổi đã phải bỏ học giữa chừng khi đang là học sinh lớp 11. Ông Vinh nói: “Huyết áp của tôi luôn ở mức cao nhưng tôi lại chưa chú ý. Được bác sĩ khám, tôi biết rõ hơn tình trạng sức khỏe của bản thân để điều chỉnh việc ăn uống, tập luyện và uống thuốc đầy đủ”.

Bác sĩ Hoàng Văn Mát cho hay, các y, bác sĩ trẻ được chọn khám bệnh cho gia đình ông Vinh và 21 hộ chính sách khác ở xã Yên Mỹ đều là những người có tinh thần xung kích, chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng. Đó là các chị: Nguyễn Thị Anh Thơ, Khoa Đông y – Phục hồi chức năng, Hoàng Thuỳ Hoa, Khoa Khám bệnh, Nguyễn Thị Như Ngọc, Phòng Huyết áp – Tiểu đường đều công tác tại Trung tâm Y tế huyện Lạng Giang.

Sau trận mưa giông kèm theo lốc xoáy lớn vào ngày 25/5 vừa qua, nhiều hộ dân ở xã Ngọc Châu (Tân Yên) bị thiệt hại nghiêm trọng. Gia đình bà Trần Thị Tươi và ông Giáp Tất Đặt, thôn Tân Trung bị ảnh hưởng nặng nề. Tường nhà bị đổ, mái ngói vỡ từng mảng lớn. Ngay trong trận lốc xoáy, khi vội vàng thu dọn đồ dùng, bà Tươi bị ngã, dập 2 ngón tay.

Thăm hỏi, động viên gia đình ông bà, đoàn y, bác sĩ CLB Thầy thuốc trẻ huyện Tân Yên kiểm tra lại vết thương sau mổ của bà Tươi và tư vấn cho ông Đặt về chế độ ăn uống, kiểm soát huyết áp.

Bác sĩ Phùng Văn Cương, Chủ nhiệm CLB Thầy thuốc huyện Tân Yên cho biết, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên từ đầu năm 2020, CLB đã chuyển hướng, thay đổi phương thức hoạt động tình nguyện từ tổ chức hoạt động tập trung sang thực hiện khám, tư vấn sức khỏe cho người nghèo, gia đình chính sách tại nhà.

Cũng triển khai từ đầu năm 2020 đến nay, các y, bác sĩ CLB Thầy thuốc trẻ huyện Yên Thế trực tiếp đến hộ nghèo, gia đình chính sách, người khuyết tật, bệnh nhân không thể di chuyển để khám bệnh. CLB Thầy thuốc trẻ huyện Yên Thế lập danh sách, hồ sơ của các gia đình chính sách, hộ nghèo và phối hợp với cán bộ, y sĩ của Trạm Y tế các xã theo dõi sức khỏe, khám bệnh từ 3 đến 6 tháng/lần.

Bác sĩ Đặng Văn Hòa, Chủ nhiệm CLB Thầy thuốc trẻ tỉnh Bắc Giang cho hay, “Bác sĩ đến nhà” là sáng kiến xuất phát từ thực tiễn. Các y, bác sĩ sẽ mất công hơn vì phải đến tận gia đình, thăm khám cho từng người bệnh nhưng hoạt động này rất thiết thực, ý nghĩa, nhất là với các gia đình neo đơn, người bệnh nặng, khó khăn khi di chuyển. Qua mỗi chuyến đi tình nguyện, các thầy thuốc trẻ có cơ hội nắm bắt thực tế, thấu hiểu hoàn cảnh gia đình người bệnh, từ đó có sự đồng cảm, rèn luyện chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ và y đức.

Nhận thấy hiệu quả của mô hình “bác sĩ đến nhà” của CLB Thầy thuốc trẻ huyện Lạng Giang, Yên Thế, Tân Yên, từ tháng 5/2020, Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh chỉ đạo các cơ sở hội toàn tỉnh nhân rộng hoạt động này. Đặc biệt là vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7 hay kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh tới đây, hoạt động chủ yếu hướng tới các gia đình chính sách, hộ nghèo, người khuyết tật, người già neo đơn, trẻ em. Sau mỗi đợt khám, các đơn vị sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm, đề xuất cách làm để mang lại hiệu quả cao hơn.

Cũng theo bác sĩ Đặng Văn Hòa, một số bệnh lý nguy hiểm như các bệnh đường tiêu hóa, tim mạch có tiến triển khá âm thầm. Ở giai đoạn đầu, hầu hết các bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng hoặc giống với những bệnh lý thông thường. Khi đã đến giai đoạn giữa và cuối, các triệu chứng mới dần rõ ràng và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Thông qua các bài kiểm tra sức khỏe đơn giản như đo huyết áp, lượng đường trong máu, nhịp tim, các y, bác sĩ thu thập được một số thông tin khác như: Tiền sử bệnh của gia đình, thói quen thường ngày, tính chất công việc hiện tại để đưa ra lời khuyên giúp các thành viên trong gia đình điều chỉnh lối sống lành mạnh hơn.

Nguồn Báo Bắc Giang Điện Tử

Bài viết liên quan

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

hanh-trinh-vuot-kho-cua-co-rong-ti-hon-8-6221

Hành trình vượt khó của ‘cô rồng tý hon’

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang