(ĐHVO). Phát hiện thiếu sắt sớm trong thời kỳ mang thai và ở trẻ nhỏ là vô cùng quan trọng. Thiếu sắt ở trẻ em dưới hai tuổi có thể gây ảnh hưởng xấu không thể khắc phục tới sự phát triển của não, có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực đối với việc học tập và cuộc sống sau này của trẻ.
Sự phát triển nhận thức của một đứa trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng nếu người mẹ bị thiếu sắt trong ba tháng cuối của thai kỳ. Tổ chức Y tế Thế giới WHO mới đây đã có hướng dẫn về việc sử dụng nồng độ ferritin để đánh giá tình trạng chất sắt ở cá nhân và dân số nhằm giúp nhân viên y tế phát hiện sớm tình trạng thiếu sắt và tránh các tác động nghiêm trọng nhất có thể xảy ra. WHO chỉ ra cách đo ferritin, một chỉ số giúp xác định tình trạng thiếu hoặc quá tải sắt. Ferritin là một loại protein có thể được tìm thấy với một lượng nhỏ lưu thông trong máu người. Nồng độ Ferritin thấp ở những người thiếu sắt và nhiều người thừa chất sắt. Các phép đo chính xác của protein này, cùng với đánh giá lâm sàng và xét nghiệm, có thể hướng dẫn các biện pháp can thiệp thích hợp ở cả bệnh nhân và trong cộng đồng. Theo tiến sĩ Francesco Branca, Giám đốc Cục Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm tại WHO cho biết: “Thiếu sắt là một trong các yếu tố chính gây ra tình trạng thiếu máu, giảm tình trạng thiếu máu là một trong những nỗ lực của chúng tôi để loại các dạng suy dinh dưỡng trên thế giới. Tuy nhiên, tiến độ đã bị hạn chế và chúng tôi vẫn còn 614 triệu phụ nữ và 280 triệu trẻ em trên toàn cầu phải chịu đựng tình trạng đó. Đo ferritin, một thành phần sinh học chính của chuyển hóa sắt, sẽ giúp chúng ta xác định và đánh giá chính xác hơn cần làm gì để để chống lại tình trạng thiếu máu”.
Sắt là một nguyên tố thiết yếu với các chức năng quan trọng như vận chuyển oxy, tổng hợp DNA và chuyển hóa cơ bắp. Theo WHO, thiếu sắt là nguyên nhân chính gây thiếu máu, là tình trạng thiếu dinh dưỡng phổ biến nhất trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến 33% phụ nữ không mang thai, 40% phụ nữ mang thai và 42% trẻ em trên toàn thế giới. Ở người trưởng thành, thiếu sắt cũng có thể có những tác động tiêu cực bao gồm mệt mỏi, suy giảm thể lực và giảm năng suất làm việc, cũng như ảnh hưởng đến các hoạt động xã hội. Thiếu sắt xảy ra chủ yếu khi các yêu cầu của sắt tăng lên trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển nhanh chóng như ở thời thơ ấu, thanh thiếu niên và mang thai, nhưng nó có thể xảy ra ở các giai đoạn khác trong cuộc đời. Ở phụ nữ mang thai, thiếu sắt có thể gây thiếu máu, giảm cân khi sinh và hiện tượng sinh non.
Tình trạng quá tải sắt (tích lũy sắt trong cơ thể) nói chung là kết quả của các rối loạn như bệnh tan máu bẩm sinh, bệnh thalassemia, truyền máu nhiều lần hoặc các tình trạng khác ảnh hưởng đến sự hấp thụ hoặc điều hòa sắt và cũng có thể dẫn đến suy giảm sức khỏe của một người nếu không được điều trị.
Cải thiện kiến thức về tỷ và điều tiết lượng sắt trong sơ thể con người giúp các quốc gia quyết định các biện pháp can thiệp phù hợp, giám sát và đánh giá tác động an toàn của các chương trình y tế công cộng.
Thiếu máu là một tình trạng bệnh lý thường gặp, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như ở Việt Nam, trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là do thiếu sắt. Người dân và các cơ sở y tế cần lưu ý đến các phương pháp kiểm tra lượng sắt trong cơ thể, đặc biệt là trên một số đối tượng mà nhu cầu sắt tăng cao (ví dụ như thai phụ, trẻ em…) để ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt xảy ra, vì một xã hội khỏe mạnh.
P.A