Nhà thơ Bằng Việt giới thiệu tập thơ mới của Nhà thơ Kim Quốc Hoa

NHỮNG DÒNG LỤC BÁT KÝ THÁC CHÍ TÌNH

Nhà thơ Bằng Việt

Kim Quốc Hoa nặng tình với các thể thơ truyền thống. Anh cũng có làm cả thơ theo luật Đường thi ngoài  thơ tự do, nhưng thơ lục bát đậm đà hơi hướng dân gian và tràn đầy nỗi niềm giãi bày tự sự… vẫn là thể loại thơ anh ưa thích.

Từ năm 1969, khi còn là lính Trường Sơn, anh từng đã có nhiều câu lục bát thanh thoát, ngọt ngào, ghi chép chân thực cảnh và tình trên con đường huyền thoại Hồ Chí Minh, có ý vị ca dao, vô cùng dễ nhớ: “Hôm qua đã vươt Cổng Trời / Hôm nay bước tới chín mười thang mây / Đu đưa võng giữa rừng cây / Quên sao tiếng mẹ ru ngày còn thơ”. Hay cảnh rừng Xuân đang còn kín nhụy nhưng tàn ngập cảm xúc, ngay trước mùa đại thắng 1973,- mùa Nhà nước ta sắp ký kết thành công Hiệp định Paris: “Đường dài từ gốc hậu phương / Đã thông suốt đến tận Trường Sơn xa / Dứt còi, là tiếng vù ga / Đất nâng nhịp bánh xe ta đi vào / Trước Xuân, nên vắng hoa đào / Điệp trùng non nước, ngọt ngào gió đông / Như nguồn lạch đổ về sông / Người đi đánh giặc, nên không kể mùa…”

Cái chất hiền hòa ấy trong thơ lục bát Kim Quốc Hoa, giờ đã đến thời bùng nổ. Đó là khi anh bắt đầu “tự vấn” mình, khi đã bước vào tuổi 70 (năm 2014):

“Qua bao năm tháng ngậm ngùi / Cuộc đời lắm lúc ngọt bùi đắng cay / Nhiều khi tự vấn thế này / Sao mình cứ sống thẳng ngay quá chừng? / Sao không biết cúi cái lưng / Biết quỳ cái gối, biết dùng cái “phao”!/ Sao không biết nói ngọt ngào / Biết nịnh ai đó, biết chào xun xoe? / Sao mình chỉ biết chẻ hoe / Thẳng như ruột ngựa, không e ấp gì?” Hỏi “sao” như vậy để cho vui thôi, còn bản chất vốn đã là như thế, đã có cái bất cần “dám làm dám chịu” như thế , thì hỏi nữa mà làm gì, cứ lật ngược chẻ hoe những điều cần hỏi kia ra, là đã biết câu trả lời rồi!

Con người ấy, tính cách ấy, vậy là vô cùng gần với tính cách hiệp sĩ. Mà đã dễ “nổi máu hiệp sĩ” lên ở đời này, hẳn là sẽ không thể tránh khỏi lúc phải chịu trả giá. Cụ Nguyễn Du đã từng phải thốt lên: “Đã mang lấy nghiệp vào thân / Cũng đừng trách lẫn Trời gần, Trời xa…” kia mà!  Nhưng mà hoàn cảnh nghiệt ngã quá, đa đoan quá, chẳng lẽ lại không thể có một chút gì ngùi ngẫm trách Trời: “Cuối đời, gặp cảnh đa đoan / Trời cao chẳng thấu, non ngàn nào hay!..” Hai câu này mới viết năm 2019, khi tác giả đã vào tuổi 75, cái tuổi “nhân sinh thất thập”, sống đã nhiều, biết đã nhiều, trải nghiệm cũng đã nhiều, mọi điều đều đã đủ độ chín: “Công danh như cuộc bể dâu / Bao nhiêu thành bại, cơ cầu bấy nhiêu / Thời gian thấm thoắt phiêu diêu / Đò đưa năm tháng sớm chiều lênh đênh / Trải qua lên thác xuống ghềnh / Vui buồn lắm lúc bồng bềnh lãng du!…”

Chất lục bát hồn nhiên, trong trẻo từ thời mặc áo lính, tới nay đã có nhiều khía cạnh ngậm ngùi, biết làm sao khác đươc: “Cái thời lội suối trèo non / Xông pha trận mạc chỉ còn trong mơ / Chia tay hết thảy cuộc cờ / Bon chen hèn mọn, nghi ngờ lẫn nhau”…Bây giờ, người ta bảo anh, tóc bạc hết rồi, sao không biết “tân trang” đôi chút cho mình trẻ lại, cho mình khả dĩ giữ được một phong độ dễ hòa nhập với đời hơn đi! Nhưng Trời ạ, cái máu hiệp sĩ trong anh nó lại không chấp nhận, nó vẫn cao ngạo đầy nguyên tắc: “Ngày xưa mái tóc nhánh đen / Bây giờ bạc trắng, trắng tuyền phau phau / Nhiều người khuyên nhuộm đổi màu / Mình không muốn đầu đổi trắng thay đen!” Ở đây, chất hiệp sĩ đáng nể mà cũng đáng yêu thật, nó có nguyên tắc sống của nó, dù cao ngạo đấy, nhưng thực sự nhân văn, thực sự nhất quán, không chấp nhận điều gì nhố nhăng, trái tự nhiên và trái đạo lý. Chi tiết nhỏ này còn muốn truyền đạt một điều còn lớn hơn tính nguyên tắc bất biến kia nữa, đó là biết giữ gìn và bảo vệ một triết lý sống có nhân cách cao thượng đến cùng, không thể chấp nhận hạ thấp mình vì một thỏa hiệp nào!

Khi tác giả đến Vạn Lý Trường Thành, cái chất lính Trường Sơn hòa quyện vào cái chất hiệp sĩ cao ngạo kia, lại làm nổi bật lên một chất “Người” cao đẹp và kiên nghị, một chất “Người”viết hoa, đầy khí phách mà không hề có gì “lên gân” giả tạo: “Bao năm quen với gian lao / Cả trong sóng gió, chẳng nao núng lòng / Nay già, vượt dốc thong dong / Trường thành Vạn lý cũng không là gì!” Câu thơ ngỡ nhẹ tênh lại khiến ta giật mình: Bao nhiêu khí lực đã nén dồn trong ấy?!

Nghĩ cho cùng, bản lĩnh của một đời người không phải là mất công đi tranh chấp “một li thiệt, một phân hơn” trong cái guồng quay vĩ đại của nhân quần, mà là phải đúc rút ra được một điều gì, chắt lọc ra được một chút gì làm giàu cho mình, cả tinh thần lẫn thể chất, để cuối cùng, cái chất “Người” trong bản thân mình lại càng “Người” hơn, phẩm chất và nhân cách của cái “Ta” trong mỗi chúng ta càng phải được thể hiện nhuần nhụy hơn, độc đáo hơn nữa; còn lại những gì là tiểu tiết, ngoại phụ, không quan trọng lắm trong sự hoàn thiện phẩm chất và nhân thân của mình, thì có thể dũng cảm mà quên đi, bỏ hẳn ra ngoài thế giới tinh thần của mình. Triết lý ấy cũng đã được Kim Quốc Hoa diễn tả một cách cô đọng và giản dị trong “Tâm sự đêm khuya”: “Nỗi lo thế sự bạc đầu / Cho ta bài học làm giàu trí khôn / Một li thiệt, một phân hơn / Quên đi tất cả để còn là ta!”

Có một nhà triết học nói rằng: Văn hóa là cái còn lại cuối cùng, sau khi ta đã hấp thụ tất cả và quên đi tất cả. Vậy thì ở đây, khi đã biết “quên đi tất cả để còn là ta”, thì cái “Ta” đã được chiêm nghiệm, hấp thụ và tinh lọc ấy sẽ là cái “Ta” đã hoàn chỉnh và tinh túy nhất. Đó cũng là một triết lý sống không dễ dàng mà có được, nhất là khi, ở một chỗ khác, trong “Tâm sự riêng mình”, tác giả lại đã hạ một câu đắng đót, giống như một tiếng thở dài: “ Chỉ thương cho một chữ “ Tôi” / Những gì mơ ước cứ vời vợi xa!…”

Bên cạnh các bài thơ “tâm sự” đích thực, Kim Quốc Hoa còn tỏ ra mình đích thực là một nhà báo nhay bén, nên anh đưa vào cả một loạt bài gắn với nhiều tin tức thời sự nóng hổi: Đó là chuyện thi cử nâng điểm ở Hà Giang, chuyện đề bạt cán bộ “đúng hay không đúng quy trình”, chuyện đường sắt Cát Linh – Hà Đông đội vốn lên mấy lần rồi vẫn không hoàn thành, chuyện chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh cúng “vong” để làm tiền của Phật tử, v.v…Điều thú vị là các bài thơ đó vẫn đi cùng với môt giọng thơ lục bát khá nhuần nhụy và có duyên.

Chất lục bát của tác giả Kim Quốc Hoa như vậy là không lắt léo, không đánh đố ai, không tạo dáng kỳ khu, khó nhọc, nó lúc nào cũng khoát đạt, nhẹ nhàng, trong trẻo, lại còn có rất nhiều hơi hướng của ca dao truyền thống. Ấy vậy mà nó đã được tác giả chọn để chuyển tải một nội dung vô cùng súc tích: Anh tâm sự với người, với tuổi tác, với thời gian, với bốn mùa, với đất, với trời, với rừng, với biển…Phạm vi tương tác của tác giả với thế giới xung quanh rộng và sâu, có điểm và có diện, như một cuốn Bách khoa thư thu nhỏ, vậy mà không chỗ nào khúc mắc, khó hiểu, không câu nào trúc trắc, khó nghe, không đoạn nào hụt hơi, trống rỗng. Thực sự, đây là một tập thơ đầy ắp ký thác “thế thái nhân tình”.

Có thể nói, như vậy là tác giả đã thành công, dù có vẻ như anh không tỏ ra quá vật vã “dụng công”, không tỏ ra quá tìm tòi, lạm dụng về hình thức biểu hiện và “làm xiếc” về ngôn ngữ, cũng không cố ý vặn vẹo để làm mới câu thơ lục bát bằng các thủ pháp kỳ công cắt câu, đảo chữ. Anh trung thành với hình thức thơ lục bát cổ điển đã tạo thành kiệt tác thơ ngay từ thời Nguyễn Du (và có thể còn hứa hẹn sẽ tạo thành những kiệt tác mang tính cổ điển, cả trong tương lai xa nữa).

Tuy nhiên, tôi muốn trích thêm một đoạn cuối cùng nữa để chứng tỏ một điều rằng: Ngay cả khi tác giả Kim Quốc Hoa muốn bông đùa, muốn tạo ra một số đoạn thơ phá lệ, “phăng-te-di” (fantaisie) trong thơ lục bát, bằng cách đưa vào một bài thơ có cái đầu đề phá cách bên cạnh các đầu đề chỉn chu khác, đó là : “Tâm sự trong nỗi vu vơ”, thì ta vẫn bắt gặp trong cái gọi là “vu vơ” này một tình yêu đích thực và nghiêm cẩn: “Nếu em là một ngôi sao / Cho anh ngước mắt nhìn vào không trung / Nếu em là một trái sung /  Cho anh đứng gốc, chờ từng phút giây /  Nếu em là bát rượu đầy / Cho anh uống cạn để say suốt đời!”. Vây là ngay cả ở những trang tác giả muốn cho cảm xúc thơ xô lệch, phá cách đi một chút, thì nó vẫn trở về với một hình thái cổ điển trọn vẹn và trong trẻo, dù có pha chút tinh nghịch, bông đùa.

Xin chúc mừng nhà thơ Kim Quốc Hoa, sau tập thơ dày dặn in năm 2017, đã rất sung sức cho ra tiếp một tập thơ lục bát trọn vẹn những dòng ký thác chí tình và sâu nặng, làm tăng sức hấp dẫn của thể thơ lục bát truyền thống này trong dòng chảy của thơ ca hiện đại.

BẰNG VIỆT

Bài viết liên quan

43

Chuỗi hoạt động chào mừng 70 năm giải phóng thành phố Nam Định

“Tháng 3 giỗ mẹ” – tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

1

Bầu chọn danh hiệu “Vận động viên (VĐV) tiêu biểu và đề cử vận động Thể thao người khuyết tật xuất sắc thành phố Hải Phòng lần thứ 30 năm 2023”

tl-1-5308.jpg

Quảng Bình: Triển lãm về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số

thoi-3-2228

Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy xoá mù chữ ở Lạng Sơn

D29031

Giải marathon Quốc gia 2023 xác lập kỷ lục Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang