Nguyễn Duy Đài, doanh nhân với sáng tạo tâm huyết dành cho người bệnh bại liệt

(ĐHVO). Về Xuân Phú, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, chúng tôi tới thăm gia đình anh Nguyễn Duy Đài (1976), Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xanh Hoà Phát, doanh nhân thành đạt giàu nghị lực với sáng tạo tâm huyết dành cho người bệnh bại liệt.


Gia đình anh Nguyễn Duy Đài cùng vợ là chị Trần thị Huệ cùng 3 cháu

Bên trong khuôn viên rộng trên 200 mét vuông, với mặt tiền chạy dài đến 30 mét theo con đường trục liên thôn xã Xuân Phú, nhiều mặt hàng điện tử dân dụng được sắp đặt ngay ngắn trên giá, các loại mặt hàng mà gia đình anh đang kinh doanh, cũng như những sản phẩm mà anh đã nghiên cứu sáng tạo và sản xuất, hiện đang cung ứng cho thị trường, cùng những gian nan vất vả mà anh chị đã từng nếm trải.

Anh tâm sự, là người con thứ năm trong gia đình có tám anh chị em, anh sinh ra như những đứa trẻ bình thường khác, nhưng số phận không may mắn với anh, khi được 5 tháng tuổi, một cơn sốt khiến anh bị co giật kéo theo đôi chân không thể cử động được. Thương anh, cha mẹ anh bồng bế con đi khắp các bệnh viện trong, ngoài, với niềm hy vọng có thể chữa trị được căn bệnh quái ác ấy. Tuy nhiên, thời gian đằng đẵng trôi, căn bệnh ngày càng trầm trọng hơn, khi cơ thể ngày càng lớn lên theo thời gian thì ngược lại đôi chân anh ngày càng bị teo tóp, dị dạng. Bất lực! Buông bỏ, nuốt nước mắt vào trong, Cha mẹ anh đành chấp nhận với số phận khi cuộc đời anh phải gắn liền với đôi chân phế.

Rồi năm tháng tuổi thơ qua, trên những cánh đồng xanh bát ngát, bên những dòng sông uốn quanh đã một thời đã mang lại ấm no cho gia đình 10 miệng ăn, nhờ vào sở thích bơi lội và khả năng bắt cá rất tốt của mình. Cùng với những nỗ lực và ý chí quyết tâm không chấp nhận đầu hàng số phận và anh đã vượt qua khó khăn để tự đứng vững trên chính đôi chân của mình.

Theo thời gian, anh đã học xong lớp 9 và cũng cảm nhận với muôn vàn khó khăn, đói, nghèo. Dừng việc học, anh quyết tâm học nghề điện tử, một ngành nghề anh luôn ao ước và phù hợp với thể trạng của mình, cũng là giúp gia đình vượt qua khó khăn. Để có tiền ăn học, anh xin làm công việc phụ như đánh giấy giáp ở xưởng mộc với số lương ít ỏi ở nhiều nơi làm việc khác nhau, thậm trí, anh phải lên Hà Giang để tìm việc làm. Tuy nhiên, việc làm khó khăn, cũng chỉ được thời gian ngắn nơi đây cũng hết việc.

Trở về Hà Nội với số tiền 500 nghìn đồng tiền công. Với số tiền 500 nghìn ít ỏi ấy, anh xin học nghề điện tử tại một cơ sở tư nhân trên đường Bưởi ở Hà Nội. Trước thân hình không lằn lặn của anh, thầy giáo có phần ái ngại. May mắn thay, anh đã được tiếp nhận. Để đền đáp ân tình ấy, bên cạnh việc học nghề, anh nhận làm tất cả các việc có thể từ việc lau nhà và giặt giũ quần áo để kiếm thêm thu nhập. Với tính cần cù và năng khiếu đấm bóp, anh đã có thêm thu nhập để đáp ứng nhu cầu của bản thân.

Năm tháng trôi qua, anh đã học thành nghề và trải qua vô vàn gian nan khi quyết chí khởi nghiệp với nhiều lần thất bại, thậm trí, anh đã phải vào tây nguyên để lập nghiệp. Mặc dù sống xa nhà, với nỗi nhớ người thân da diết, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, đành ngậm ngùi. Dù vậy, khi mỗi độ xuân về, khi những mái nhà nô nức tiếng cười đoàn viên, anh lại cảm thấy cô đơn trong căn nhà trống vắng. Và hạnh phúc đã đến với anh, trong một lần tình cờ anh gặp chị, tình yêu của hai người đã đơm hoa và cho những trái ngọt như ngày hôm nay.

Trở về quê hương để lập nghiệp sau bao năm tha phương, cũng là thực hiện ước mong của bố anh khi còn sống, bởi ông thương cho tấm thân không được lành lặn của anh và muốn anh thay đổi cuộc đời của mình trên mảnh đất quê hương, trong sự trở che của người thân cùng bà con làng xóm. Năm 2003, chị sinh cháu đầu, anh chị đặt tên Nguyễn Duy Khánh, như phần thưởng ngọt ngào được kết tinh bằng tình yêu và nghị lực của hai người. Cũng từ đây, anh quyết định mở cửa hàng sửa chữa điện tử để mưu sinh tại quê nhà trong sự giúp đỡ và ủng hộ của bà con lối xóm. Hai năm sau, chị hạ sinh cháu gái thứ hai. Cùng với thời gian, cửa hiệu của anh cũng được nhiều người gần xa biết tiếng và ủng hộ, thu nhập gia đình cũng từ đó tăng dần.

Trụ sở Công ty cùng sản phẩm mang thương hiệu của gia đình anh Đài

Năm 2012, gia đình lại đón tin vui khi cháu Nguyễn Hòa Phát chào đời. Cũng từ đây, anh tiếp tục mở rộng mô hình kinh doanh, với đã dạng ngành nghề. Anh vừa làm đại lý cung cấp sơn vừa tổ chức thi công trang trí nội thất cho các gia đình khi có nhu cầu. Với uy tín có được và được mọi người tin dùng, anh đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 20 lao động trong lĩnh vực nội thất với thu nhập lên đến 6 triệu đồng tháng, thu nhập của gia đình cũng tăng lên. Bên cạnh đó, với lợi thế trong tay là lĩnh vực cơ khí và điện tử, anh nghiên cứu và phát minh thành công máy lọc nước và đặt tên NaKa HD. Anh gia công sản xuất và với tính năng tiện ích của sản phẩm, hiện NaKa HD đã có mặt khắp nơi trên mọi miền tổ quốc.

Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục bắt tay vào nghiên cứu chiếc giường tiện ích để phục vụ cho những người khuyết tật bị liệt phải ăn nằm một chỗ, cũng như đối với những người không may bị những căn bệnh bại liệt, tai biến không thể tự phục vụ. Vốn đam mê với nghiên cứu, sáng tạo, phần nữa, cũng vì đồng cảm với những người không may mắn trong xã hội như mình, anh quyết tâm thực hiện ý tưởng ấy. Bằng sự hiểu biết của mình sau nhiều năm may mắn được đi tham quan nhiều nơi, được khám phá nhiều mô hình sản xuất công cụ, dụng cụ cho người khuyết tật bị bại liệt trên nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…, được tiếp cận với những phát minh về chiếc giường tiện ích để phục vụ người bại liệt có thể giảm thiểu tối đa nhu cầu lệ thuộc vào người thân. Anh bắt tay vào nghiên cứu và thiết kế chiếc giường tiện ích để phục vụ cho người bệnh, phục vụ việc thay rửa quần áo, cũng như việc tiểu tiện, hay đại tiện tại giường mà vẫn đảm bảo được kín đáo, sạch sẽ cho người bệnh và giảm thiệu công việc cho người phục vụ.

Năm 2017, sau một thời gian nghiên cứu, bằng những mô hình thực tế, anh đã hoàn thành được phát minh về chiếc giường tiện ích của mình mang tên “Chiếc giường màn che”. Thành quả đó là niềm tự hào của không chỉ riêng anh khi là NKT Việt Nam phát minh ra công cụ dành cho người đồng cảnh, mà hơn thế đó là phát minh của Người Việt. Với anh, ước mơ duy nhất của anh bây giờ là, có thể đưa vào sản xuất hàng loạt những chiếc giường để phục vụ người bệnh và hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho người thân của họ, bởi, hơn ai hết, anh là người thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn ấy.

Trần Hồng

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top