(ĐHVO). Làm theo lời dạy của Bác Hồ “ Thương binh tàn nhưng không phế”, Ông Nguyễn Đình Giang miệt mài lao động . Vượt qua mọi trở ngại khó khăn, Người lính của chiến trường tây bắc năm nào với thương tật mất đi gần 40% sức laoa động, nay đã trở thành giám đốc một doanh nghiệp, một doanh nhân nổi tiếng tại quê nhà – Hải Dương.
Ông Nguyễn Đình Giang sinh năm 1957 tại làng Nghĩa, xã Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương trong một gia đình thuần nông nghèo khó. Là con thứ tư trong số tám người con, từ nhỏ cậu bé Giang đã cùng các anh chị em thức khuya dậy sớm làm công việc đồng áng giúp gia đình. Nhà nghèo, cuộc sống thiếu thốn nhưng Giang học rất giỏi, năm nào cũng được bầu làm lớp trưởng, thường được nhà trường tuyên dương khen thưởng. Kỷ niệm thời cắp sách đến trường của Giang gắn liền với cuộc chiến tranh bắn phá miền Bắc của đế quốc Mỹ, với tiếng máy bay gầm rú, với những cột khói đen đặc phủ kín Lục Đầu giang. Biết bao lần đang làm bài trên lớp, nghe thấy tiếng còi báo động thất thanh, cậu cùng bạn bè vội vàng chạy xuống hầm trú ẩn. Những lần tiễn các anh trai lên đường nhập ngũ, trong lòng Nguyễn Đình Giang không chỉ có tình cảm quyến luyến mà còn nhen nhóm mơ ước một ngày nào đó sẽ như các anh, khoác lên mình bộ quân phục xanh lá, đầu đội mũ có ngôi sao vàng, đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Năm 1977, Nguyễn Đình Giang nhập ngũ. Trước ngày lên đường, cha ông nắm chặt tay nhắc nhở: “Gian khổ, khó khăn phải chịu. Nếu đứa nào bỏ trốn, đi đâu thì đi, cấm vác mặt về làng”. Ông cười trấn an cha: “Con chịu gian khổ đã quen rồi, thầy yên tâm”.
Ông được biên chế vào đơn vị bộ binh, Đại đội 4 hoả lực thuộc Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B, sau này tham gia chiến dịch biên giới đổi thành sư đoàn 390, Quân đoàn 1 chủ lực. Những ngày đầu tuy nhiều bỡ ngỡ, vất vả nhưng rất vui, chẳng bao lâu ông đã quen với các nội quy, kỷ luật của đơn vị, kết bạn với nhiều đồng đội. Cuộc sống quân đội nhiều thiếu thốn, lại phải khổ luyện nhưng ông vẫn rất cố gắng rèn luyện, tu dưỡng. Nhiều người không chịu được gian khổ đã đào ngũ nhưng riêng ông lúc nào cũng vững tâm, vững chí, một phần bởi nhớ lời cha dặn trước lúc lên đường, phần nữa ý chí của một người đàn ông không cho phép ông làm như vậy. Nhờ chăm chỉ, thông minh, phấn đấu tốt nên Nguyễn Đình Giang được cử đi học lớp nghiệp vụ quản lý ở trung đoàn. Mùa xuân năm 1979, trong lúc đang phục vụ chiến đấu ở Biên giới phía Bắc, ông bị thương nặng, được đưa về điều trị ở tuyến sau. Do điều kiện sức khoẻ, ông xuất ngũ, mất đi gần 40% sức lao động do thương tật – thương binh 4/4.
Trở về, Nguyễn Đình Giang được chuyển sang ngành đường sắt, công tác tại Trạm tàu Yên Bái (thuộc Đoạn công tác tàu Hà Nội). Là người ham học hỏi, ông nhanh chóng thành thạo công việc, đồng thời theo học Trường Trung cấp Vận tải Đường sắt ở Vĩnh Yên. Cũng ở nơi núi rừng Tây Bắc heo hút ấy, ông đã gặp và yêu cô gái gắn bó với cuộc đời mình. Sau này nhớ lại, ông vẫn cười nhủ ngày ấy lên núi tưởng khổ mà đâu ngờ may mắn thế. Mười năm công tác trong ngành đường sắt, từ nhân viên phục vụ tới trưởng tàu, tới Đội dịch vụ tàu Bắc – Nam, dù ở vị trí nào, Nguyễn Đình Giang cũng cố gắng làm tốt công việc, luôn học hỏi và sáng tạo không ngừng. Năm 1994, ông xin nghỉ việc, trở về quê hương.
Ngày ấy, có công việc Nhà nước ổn định là một điều ai cũng ao ước do tư tưởng bao cấp đã ăn sâu vào mỗi người. Nhưng bản thân ông nhận thấy, nếu cứ mãi tiếp tục với công việc tuy an toàn nhưng thu nhập thấp thì vợ con khổ, chưa biết ngày nào gia đình mới khấm khá được, phải đi con đường khác. Do đó, ông quyết định về quê nhà Hải Dương, lập nghiệp với nghề làm bánh đậu xanh truyền thống mặc cho mọi người coi ông là “đồ gàn dở”. Ngày khởi nghiệp, ông Giang gặp vô vàn khó khăn, thử thách. Bánh đậu xanh là mặt hàng truyền thống của tỉnh Hải Dương, trước đó đã có nhiều hãng có thương hiệu, uy tín với người tiêu dùng. Bên cạnh đó nhiều hãng bánh kẹo khác trong nước và bánh kẹo nhập khẩu của nước ngoài đang tràn vào thị trường. Nhưng sức mạnh, ý chí chỉ tiến không lùi của người lính khiến ông quyết không chịu lùi bước. Đây chính là lúc lửa thử vàng, gian nan thử sức, thể hiện quyết tâm, nghị lực của người thương binh, tìm lối đi riêng cho mình.
TS Cao Sỹ kiêm – Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trao biểu tượng Vàng cho Ông Nguyễn Đình Giang – Giám đốc Công ty TNHH Gia Bảo, Hải Dương
Năm 1995, ông Nguyễn Đình Giang thành lập cơ sở sản xuất bánh đậu xanh Gia Bảo với những nhân công ban đầu là vợ và hai con trai. Hàng ngày, vợ ông làm bánh còn ông chạy xe đi giao hàng khắp nơi mà lời lãi chẳng được bao nhiêu, tiền thu về không đủ để trả lãi vay hàng tháng. Thậm chí, có người ghen tức còn hãm hại, gây hấn để ông phải rút lui. Khó khăn, có lúc nguy hiểm tới cả tính mạng nhưng ông không nao núng, ông tự nhủ mình làm ăn đàng hoàng, lương thiện, không làm hại đến ai thì không phải sợ hãi. Nhận thấy muốn bánh nhà mình cạnh tranh được với các thương hiệu lâu đời khác cần phải có sự khác biệt, ông Giang vừa đi tìm hiểu, học hỏi từ những người thợ lành nghề trong làng, vừa tự mày mò, nghiên cứu các phương pháp sản xuất mới. Dần dần ông đưa ra thị trường các sản phẩm độc đáo, có chất lượng cao, ghi được dấu ấn trong lòng người tiêu dùng như bánh có lòng đỏ trứng, bánh đậu xanh cốt dừa, thay mỡ lợn bằng dầu thực vật trong quá trình làm bánh,… Không chỉ cải tiến chất lượng mà ông còn làm mới mẫu mã, bao bì cho phù hợp thẩm mĩ, thị hiếu, thiết kế hộp bánh hình thỏi vàng do ông sáng tạo ra được khách hàng đón nhận nồng nhiệt và được Cục sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp Bằng độc quyền kiểu dáng sáng chế công nghiệp năm 2005.
Những thành công bước đầu khiến Nguyễn Đình Giang vững tin hơn, ông mạnh dạn vay thêm vốn, mở rộng quy mô sản xuất. Vốn có kinh nghiệm làm đại lý cho các hãng bánh đậu trong những năm làm trưởng tàu tuyến đường Bắc – Nam nên ông hiểu tâm lý khách hàng và các cách tiếp thị sản phẩm. Ông tìm cách chiếm lĩnh thị trường bằng phương pháp marketing trực tiếp thông qua đội ngũ bán hàng. Các nhân viên của ông được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, đi sâu sát vào nhiều đối tượng khách hàng để quảng cáo sản phẩm. Cùng với chất lượng, cách làm thông minh của ông khiến ngày càng nhiều người biết và sử dùng bánh đậu xanh Gia Bảo. Chẳng bao lâu sau ông đã trả hết nợ, thương hiệu bánh đậu xanh Gia Bảo có mặt trên khắp 64 tỉnh thành, thậm chí còn mở rộng thị trường sang Trung Quốc.
Sau hơn 20 năm phấn đấu, trải qua không biết bao nhiêu sóng gió, Công ty TNHH Gia Bảo của ông Nguyễn Đình Giang đã có chỗ đứng vững chắc trên thương trường. Từ một cơ sở sản xuất nhỏ có vốn 30 triệu đồng với 10 nhân công, giờ đây đã phát triển thành Công ty quy mô lớn, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 100 lao động với tổng vốn đầu tư lên đến 25 tỉ đồng. Hàng năm công ty đóng thuế cho nhà nước hơn 100 triệu đồng, năm sau cao hơn năm trước. Làm ăn phát đạt, ông Giang tích cực tham gia các hoạt động xã hội để thể hiện trách nhiệm công dân. Mỗi năm ông dành một khoản tiền để đóng góp vào các quỹ Vì người nghèo, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, người tàn tật, các hoạt động công ích,….trên địa bàn thành phố. Không chỉ làm thiện nguyện, ông còn hăng hái tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của bà con địa phương. Đội bóng đá Gia Bảo hay đội văn nghệ của công ty ông Giang người Hải Dương ai ai cũng biết tiếng.
Là một doanh nhân, nhưng ông Nguyễn Đình Giang đặc biệt đam mê nghiên cứu khoa học. Các sản phẩm ông tự nghiên cứu như bột đậu đen, bột đậu nành, trà thảo mộc, sinh tố gấc đều được cấp Bằng sáng chế. Cuộc đời ông tuy gặp nhiều thăng trầm, điều kiện học tập không được đầy đủ nhưng ông luôn nhắc nhở bản thân, các con và nhân viên công ty phải học tập, không ngừng học tập và sáng tạo. Vì chỉ có sáng tạo thì mới có thể tìm thấy con đường riêng của mình, khẳng định vị thế của mình.
Những bằng khen, giấy khen như Danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Bằng Lao động Sáng tạo, Danh hiệu Doanh nhân giỏi,… treo kín phòng làm việc của ông Nguyễn Đình Giang, nhưng bức hình được ông treo ở vị trí trang trọng nhất là tấm ảnh ông chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp Đại tướng tới thăm doanh nghiệp. Với ông, một người cựu chiến binh, một người con đất Việt, đó là niềm vinh dự, tự hào vô cùng lớn. Ông tâm sự, tất cả những điều ông làm đều xuất phát từ cái tâm, cái chí của bản thân, có được sự ghi nhận của các cấp lãnh đạo ông rất vui, nhưng điều ông quý nhất vẫn là cái nghĩa, cái tình của con người, một cái bắt tay của Đại tướng ấm áp hơn mọi thứ danh hiệu mà ông từng nhận được.
Đã ở tuổi ngoài lục tuần nhưng dáng người ông Nguyễn Đình Giang vẫn săn chắc, giọng nói sôi nổi, gương mặt cương trực. Cuộc đời hẳn không nhiều ưu đãi, số phận hẳn không phải là may mắn, xuôi chèo mát mái với người đàn ông ấy nhưng tính cách tạo nên số phận, nghị lực và sự nỗ lực của ông đã tạo nên một cựu chiến binh – doanh nhân Nguyễn Đình Giang như ngày hôm nay.
Châu Phong