Nguy cơ bị bạo lực giới ngày càng cao đối với phụ nữ và trẻ em gái bị khuyết tật

(ĐHVO). Hiện nay, các vụ bạo lực với trẻ em, phụ nữ ở Việt Nam không có chiều hướng giảm. Đặc biệt, xã hội càng phẫn nộ hơn bởi những vụ bạo lực  đối với phụ nữ, trẻ em gái bị khuyết tật…

Bạo lực giới là một hiện tượng phổ biến và phức tạp, thể hiện dưới nhiều hình thức, từ bạo lực gia đình đến quấy rối tình dục. Người khuyết tật rất dễ bị bạo lực và họ thường cam chịu vì không đủ khả năng chống trả và không dám tố cáo thủ phạm. Phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật càng có nguy cơ trở thành nạn nhân của mọi hình thức bạo lực, gồm: Bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục.

Người khuyết tật cần được quan tâm nhiều hơn do họ vốn có sẵn sự mặc cảm, dễ bị kỳ thị nên khả năng hòa nhập xã hội thường thấp, khi bị xâm hại và bạo hành, người khuyết tật sẽ càng sống khép kín. Đặc biệt, nếu nạn nhân mắc chứng tự kỷ thì sang chấn nặng nề về tâm ký sẽ khiến tình trạng trầm trọng, khó hồi phục hơn. Đa phần các nạn nhân của các vụ bạo hành không dám lên tiếng, không phản kháng bởi họ phần lớn sống phụ thuộc vào người khác. Bên cạnh đó, thái độ của cộng đồng, sự thiếu hụt các dịch vụ hỗ trợ cần thiết,… đã tạo nên “sự im lặng” của rất nhiều nạn nhân. Và như vậy, nạn bạo lực giới đối với phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật vẫn cứ âm ỉ diễn ra,…

Ảnh minh họa

Có rất nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật có nguy cơ bị bạo lực giới cao hơn những phụ nữ, trẻ em bình thường khác, như sự phân biệt đối xử, sự thiếu hiểu biết của xã hội về tàn tật, thiếu sự hỗ trợ xã hội cho người chăm sóc, thiếu khả năng kinh tế và các chính sách chăm sóc trẻ em khuyết tật, chưa kể đến nhiều đứa trẻ khuyết tật bị làm dụng để đi ăn xin ở khắp các hang cùng ngõ hẹp,…

Theo kết quả khảo sát năm 2013 của Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH), 29% NKT ở Đà Nẵng tham gia nghiên cứu đã bị bạo lực bởi người lạ, 36% bị bạo lực bởi người quen và 25% bị bạo lực bởi các thành viên trong gia đình. Hiện nay, không có số liệu thống kê và nghiên cứu chính thức về mức độ bạo lực tình dục và bạo lực trong cộng đồng người khuyết tật và trong mỗi nhóm khuyết tật.

Bà Elisa Fernandez Trưởng Văn phòng Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam cho rằng, sự kỳ thị về giới và tình trạng khuyết tật khiến phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật có nguy cơ cao bị bạo lực. “Theo nghiên cứu, trên thế giới, trung bình phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực gia đình nhiều gấp hai lần phụ nữ khác và họ cũng chịu các hình thức bạo lực đặc biệt vì tình trạng khuyết tật của họ, bao gồm bị cô lập, bạo lực mang tính hệ thống và ngăn cản sử dụng thuốc, đi lại, các thiết bị trợ thính và hỗ trợ người khiếm thị. Đặc biệt, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật có nguy cơ bị cưỡng chế điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản mà không có sự đồng ý của họ… Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam đòi hỏi phải có cam kết mang tính hệ thống nhằm đảm bảo “không ai bị bỏ lại sau”, đặc biệt, cần xây dựng các chính sách toàn diện và nhạy cảm, xem xét nghiêm túc đầy đủ các nhu cầu của người khuyết tậttrong đó bao gồm phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật”, bà Elisa Fernandez nhấn mạnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã từng công bố kết quả một cuộc nghiên cứu về tình trạng trẻ em khuyết tật bị bạo hành trên thế giới (bao gồm trẻ bị dị tật bẩm sinh, tự kỷ, bị dị tật do tai nạn, xung đột, chiến tranh, do hành vi bạo hành của người lớn,…). Kết quả cho thấy, trẻ em khuyết tật có nguy cơ bị tấn công bạo lực cao gần gấp 4 lần so với trẻ em bình thường; người khuyết tật dễ trở thành nạn nhân của bạo hành hoặc xâm hại hơn cả.

Cũng theo nhiều chuyên gia cho rằng: Việc xử lý các vụ án xâm hại tình dục trẻ em nói chung hiện nay chưa thực sự nghiêm minh. Nhiều vụ việc không được bảo vệ thành công do nạn nhân sợ hãi hay bị kẻ xâm hại đe dọa nên không dám lên tiếng, có người lên tiếng nhưng sau đó lại rút đơn, có người sợ xấu hổ hoặc bị chê cười,… Bên cạnh đó, nhiều vụ được giải quyết theo hướng “tình cảm, cho qua”. Vấn đề này đòi hỏi các đơn vị chức năng, các tổ chức xã hội phải có giải pháp góp phần bảo vệ và đảm bảo hơn nữa quyền của trẻ em nói chung và người khuyết tật nói riêng.

Điều 23, công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em quy định các quốc gia thành viên phải đảm bảo cho trẻ em khuyết tật được hưởng một cuộc sống đầy đủ và tươm tất, được bảo vệ phẩm giá, thúc đẩy khả năng tự lực và tạo điều kiện cho các em tham gia vào cộng đồng.

Theo Điều 34 của công ước cũng nêu rõ các quốc gia thành viên cam kết bảo vệ trẻ em trước mọi hình thức bóc lột và lạm dụng tình dục. Việt Nam đã tham gia công ước về quyền trẻ em, do đó Việt Nam đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật bảo vệ trẻ em phù hợp với tinh thần của công ước quốc tế trước các hình thức bóc lột, bạo hành, xâm hại. Theo Điều 14, Luật người khuyết tật quy định những hành vi bị nghiêm cấm:

“Cấm kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật; Xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật; Lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội; Lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật”.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều cần được cập nhật, điều chỉnh để phù hợp hơn với đối tượng trẻ em nói chung và trẻ khuyết tật nói riêng, cần tăng cường tính chặt chẽ, nhất quán và điều phối xuyên suốt giữa luật pháp, chính sách và các can thiệp thông qua việc gao cho một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề bạo lực giới và bất bình đẳng giới ở người khuyết tật.

Đồng thời các đơn vị chức năng, các tổ chức xã hội cũng cần tham gia hỗ trợ pháp lý, các tổ chức xã hội, cơ quan Nhà nước, cộng đồng xã hội cần chung tay, phối hợp, đoàn kết để tạo nên sức mạnh tổng thể để bảo vệ an toàn cho phụ nữ, trẻ em, nhất là người khuyết tật.

Ngoài ra, các tổ chức xã hội, đơn vị truyền thông cũng cần tập trung phổ biến pháp luật, nâng cao hiểu biết cho người dân về quyền của trẻ khuyết tật, hoạt động phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp của cộng đồng; giáo dục cho trẻ khuyết tật nhận thức được việc bị xâm hại, bạo hành để lên tiếng,…

Phạm Vân (T/h)

Bài viết liên quan

NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐỆ ĐƠN XIN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Đoàn luật sư thành phố Hà Nội hưởng ứng tham gia ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” thành phố Hà Nội năm 2024

Picture1

Thái Nguyên: Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4

Picture1

Trường THPT Bắc Kiến Xương lọt top những ngôi trường hàng đầu Thái Bình

5-1712332006101296289476

Đóng học phí một lần: Thực hiện sao cho đúng luật?

z5314683295603_d42ec9ed4bb4a30f54fd34b04322fdfa

Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam: Nâng cao năng lực trong lĩnh vực quản lý vốn vay quay vòng dành cho hội viên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang