(ĐHVO). Dịch bệnh Covid-19 với biến chủng mới đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, nặng nề đối với nền kinh tế. Đặc biệt, đối tượng bị ảnh hưởng nhất là doanh nghiệp, người lao động, cá nhân phải tạm dừng hoạt động theo các biện pháp phòng, chống dịch của cơ quan nhà nước. Trước tình hình đó, nhà nước đã có quyết định áp dụng gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, cá nhân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo đó, những đối tượng yếu thế: người khuyết tật, người nghèo, người được hưởng trợ cấp xã hội có là đối tượng được hưởng trợ cấp theo gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng hay không?
Trung tâm trợ giúp pháp lý – Tạp chí điện tử Đồng Hành Việt đã nhận được câu hỏi từ bạn đọc như sau: “Em là người khuyết tật, làm hàng gia công tại nhà, nay do tình hình dịch bệnh Covid -19 có diễn biến phức tạp nên công ty cho nghỉ, không có việc làm thì em có được nhận hỗ trợ theo gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng hay không?”.
Trả lời thắc mắc của bạn, Luật gia Nguyễn Thị Hồng Liên – Trung tâm trợ giúp pháp lý – Tạp chí điện tử Đồng Hành Việt trả lời:
1. Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng là gì?
Trước tình hình dịch bệnh, ngày 1/2/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 (Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng).
Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 68/NQ-CP, ngày 7/7 Thủ tưởng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã kịp thời thành lập ban chỉ đạo để thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng, minh bạch, hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp.
Ảnh minh họa: Internet
2. Người khuyết tật, lao động tự do có được nhận hỗ trợ hay không?
Theo Nghị quyết 68/NQ-CP, những đối tượng được hưởng hỗ trợ và mức hỗ trợ cụ thể như sau:
– Thứ nhất, người bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương. Ví dụ: người lao động làm việc tại các hợp tác xã, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước thì được hỗ trợ với mức từ 1,855 triệu đồng đến 3,71 triệu đồng/người, tùy từng trường hợp được quy định cụ thể.
– Thứ hai, lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc để cách ly y tế hoặc trong khu vực bị phong tỏa thì được hỗ trợ 1 triệu đồng/người.
– Thứ ba, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được hỗ trợ 3.71 triệu đồng/người. Riêng đối với lao động đang mang thai hoặc nuôi con dưới 6 tháng tuổi thì được nhận thêm 1 triệu đồng/người.
– Thứ tư, với những ca F0, F1, là trẻ em dưới 16 tuổi thì được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày/người trong thời gian điều trị, cách ly. Riêng với trẻ em dưới 16 tuổi điều trị hoặc cách ly thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ.
– Thứ năm, nghệ sỹ, hướng dẫn viên du lịch được hỗ trợ 1 lần là 3,71tr/người trong dịch Covid-19.
– Thứ sáu, lao động tự do, không ký kết hợp đồng lao động và một số đối tượng khác được hỗ trợ với mức trợ cấp không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động thùy thuộc vào điều kiện cụ thể, khả năng ngân sách của địa phương.
Như vậy, đối với trường hợp của bạn đọc, do là người khuyết tật và công việc của bạn là nhận đồ về gia công, không ký hợp đồng lao động với người sử dụng lao động. Do đó, tùy vào điều kiện cụ thể của cá nhân, khả năng ngân sách của địa phương mà bạn có thể được hỗ trợ trong trường hợp là lao động tự do với mức hỗ trợ không dưới 1,5 triệu đồng/ngày/lần hoặc 50.000 đồng/người tùy thuộc vào chính sách của địa phương nơi bạn đang sinh sống.
Hồng Liên