(ĐHVO). Chiều 29/07, trong khuôn khổ chương trình giao ban báo chí tháng 07 do Ban tuyên giáo tỉnh ủy phối hợp Sở thông tin truyền thông tổ chức, đồng chí Hoàng Đức Trọng giám đốc Sở lao động Thương binh và xã hội đã thông tin về “Kết quả thực hiện chế độ chính sách và hoạt động đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn tỉnh thời gian qua”.
Đồng chí Hoàng Đức Trọng giám đốc Sở lao động Thương binh và xã hội tỉnh thông tin tại hội nghị
Theo thống kê, tỉnh Nam Định có trên 36 nghìn liệt sỹ; 2.896 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; trên 25 nghìn thương binh, 16 nghìn bệnh binh; trên 800 hoạt động cách mạng trước cách mạng tháng Tám năm 1945; gần 1.600 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; trên 10 nghìn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; trên 200 nghìn người có thành tích tham gia kháng chiến đã được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến, Bằng khen các loại…
Hiện nay, số người có công và thân nhân của người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh đang hưởng trợ cấp hàng tháng trên 45.600 người, với số kinh phí trợ cấp hàng tháng trên 85 tỷ đồng
Tính riêng trong 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã giải quyết chế độ chính sách đối với người có công, thân nhân người có công và các chế độ chính sách liên quan đến lĩnh vực người có công là gần 49 nghìn lượt người. Trong đó, cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với 109 trường hợp do bị thất lạc, hư hỏng; Cấp, xét truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đối với 03 trường hợp; tổ chức cho gần 900 người có công, thân nhân liệt sỹ được điều dưỡng tập trung tại các cơ sở điều dưỡng trong và ngoài tỉnh; giải quyết chế độ điều dưỡng tại nhà đối với người có công, thân nhân liệt sỹ là gần 20 nghìn trường hợp; giải quyết chế độ thờ cúng liệt sỹ là 23 nghìn trường hợp; giải quyết chế độ mai táng 1.5 trăm trường hợp …
Kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh & Liệt sỹ năm nay, tỉnh đã tổ chức cấp phát quà tặng của Chủ tịch nước cho 59.479 người có công và thân nhân liệt sỹ, với tổng số tiền hơn 18 tỉ đồng, trong đó trao tặng cho 961 người với số tiền 600 nghìn đồng/suất quà tặng tổng giá trị trêm 570 triệu đồng. Và 58.528 người với mức 300.00 đồng/suất quà tặng cho 58.528 người với số tiền: hơn 17 tỉ đồng.
Về cấp phát quà tặng của tỉnh cho 59.739 người có công và thân nhân liệt sỹ, với tổng số tiền hơn 23 tỉ đồng;
Vừa qua, tỉnh đã tổ chức 10 đoàn đại biểu đi thăm, tặng quà cho 40 gia đình chính sách người có công với cách mạng tiêu biểu tại 9 huyện và thành phố Nam Định, với tổng số tiền là 28 triệu đồng. Đồng thời, chuyển quà thăm hỏi tới các tập thể Trung tâm và cá nhân các thương binh, bệnh binh nặng của tỉnh Nam Định đang an dưỡng tại các Trung tâm nuôi dưỡng người có công ở tỉnh ngoài (gồm các Trung tâm: Nho Quan – Ninh Bình; Thuận Thành – Bắc Ninh; Lạng Giang – Bắc Giang, Kim Bảng, Duy Tiên, Trung tâm nuôi dưỡng thương binh nặng và điều dưỡng người có công – Hà Nam; Trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất – Bà Rịa Vũng Tàu), với tổng số tiền trên 25 triệu đồng, được thực hiện xong trước ngày 25/07.
Qua quá trình triển khai vận động ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh Nam Định đến nay đã có 33 cơ quan, đơn vị ủng hộ Quỹ với tổng số tiền trên 3,6 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam ủng hộ 2,5 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam ủng hộ 1 tỷ đồng.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, đại diện Sở lao động Thương binh và xã hội đã thông tin về việc xét duyệt nhanh cho một trường hợp, người có công đã từng hoạt động cách mạng tại chiến trường tây Bắc có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Nam Trực, được báo Đại Đoàn Kết online phản ánh ngày 13/06, với nội dung: “Nam Định: Cơ cực gia cảnh người từng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc”, phản ánh tình trạng khó khăn của bà Trần Thị Thêm, 65 tuổi, ở xóm 5, thôn Bái Dương, xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
Với nội dung, năm 1978, bà cùng một số thanh niên ở xã Nam Dương đã lên biên giới phía Bắc làm công nhân kiêm tự vệ của Nông trường quốc doanh Sa Pa, tại xã Tả Phìn, nay thuộc Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai).
Tháng 2/1979 bà đã trực tiếp tham gia phục vụ chiến đấu khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra; gắn bó, trải qua 11 năm 4 tháng làm việc tại đây, năm 1990 sức khỏe của bà rất yếu nên được Nông trường Sa Pa cho nghỉ việc thuộc diện không chế độ, về quê.
Do hoàn cảnh khó khăn, bà có làm đơn kiến nghị các cấp chính quyền ở địa phương xem xét giải quyết chế độ chính sách dành cho người đã từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, có 12 năm làm công nhân Nông trường quốc doanh Sa Pa; chế độ dành cho người cô đơn, tàn tật, mù lòa nhưng chưa được giải quyết.
Theo đại diện Sở lao động & Thương binh và xã hội, ngay sau khi nhận đươc thông tin báo chí nêu, các cơ quan ban, ngành liên quan của tỉnh đã vào cuộc kiểm tra đối chiếu nhanh và đã duyệt chi trả trợ cấp theo quy định cho bà đúng vào dịp kỉ niệm ngày 27/07 vừa qua.
Trần Hồng.