(ĐHVO). “Chúng tôi đầu tư vào đây, vì đây là mảnh đất tiềm năng, có nguồn nhân lực dồi dào, đặc biệt là sự thân thiện, nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh Nam Định” – Chủ tịch tập đoàn Tập đoàn JiaWei (Đài Loan), Hoàng Thanh Sâm, chia sẻ tại lễ ký kết.
Chiều 14/8, tại Nam Định, đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển dự án giữa Tập đoàn JiaWei (Đài Loan) và Công ty CP xây dựng hạ tầng Đại Phong – Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Mỹ Thuận (huyện Mỹ Lộc). Dự và chủ trì buổi lễ có các đồng chí: Bí Thư tỉnh ủy Phạm Gia Túc; Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị cùng ông Giản Chí Minh, Tổng hội trưởng Hội thương gia Đài Loan; ông Trần Duy Hải, Tổng Thư ký Ủy ban công tác Đài Loan.
Thông tin tại buổi lễ cho biết, Tập đoàn JiaWei (Đài Loan) chuyên sản xuất đồ gia dụng, có kinh nghiệm trên 30 năm trong ngành sản xuất đồ gia dụng công nghệ cao, sản phẩm chính là bộ dụng cụ đồ ăn và dụng cụ nhà bếp. Mỗi năm Tập đoàn JiaWei (Đài Loan), xuất khẩu khoảng 6.000 container sản phẩm sang thị trường Mỹ và châu Âu…
Theo thỏa thuận, Tập đoàn JiaWei và 2 doanh nghiệp phụ trợ thuê 85.764 m2, với diện tích xây dựng là 130 nghìn m2, tại KCN Mỹ Thuận trong thời gian 50 năm, để thực hiện dự án: nhà máy sản xuất đồ gia dụng công nghệ cao, nhà máy in phụ trợ, nhà máy sản xuất thùng giấy phụ trợ, tổng vốn đầu tư 100 triệu USD.
Nhà máy Jiawei tại Nam Định (Việt Nam), có quy mô sản xuất trên 14.000 nghìn tấn/năm, được thiết kế và sản xuất các sản phẩm từ nguồn vật liệu thân thiện với môi trường. Theo kế hoạch, tháng 9/2023 nhà máy triển khai xây dựng nhà xưởng và văn phòng, dự kiến cuối năm 2024, nhà máy có thể chính thức sản xuất, khi hoàn thành nhà máy sẽ tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động giai đoạn đầu.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Hoàng Thanh Sâm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn JiaWei cho biết, trước khi đầu tư vào Nam Định (Việt Nam), năm 2022, Tập đoàn đã đi khảo sát các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh… Khi đến Nam Định, Tập đoàn cảm nhận được sự nhiệt tình, quan tâm hỗ trợ của ban lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành chức năng luôn sẵn sàng hỗ trợ trong các thủ tục hồ sơ đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh Nam Đinh có vị trí địa lý giao thông, hạ tầng thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào và là mảnh đất tiềm năng nên Tập đoàn đã quyết định chọn Nam Định để đầu tư. Tập đoàn mong muốn thời gian tới, tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ phía tỉnh để thực hiện thuận lợi các thủ tục, quy trình liên quan trong quá trình đầu tư xây dựng nhà xưởng, cũng như khi nhà máy đi vào vận hành sản xuất, kinh doanh tại Nam Định.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh, Phạm Đình Nghị khẳng định, Nam Định luôn coi nhà đầu tư là công dân tỉnh nhà. Tỉnh Nam Định cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, đồng hành cùng nhà đầu tư trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý trong quá trình nhà đầu tư triển khai xây dựng, khai thác và vận hành. Chủ tịch UBND tỉnh, Phạm Đình Nghị cũng yêu cầu Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, các sở, ngành tập trung hỗ trợ tối đa cho Tập đoàn JiaWei và Công ty Cổ phần xây dựng hạ tầng Đại Phong, sớm hoàn thiện các thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường,… với phương châm “thành công của nhà đầu tư góp phần vào thành công chung của tỉnh”.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh, Phạm Đình Nghị trân trọng cảm ơn ông Giản Chí Minh, Tổng hội trưởng Hội thương gia Đài Loan; ông Trần Duy Hải, Tổng Thư ký Ủy ban công tác Đài Loan đã tích cực hỗ trợ, kết nối các nhà đầu tư Đài Loan đến tìm hiểu và đầu tư tại tỉnh Nam Định, đồng thời mong muốn, trong thời gian tới, tỉnh Nam Định tiếp tục được đón nhiều nhà đầu tư Đài Loan vào đầu tư trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị (bên trái), trao tặng ông Hoàng Thanh Sâm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn JiaWei bức tranh.
Việc phát triển xây dựng nhà máy sản xuất đồ gia dụng công nghệ cao giúp tạo thêm nhiều cơ hội việc làm phù hợp với thể trạng Người khuyết tật. Bên cạnh đó, việc họ tự làm ra sản phẩm giúp họ tăng thêm sự tự tin khi tham gia các hoạt động hòa nhập cộng đồng và phát huy khả năng đặc biệt của bản thân: khuyến khích sự sáng tạo; tạo nhận thức và đồng cảm; thúc đẩy phát triển kinh tế … Đối với doanh nghiệp, khi tiếp nhận Người khuyết tật vào làm có thể mang lại nhiều lợi ích như: được ưu đãi về các chế độ thuế phí; sự da dạng về nguồn nhân lực; sự đoàn kết, tinh thần đồng đội cao; quảng bá hình ảnh doanh nghiệp…Tóm lại, sự công sinh hài hòa giữa doanh nghiệp và người lao động là người khuyết tật sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế xã hội |
Trần Hồng