Nam Định: Người dị tật bẩm sinh chờ chính quyền xác nhận là người khuyết tật

(ĐHVO). Dù đã có giấy khám sức khỏe của huyện Vụ Bản với kết luận bị dị tật bẩm sinh, dị dạng lồng ngực, cong vẹo cột sống, dị dạng cung hàm trên, thiểu năng trí tuệ, sức khỏe yếu, không có khả năng lao động nhưng vẫn không được chính quyền xã Đại An (huyện Vụ Bản) quan tâm xác nhận khuyết tật.

Bà Nguyễn Thị Hoa (1968)“bên trái” và bà Nguyễn Thị Thành (1955)

Ngày 12/9, theo thông tin gửi tới Đồng Hành Việt Online, gia đình ông Nguyễn Đình Định (thôn An Duyên, xã Đại An, huyện Vụ Bản) phản ánh đã nhiều năm, nhiều lần, gia đình ông đi xin chính quyền xác nhận khuyết tật cho hai chị gái bị khuyết tật bẩm sinh nhưng chưa có kết quả.

Nói về bệnh tình, ông Định cho biết, gia đình hiện có hai người chị là Nguyễn Thị Hoa (1968) và Nguyễn Thị Thành (1955) có thể trạng khuyết tật, không may mắn như mọi người. Từ bé đến lớn, hai bà được bố mẹ nuôi. Khi bố mẹ về già, hai bà về ở với anh em trai, mỗi anh em nuôi một người chị. Bà Thành đã đi khám và điều trị tại bệnh viện tâm thần. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, neo người, bệnh tình lại yêu cầu phải nằm điều trị thời gian dài, nên gia đình xin đưa bà Thành về. Còn bà Hoa, theo kết luận giấy chứng nhận sức khoẻ của bệnh viện đa khoa huyện Vụ Bản (2014), bà bị dị dạng lồng ngực và hàm trên bẩm sinh, cong vẹo cột sống, thiểu năng trí tuệ, không có khả năng lao động.

Thông tin về quá trình đi làm thủ tục xác nhận khuyết tật cho bà Thành và bà Hoa, ông Định kể, nhiều năm trước, khi Đảng và Nhà nước có một số chính sách hỗ trợ dành cho người khuyết tật, gia đình rất mừng, đã lên hỏi thủ tục và làm đơn gửi đến chính quyền xã Đại An rất nhiều lần nhưng vẫn chưa có hồi âm.

Ông Định chia sẻ, vợ chồng ông không có công việc ổn định, nuôi 3 con ăn học, thêm một người chị gái không bình thường khiến cuộc sống cũng vất vả hơn. Bà Thành và bà Hoa ngày càng có tuổi, càng thêm nhiều bệnh trọng. Trước, bà Thành được tiêu chuẩn hộ nghèo, nay họ cắt hộ nghèo rồi chỉ còn được hộ cận nghèo, được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Còn bà Hoa, một người tàn tật (như ghi chú trên hộ khẩu) thì không được hưởng chế độ gì.

Dư luận quan tâm, với những đặc điểm kém may mắn, phải chăng bà Hoa và bà Thành chưa đủ tiêu chuẩn để được xác nhận là người khuyết tật hay còn nguyên nhân nào khác khiến gia đình phải mất nhiều năm, nhiều lần nộp đơn lên xã rồi lại bị trả hồ sơ về?

Giấy chứng nhận khám sức khỏe của bà Nguyễn Thị Hoa

Người khuyết tật là những người không may mắn trong xã hội, cuộc sống phải nương nhờ vào người khác. Những năm qua, cùng với sự ra đời của Luật người khuyết tật số 51/2010/QH12; Nghị định 28/2012 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Người khuyết tật; Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện, đặc biệt là Chỉ thị 39 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật…, nhiều chế độ chính sách thiết thực được thực thi, thể hiện rõ tính nhân văn của Đảng và Nhà nước đối với người khuyết tật, đồng thời tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về công tác thực thi chính sách pháp luật cho người khuyết tật, tạo cầu nối giữa người khuyết tật với Đảng, Nhà nước, bảo đảm kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, hướng tới một xã hội không rào cản đối với người khuyết tật.

Tuy nhiên, tình trạng người khuyết tật gặp khó khăn khi tiếp cận với các chế độ chính sách của Đảng, Nhà Nước vẫn tồn tại. Một số địa phương chưa thực sự chú trọng công tác thực thi chế độ chính sách pháp luật cho người khuyết tật. Phải chăng tình trạng thiếu kiểm tra, giám sát, chưa thực hiện công tác tuyên truyền đầy đủ về các chế độ chính sách pháp luật cho người khuyết tật, coi đây là hình thức từ thiện là nguyên nhân khiến nhiều người khuyết tật bị bỏ quên?

Để các chế độ chính sách pháp luật về Luật người khuyết tật được thực thi rộng khắp đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người khuyết tật hiểu về quyền và lợi ích chính đáng, về chế độ chính sách nhân văn Đảng, Nhà nước, người dân mong rằng, UBND tỉnh Nam Định sẽ có chỉ đạo cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng liên quan, kiểm tra, xác minh nội dung liên quan đến kết quả thực hiện các chế độ chính sách pháp luật đối với người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Nam Định nói chung, gia đình bà Nguyễn Thị Thành và bà Nguyễn Thị Hoa nói riêng. 

Trần Hồng

Bài viết liên quan

TDCC

Pháp luật sở hữu đối với các công trình chung cư và thực tiễn hiện nay

Đảm bảo quyền Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

hilap

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp – 10 năm xây dựng và phát triển 

Picture10

Cần chế tài mạnh duy trì ý thức khi tham gia giao thông và chấp hành pháp luật về giao thông

3

Toạ đàm: Giải pháp nâng cao hiệu quả văn hoá đọc sách pháp luật

nvn

Trẻ em khuyết tật đi học có được cấp học bạ không?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang