(ĐHVO). Bộ đội Biên phòng tỉnh kiên quyết điều chuyển, kỷ luật đồn trưởng, nếu có biểu hiện thiếu cương quyết trong công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn hành vi vi phạm tình hình an ninh trật tự, công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh.
Đại tá Cao Xuân Thủy, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, thông tin về công tác đảm bảo an ninh trật tự, công tác Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, tại buổi họp báo chiều qua 29/8, do Ban tuyên giáo tỉnh ủy phối hợp với Sở thông tin và truyền thông tổ chức
Tỉnh Nam Định có 1.776 tàu khai thác thủy sản, trong đó, có 521 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 là 36 chiếc, trong đó: 02 tàu đang hoạt động (NĐ 95368 TS, NĐ 95668 TS), 34 tàu bị chìm và bị các ngân hàng thu giữ, phát mại. Tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 là 02 tàu, UBND tỉnh đã phê duyệt đủ điều kiện hỗ trợ và mức hỗ trợ một lần sau đầu tư cho 02 chủ tàu, hiện 02 tàu này chưa hoạt động. Hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản ở khu vực ven biển đã và đang được địa phương ưu tiên, khuyến khích phát triển, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân phát triển kinh tế.
Thời gian qua, thực hiện “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định chống khai thác IUU, chuẩn bị tiến tới làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu lần thứ 4”. Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều đợt cao điểm chống khai thác IUU, ngăn chặn tàu cá, ngư dân Nam Định xâm phạm vùng biển nước ngoài, khai thác hải sản trái phép, phù hợp với đặc điểm, tình hình đơn vị và địa bàn khu vực biên giới biển tỉnh.
Bên cạnh việc gặp gỡ trực tiếp các chủ phương tiện để ký cam kết, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng chấp hành nghiêm quy định của pháp luật khi khai thác hải sản trên biển; tuyên truyền sâu rộng đến bà con nhân dân về tác hại, hậu quả của việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định chống khai thác IUU, những thiệt hại về tài sản, tính mạng khi bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, xử lý.
Ngoài ra, các đồn, hải đội Biên phòng thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chống khai thác IUU: những trường hợp tàu cá không đăng ký, đăng kiểm theo quy định; không có giấy phép khai thác thuỷ sản, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; không lắp, không bật và duy trì kết nối thiết bị GSHT; những trường hợp cố tình đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài; không chấp hành việc kiểm tra, kiểm soát khi tàu cập cảng, rời cảng theo quy định.
Qua quá trình tuyên truyền vận động cùng với nhiều giải pháp quyết liệt đã mang lại kết quả nhất định như: đã vận động 508/521 tàu đã lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định, 12 tàu chưa lắp đặt thiết bị VMS do tàu ngừng hoạt động năm bờ, tàu mới đăng ký và đang liên hệ để mua và lắp đặt thiết bị VMS; 508/521 tàu cá đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm tàu cá; rà soát, thống kê, quản lý chặt chẽ các phương tiện trên địa bàn, các phương tiện tàu cá hoạt động dài ngày trên biển, các phương tiện thường xuyên neo đậu, hoạt động ngoài tỉnh; lập danh sách quản lý các 127 tàu cá có nguy cơ cao vi phạm quy định khai thác bất hợp pháp.
Đại tá Cao Xuân Thủy nhìn nhận, việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo IUU (Illegal, Unreported, and Unregulated) sẽ gây ra một loạt tác hại nghiêm trọng đối với môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn sống của người dân và ngành công nghiệp hải sản, việc khai thác quá mức gây nên mất cân bằng môi trường, hủy hoại hệ sinh thái biển, làm cạn kiệt tài nguyên, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của những người phụ thuộc vào ngư nghiệp. Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức vi phạm khai thác IUU thường tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, có thể gây ra xung đột và mâu thuẫn trong ngành ngư nghiệp cũng như gây ra các vấn đề liên quan đến an ninh biển khi các tàu vi các quy định quốc tế và xâm phạm lãnh hải của các quốc gia.
Chính vì điều đó, việc người dân chung tay thực hiện kiểm soát và ngăn chặn hoạt động vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU (Illegal, Unreported, and Unregulated) sẽ mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho Việt Nam cụ thể như: giúp bảo vệ và duy trì tài nguyên biển sẽ còn lâu dài và có thể sử dụng bền vững trong tương lai, giúp đảm bảo cuộc sống cho ngư dân và ngành ngư nghiệp có thể phát triển bền vững, không làm cạn kiệt tài nguyên và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Đối với cộng đồng quốc tế, việc tuân thủ các quy định chống khai thác IUU, thể hiện cam kết của Việt Nam đối với bảo vệ tài nguyên biển và tuân thủ quy định quốc tế, tạo lòng tin và tạo thuận lợi trong việc hợp tác với các quốc gia khác trong việc quản lý và bảo vệ tài nguyên biển chung. Bên cạnh đó, việc tuân thủ các quy định chống khai thác IUU, giúp tránh các xung đột và tranh chấp quốc tế liên quan đến việc khai thác tài nguyên biển, giúp duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu sản phẩm hải sản của Việt Nam. Các quốc gia nhập khẩu thường đòi hỏi các nguồn gốc và quy trình sản xuất đảm bảo không liên quan đến hoạt động chống khai thác IUU.
Nhằm thực hiện hiệu quả “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định chống khai thác IUU, chuẩn bị tiến tới làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu lần thứ 4”, coi đây là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm, quan trọng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh kiên quyết điều chuyển, kỷ luật đồn trưởng nếu có biểu hiện thiếu cương quyết trong công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn hành vi vi phạm tình hình an ninh trật tự, công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh.
Trần Hồng