Nam Định: Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách

(ĐHVO). Đã giúp cho hơn 90 nghìn hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho hơn 70 nghìn lao động; 115 nghìn học sinh sinh viên được vay vốn đi học; gần 1 nghìn máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên; 520 nghìn công trình nước sạch, xây dựng trên 4 nghìn căn nhà cho người nghèo…

Ông Trần Duy Hưng, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Nam Định

Thông tin về “Kết quả giải ngân vốn tín dụng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh trên địa bàn” tại cuộc họp giao ban báo chí chiều 29/11, do Ban tuyên giáo phối hợp với Sở thông tin và Truyền thông tổ chức, ông Trần Duy Hưng, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Nam Định cho biết:

Tín dụng chính sách xã hội được thiết kế thành hệ thống chính sách đồng bộ, hỗ trợ đa chiều, giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của người nghèo, đối tượng chính sách khác; hạn chế, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc phòng; tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Với mục tiêu tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội và thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030, những năm qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, cùng nhiều giải pháp căn cơ nhằm phát huy hiệu quả vai trò tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế thị trường như: bố trí 100% Chủ tịch UBND cấp xã tham gia BĐD HĐQT NHCSXH cấp huyện; hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc; bổ sung, xác nhận đối tượng vay vốn; chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; quan tâm bố trí về địa điểm, thời gian, an ninh, an toàn đối với hoạt động giao dịch của NHCSXH tại Điểm giao dịch xã… Đặc biệt, hàng năm, cấp ủy đảng, Hội đồng nhân dân, UBND các cấp đã quan tâm bố trí nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống Chính trị, vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn, tập trung cho vay đến hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có vốn sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

21 năm hình thành và phát triển, bằng nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ cho 803 nghìn hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay 14.573 tỷ đồng. Riêng năm 2023, có trên 26 nghìn hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với số tiền 1.200 tỷ đồng. Đến 31/12/2023, tổng dư nợ tín dụng chính sách ước đạt 4.368 tỷ đồng, so với khi thành lập tăng 4.161 tỷ đồng (gấp 20,1 lần), so với 31/12/2022 tăng 485 tỷ đồng (+12,5%). Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm đạt 16,6%. Hiện nay, gần 100 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Trong đó:

+ 411 nghìn lượt khách hàng đã được vay vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm với doanh số cho vay là 8.711 tỷ đồng (chiếm 60% tổng doanh số cho vay). Đến 31/12/2023, dư nợ ước đạt 2.532 tỷ đồng, chiếm 58% tổng dư nợ;

+ 392 nghìn khách hàng được vay vốn để giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu trong đời sống như xây dựng, sửa chữa nhà ở, mua/thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng công trình cung cấp nước sạch, nhà vệ sinh quy mô hộ gia đình, trang trải chi phí học tập cho học sinh sinh viên…với doanh số cho vay là 5.862 tỷ đồng (chiếm 40% tổng doanh số cho vay). Đến 31/12/2023, dư nợ ước đạt 1.836 tỷ đồng, chiếm 42% tổng dư nợ.

Qua 21 năm thực hiện, vốn tín dụng chính sách đã mang lại hiệu quả nhất định như: đã giúp cho hơn 90 nghìn hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho hơn 70 nghìn lao động (trong đó hơn 2 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); hỗ trợ 115 nghìn học sinh sinh viên được vay vốn đi học, giúp mua gần 1 nghìn máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên trong thời gian dịch bệnh Covid-19; xây dựng hơn 520 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng trên 4 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ vốn xây dựng, cải tạo gần 500 căn nhà ở cho người có thu nhập thấp, 11 doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid 19 vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho 441 người lao động… góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn  2005-2010 từ 13,44% xuống 9,95%; giai đoạn 2011-2015 từ 8,3% xuống 3,77%, giai đoạn 2016-2020 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều từ 5,7% xuống 0,86% và đến cuối năm 2022 theo chuẩn nghèo mới là 1,32%.

Với mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng đặc thù có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đã góp phần duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng quản lý điều hành tín dụng chính sách xã hội. Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh giảm từ 1,45%/tổng dư nợ (khi nhận bàn giao) xuống còn 0,14%/tổng dư nợ, (trong đó, nợ quá hạn giảm từ 0,99% xuống 0,13%). Thực hiện tốt mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước.

Từ những kết quả đạt được của tín dụng chính sách là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của Việt Nam, khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả trong việc duy trì và phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng với tính ưu việt và những đặc thù riêng có của NHCSXH khác với các tổ chức tín dụng tại địa phương.

Trần Hồng

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top