Quang cảnh hội chợ Viềng Xuân Ất Tỵ 2025.
Lễ hội chợ Viềng là một phong tục văn hóa lâu đời của người dân Nam Định, thường chỉ họp một lần duy nhất trong năm, vào đêm mùng 7 rạng ngày mùng 8 tết. Chợ Viềng Phủ Dầy, xã Trung Thành, huyện Vũ Bản, tỉnh Nam Định từ lâu đã trở thành hoạt động văn hóa du lịch tâm linh của cộng đồng dân cư đồng bằng sông Hồng, mang đến những trải nghiệm ấn tượng tốt đẹp khởi đầu cho mùa lễ hội.
Chợ Viềng không chỉ là nơi để mua bán trao đổi hàng hóa mà còn là nơi để mọi người giao lưu, gặp gỡ và cầu may mắn cho một năm mới an lành, hạnh phúc. Hàng hóa bày bán tại chợ rất đa dạng, từ nông cụ, cây giống đến đồ thủ công mỹ nghệ, đồ cổ… Người mua và người bán đều có tâm lý “mua may bán rủi”, không mặc cả, kỳ kèo. Chợ Viềng còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc như hát chèo, múa lân, đấu vật…
Theo dòng người về với chợ Viềng, phóng viên ghi nhận khách về đông nhất vào đêm khuya ngày mùng 7. Họ đến không chỉ để cầu may, mà đây còn là dịp hẹn hò, giao lưu nhân dịp đầu xuân. Theo quan niệm của người dân nơi đây, chợ Viềng không chỉ là phiên chợ, mà còn là biểu tượng văn hóa, nơi gắn kết cộng đồng, truyền tải thông điệp về tình người và niềm tin vào một năm mới an khang, thịnh vượng.
Anh Vinh đến từ Tây Tựu, Từ Liêm (Hà Nội) cùng những người bạn về với phiên chợ cầu cho một năm mới sức khỏe, bình và thành công. Hầu như năm nào anh chị cũng về chợ Viềng. Khi thì cùng gia đình, khi thì cùng đồng nghiệp. Anh cho biết, tham gia lễ hội năm nay chị rất yên tâm bởi công tác an ninh trật tự được đảm bảo, giá cả các mặt hàng, dịch vụ phù hợp, cảnh quan môi trường giữ được nét truyền thống, và rất sạch sẽ.
Cùng cảm xúc với anh Vinh, chị Thảo đến từ Thanh Hóa cho biết, năm nào chị cũng về từ chiều mùng 7 Tết để vào quần thể Phủ Dầy, nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh chiêm bái, sau đó là đi chợ Viềng. Chị quan niệm, đến chợ phải đến đúng phiên, chính vì vậy, cứ khoảng hơn 12h đêm (giờ Tý) là chị có mặt tại đây để mua cây hay mua một món đồ. Chị tâm niệm rằng, sản phẩm mua được tại phiên chợ đã mang lại may mắn, công việc trong cả năm cho gia đình. Mọi năm đi muộn, di chuyển rất khó khăn do đường đông, năm nay chị và gia đình đi chợ Viềng sớm hơn, từ chiều mùng 7 chị đã có mặt tại đây.
Cầm trên tay cây sung vừa mua được, anh Nguyễn Đức Dương đến từ Tống Xá, Ý Yên vừa hồ hởi chia sẻ: “Góc vườn nhỏ trên sân thượng nhà tôi hầu hết là những cây được mua từ chợ Viềng. Từ nhiều năm nay, tôi và gia đình đi chợ Viềng vào nửa đêm để mua cây hay mua một số đồ gia dụng và được thưởng thức món phở bò tại chợ. Về công tác tổ chức, tôi thấy, du khách đến với lễ hội rất đông nhưng không có cảnh chen lấn xô đẩy, công tác phục vụ chu đáo, các mặt hàng bày bán phong phú, giá cả phù hợp…
Ông Đỗ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản.
Thông tin về công tác tổ chức cũng như công tác đảm bảo an ninh trật tự cho mùa lễ hội, ông Đỗ Văn Kỳ phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết, để đảm bảo các điều kiện phục vụ chợ Viềng, Ban Tổ chức đã triển khai các nhiệm vụ từ nhiều tháng trước đó. Trong đó tập trung: Quy hoạch các khu, tiểu khu cho các hoạt động văn hóa, dịch vụ kinh doanh, trông giữ phương tiện, khu vệ sinh công cộng; Tổ chức thu đúng, thu đủ các khoản thu ngân sách, lấy nguồn thu từ chợ Xuân để tổ chức chợ; Thanh tra, kiểm tra các hoạt động lễ hội.
Phân luồng giao thông và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, ngăn chặn các hoạt động cờ bạc, trộm cắp và các hành vi vi phạm pháp luật khác diễn ra trong lễ hội. Tăng cường các hoạt động văn hóa thông tin tạo điều kiện tốt nhất cho du khách đến tham quan và tham gia các hoạt động Chợ xuân. Xử lý thông tin phản ánh kịp thời, tạo các điều kiện tốt nhất khi du khách hành hương về với lễ hội…
Một số hình ảnh ghi nhận tại lễ hội:
Du khách tham quan và mua sắm những món đồ tại các gian hàng đồ đồng.
Những món đồ gia dụng thủ công truyền thống được du khách lựa chọn tại hội chợ với niềm hy vọng mang lại may mắn và mùa màng bội thu.
Du khách tranh thủ tận hưởng và ghi lại khoảng khắc xuân của lễ hội.
Du khách tham quan, chiêm bái tại Phủ Chính Tiên Hương, nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Trần Hồng