Muốn ăn xin phải có giấy phép “hành nghề”

(DHVO). Ngày 1/8, thị trấn Eskilstuna ban hành quy định yêu cầu người ăn xin phải có giấy phép. Đây là nơi đầu tiên ở Thụy Điển yêu cầu người muốn “hành nghề” ăn xin phải đóng tiền và xin giấy phép.

Mục đích của quy định mới này nhằm “quan liêu hóa” việc ăn xin, qua đó gây khó dễ cho người muốn sống bằng nghề xin tiền. Ngoài ra, nhà lập pháp cũng hy vọng quy định này sẽ giúp người vô gia cư tránh bị tổn thương khi tiếp xúc với nhà chức trách địa phương, đặc biệt với cơ quan bảo trợ xã hội.

Quy định:

– Người ăn xin trên đường phố phải xin giấy phép với mức lệ phí 250 krona Thụy Điển (khoảng 600.000 đồng), có hiệu lực trong ba tháng.

– Người xin cấp phép phải xuất trình giấy căn cước hợp lệ và điền vào đơn gửi trực tuyến hoặc nộp tại đồn cảnh sát. Ai không có giấy phép sẽ bị phạt tới 4.000 krona.

Một số nhà phê bình cho rằng việc hợp thức hóa hành vi ăn xin sẽ khiến những người này càng dễ bị tổn thương. Các băng đảng tội phạm có thể mua giấy phép và từ đó o bế những người ăn xin đang phụ thuộc vào chúng.

Hiện, 8 người đã gửi đơn xin cấp phép lên chính quyền thị trấn.

Người nghèo ăn xin là một mảng tối nhưng nó có trong mọi xã hội, mọi nước trên thế giới. Tuy nhiên, khác với Việt Nam bởi họ không có trẻ em ăn xin và hoàn toàn không quấy rầy hay dùng cách tỏ ra tội nghiệp để được cho tiền.

Ở Việt Nam, tình trạng ăn xin diễn ra phổ biến, mật độ nhiều đặc biệt tại các thành phố lớn. Những đối tượng thường là những người có hoàn cảnh, người khuyết tật, già yếu, trẻ em,… Đằng sau những mảnh đời này có những trường hợp bị những kẻ xấu chăn dắt và lấy tiền, cũng có những trường hợp giả ăn xin để lừa lọc người khác,… Đây thực sự là một điều rất tồi tệ.

Nhìn nhận từ thực tế xã hội, việc bắt người ăn xin đóng tiền và cấp giấy phép “hành nghề”, đóng phạt khi không thực hiện như quy định nước ngoài ở trên là không phù hợp nếu áp dụng ở Việt Nam. Bởi những người ăn xin là những người khó khăn bị đẩy vào đường cùng không nên tạo thêm cho họ gánh nặng. Thay vào đó là việc tạo công ăn việc làm, cho họ sự bảo hộ xã hội tốt, xử lý nghiêm những người “chăn dắt” người ăn xin; đẩy lùi các trường hợp giả ăn xin, lừa lọc sự đồng cảm đùm bọc của người với người.

Xem thêm tại: Cần xử lý nghiêm khắc các đối tượng “chăn dắt” người khuyết tật bán hàng rong để trục lợi

Phạm Vân (T/h)

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top