(ĐHVO). Ngày 3/12/2020, ngày Quốc tế Người khuyết tật, Hội Người khuyết tật Tp. Hà Nội nhận được tin vui đến từ nước Mỹ xa xôi : uỷ ban tuyển chọn giải thưởng quốc tế “Thành tựu Henry Viscardi 2020” quyết định trao tặng giải thưởng danh giá này cho bà Dương Thị Vân, phó Chủ tịch Liên hiệp hội về NKT Việt Nam, Chủ tịch Hội NKT Tp. Hà Nội.
Giải thưởng quốc tế “Thành tựu Henry Viscardi” được trao tặng lần đầu tiên vào năm 2013, ghi nhận những nhà lãnh đạo điển hình trong cộng đồng người khuyết tật và những đóng góp phi thường cho xã hội của họ, đồng thời ghi nhớ tinh thần và di sản của người sáng lập Trung tâm Viscardi, Tiến sĩ Henry Viscardi, Jr., một người khuyết tật vận động. Là một trong những nhà hoạt động hàng đầu vì người khuyết tật trên thế giới, Tiến sĩ Vis- cardi từng là cố vấn về người khuyết tật cho tám Tổng thống Hoa Kỳ, từ Tổng thống Franklin D. roosevelt đến Tổng thống Jimmy Carter. Kể từ khi thành lập, Giải thưởng “Thành tựu Henry Viscardi” đã thu hút được đề cử từ các thành phố trên khắp Hoa Kỳ và các quốc gia trên thế giới. Các đề cử bao gồm những cá nhân khuyết tật đa dạng từ các lĩnh vực học thuật, chăm sóc sức khỏe, chính phủ, phi lợi nhuận và doanh nghiệp.
Năm nay, Giải thưởng quốc tế “Thành tựu Henry Viscardi” được trao tặng cho 11 nhà hoạt động trong phong trào người khuyết tật đến từ nhiều nước trên thế giới. Việt Nam có hai đại diện được vinh danh là bà Dương Thị Vân và bà Nguyễn Thị Lan anh, Giám đốc Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng. Trong bài viết dưới đây, bản tin “Nắng Xuân” trân trọng giới thiệu với bạn đọc những đóng góp của bà Dương Thị Vân – Chủ tịch Hội NKT Tp. Hà Nội – cho phong trào người khuyết tật ở Việt Nam và khu vực.
Được biết đến với vai trò là Phó chủ tịch Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam (VFD) và Thành viên tổ tư vấn quốc gia của Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam (NCD), chủ tịch Hội Người khuyết tật Thành phố Hà Nội (DP Ha Noi), bà Dương Thị Vân đã cống hiến cả cuộc đời mình để xóa bỏ những khoảng cách giữa người khuyết tật và không khuyết tật tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Với mong muốn hỗ trợ tốt nhất cho người khuyết tật, trong những năm 1980, bà Dương Thị Vân và những người bạn cùng chí hướng đã định hướng xây dựng một Hội của những người khuyết tật từ tiền thân là Nhóm Vì tương lai tươi sáng, một trong những nhóm tự lực đầu tiên của người khuyết tật tại Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống chính sách tại thời điểm đó chưa sẵn sàng cho việc phát triển một tổ chức xã hội của người khuyết tật như vậy. Trong suốt 11 năm sau đó, bà Dương Thị Vân đã cùng với những thành viên chủ chốt của nhóm kiên trì tổ chức hoạt động hỗ trợ người khuyết tật trong Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi TP. Hà Nội, cùng bà Nghiêm Chưởng Châu, chủ tịch Hội, ông Nghiêm Xuân Tuệ, Giám đốc Văn phòng Điều phối các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam; ông Vũ Mạnh Hùng, Trưởng Ban điều hành Nhóm Vì tương lai tươi sáng và 19 câu lạc bộ/nhóm tự lực của người khuyết tật ở Hà Nội vào thời đó, vận động để Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ra quyết định thành lập vào năm 2006. Đến nay, Hội NKT TP. Hà nội đã được mở rộng với 48 thành viên là tổ chức và hơn 15.700 thành viên là hội viên cá nhân. Những kinh nghiệm quý báu về sự ra đời của DP Hanoi đã được tài liệu hóa và là một trong những cuốn cẩm nang hữu ích cho nhiều nhóm tự lực khác ở Việt Nam trên hành trình trở thành tổ chức của người khuyết tật có tư cách pháp nhân.
Trong suốt những năm ở cương vị lãnh đạo của DP Hà Nội, với tầm nhìn chiến lược, bà Dương Thị Vân đã kết nối với các cơ quan chính phủ, các đối tác quốc gia và quốc tế để thiết kế và triển khai các chương trình, dự án, hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật; thực hiện hàng nghìn chương trình nâng cao năng lực cho lãnh đạo và hội viên của các tổ chức thành viên trực thuộc DP Hà Nội; thúc đẩy đào tạo nghề và tạo việc làm cho hàng chục nghìn hội viên khuyết tật và khuyến khích họ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và thể thao để hòa nhập cộng đồng.
Là một lãnh đạo năng động và tận tâm trong việc thúc đẩy thực thi quyền của người khuyết tật ở cấp trung ương và địa phương, bà đã trực tiếp tham gia soạn thảo, đóng góp ý kiến để soạn thảo, sửa đổi, vận động ban hành nhiều văn bản chính sách liên quan đến người khuyết tật như Pháp lệnh về Người tàn tật (số 06/1998/PL-UBTVQH10 ngày 30/7/1998); Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam: QCXDVN 01: 2002; Luật Người khuyết tật (số 51 / 2010 / QH12); Bà cũng được đánh giá là một trong những người có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phổ biến công ước của LHQ về quyền của người khuyết tật (CRPD), cùng các tổ chức của/vì người khuyết tật thúc đẩy Việt Nam ký tham gia CRPD vào năm 2007 và phê chuẩn CRPD năm 2014..
Với tầm nhìn “Vì sự phát triển toàn diện, tiến bộ và nâng cao vị thế của người khuyết tật. Trong tương lai gần, người khuyết tật sẽ hòa nhập đầy đủ và bình đẳng vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”, bà Dương Thị Vân coi sứ mệnh của mình là thay đổi cuộc sống và vị thế của người khuyết tật và đã kiên trì theo đuổi khát vọng đó trong suốt hơn 30 năm qua,cống hiến công sức, sức lực, thời gian và tâm huyết để xây dựng và phát triển tổ chức của người khuyết tật.
Những đóng góp của Bà đã được Nhà nước và chính phủ ghi nhận là một “tấm gương âm thầm, lặng lẽ nhưng vĩ đại” và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng bằng khen vào ngày 27.11.2020.
Là một đại diện của Việt Nam, Bà đã tận tâm chia sẻ tiếng nói của người khuyết tật Việt Nam trên các diễn đàn và nỗ lực không ngừng nghỉ trong các phong trào khuyết tật của khu vực và trên thế giới.
Với năng lực dẫn dắt phong trào người khuyết tật tại địa phương đi đúng hướng và đóng góp tầm nhìn dài hạn cho việc xây dựng một xã hội hòa nhập, không rào cản và tôn trọng quyền của người khuyết tật đối với người khuyết tật tại Việt Nam, khu vực và thế giới, ngày 03.12.2020, bà Dương Thị Vân đã được trao tặng giải thưởng Henry Viscardi 2020 danh giá. Đây là một sự ghi nhận quốc tế về những góp to lớn của bà Dương Thị Vân cho cộng đồng người khuyết tật nói riêng và xã hội nói chung.
Bà Dương Thị Vân sẽ mãi làm tấm gương truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về nghị lực, sự hi sinh và những cống hiến để xây dựng một xã hội bình đẳng cho tất cả mọi người./.
Như Ý