Nghiên cứu về rào cản tiếp cận y tế và giáo dục đối với trẻ em gái và trẻ em khuyết tật là một trong số các hoạt động của dự án: “Thúc đẩy tiếp cận giáo dục và chăm sóc y tế đối với trẻ em gái và trẻ em khuyết tật” do Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam thực hiện, diễn ra từ tháng 8 năm 2020 tới tháng 12 năm 2021 tại 2 tỉnh Hòa Bình và Nghệ An với sự tài trợ của Tổ chức Oxfam và Bộ Tư pháp là chủ đầu tư,
Với phương pháp tiếp cận hệ thống, khung nghiên cứu tập trung tìm hiểu những khía cạnh rào cản từ các yếu tố kinh tế, văn hóa, nhận thức, thái độ về khuyết tật và vấn đề giới; điều kiện cơ sở vật chất, thể chất, cơ sở hạ tầng; kiến thức, kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ; hiểu biết về các chương trình chính sách liên quan tới khuyết tật, giới của trẻ em, gia đình, người chăm sóc và của cán bộ đối với việc chăm sóc y tế và giáo dục hướng nghiệp đối với trẻ em gái và trẻ em khuyết tật (TEKT).
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính để thu thập dữ liệu. Có 150 người tại 8 xã dự án thuộc 4 huyện (Anh Sơn, Hưng Nguyên thuộc tỉnh Nghệ An, Kim Bôi và Lương Sơn thuộc tỉnh Hòa Bình) tham gia trả lời phiếu hỏi, trong đó có 115 người là cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ và 35 cán bộ làm việc trong lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động-xã hội, tư pháp, các tổ chức đoàn thể. Nghiên cứu cũng thực hiện 16 cuộc phỏng vấn sâu và 66 người tham gia thảo luận nhóm trên cả 2 nhóm khách thể.
Dưới đây là tóm tắt một số phát hiện của nghiên cứu
Về thực trạng tiếp cận giáo dục, y tế của trẻ em gái và trẻ em khuyết tật
Qua khảo sát cho thấy, các gia đình có quan niệm bình đẳng giữa con trai và con gái, chỉ có một tỷ lệ nhỏ vẫn giữ tư tưởng truyền thống coi trọng con trai hơn con gái. Về cơ bản, các gia đình thể hiện khá rõ sự bình đẳng, quan tâm, yêu thương, chăm sóc giữa TEKT và trẻ em không khuyết tật, giữa trẻ khuyết tật trai hay trẻ khuyết tật gái. Tuy nhiên, qua khảo sát phát hiện thấy vẫn còn tồn tại khá nhiều các rào cản về cơ sở hạ tầng, về nguồn lực, kỹ năng chăm sóc TEKT, về nhận thức, định kiến và nắm rõ chính sách từ phía gia đình và cộng đồng đối với TEKT, khiến cho các gia đình có trẻ khuyết tật tiếp cận với y tế và giáo dục bị hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, trong môi trường học đường cũng như trong cuộc sống cộng đồng còn kỳ thị đối với TEKT.
Cơ sở y tế tại các xã còn thiếu thốn về trang thiết bị y tế, trình độ chuyên môn còn hạn chế. Vì vậy, để khám chữa bệnh cho trẻ khuyết tật phải thực hiện chuyển tuyến cao hơn. Gia đình đưa trẻ khuyết tật lên bệnh viện tỉnh hoặc bệnh viện Trung ương. Điều này khiến gia tăng gánh nặng cho gia đình trong việc chăm sóc sức khỏe cho TEKT.
Việc điều trị khuyết tật cho trẻ thường đòi hỏi thời gian dài, nhiều loại khuyết tật cần tới các loại thuốc đặc trị mà bảo hiểm y tế (BHYT) không bao phủ.. Các gia đình có TEKT lại thường trong diện hộ nghèo hoặc cận nghèo, còn thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc TEKT, nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc và chữa bệnh cho trẻ khuyết tật.
Một phát hiện rất quan trọng nữa trong nghiên cứu này là thái độ phủ nhận của một số cha mẹ với trạng thái khuyết tật của con, đặc biệt là khuyết tật về thần kinh và trí tuệ. Lo sợ mặc cảm với cộng đồng, xã hội biết về khuyết tật của con mình.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, các gia đình có TEKT vẫn còn ít hiểu biết về các chính sách hỗ trợ giáo dục và y tế dành cho TEKT. Một số gia đình, đặc biệt là các gia đình dân tộc thiểu số, thường không chú ý các vấn đề giấy tờ, dẫn tới trẻ bị thiếu giấy khai sinh hoặc các thông tin của trẻ không đồng nhất giữa các giấy tờ, dẫn tới việc khó làm chế độ cho trẻ. Điều này cho thấy, để đảm bảo việc thụ hưởng chính sách đối với trẻ khuyết tật, các chương trình truyền thông cần gia tăng hơn nữa nhằm đảm bảo các thông tin, nội dung chính sách tới được các đối tượng thụ hưởng.
Về vấn đề chính sách hỗ trợ trẻ em khuyết tật
Việc rà soát các chính sách về người khuyết tật và TEKT cho thấy, về mặt cơ chế và chính sách, chính phủ Việt Nam đã xây dựng một mạng lưới pháp lý và chính sách tương đối hoàn chỉnh để hỗ trợ TEKT được tiếp cận y tế và giáo dục như: Hệ thống chính sách có tính toàn diện, bao phủ ở nhiều cấp độ pháp lý khác nhau và có sự phối hợp giữa các hệ thống chính sách pháp luật khác nhau như gia đình, giáo dục và bình đẳng giới; bao quát nhiều dạng hỗ trợ khác nhau (học phí, học cụ, trường/lớp chuyên biệt,…) đảm bảo độ bao phủ; tính tới các hoàn cảnh đặc thù khác nhau, với các dạng và mức độ khuyết tật để đưa ra các hỗ trợ phù hợp; và thường xuyên cập nhật, điều chỉnh phù hợp theo thời gian.
Bên cạnh những mặt mạnh nổi bật như trên, việc rà soát các chính sách hiện hành cho thấy vẫn còn một số vấn đề tồn tại. Các chính sách hiện nay tập trung vào việc làm thế nào để đưa được TEKT đến trường thông qua việc gỡ bỏ các rào cản về mặt kinh tế, cơ sở vật chất và thể chế. Tuy nhiên, việc làm thế nào để giữ được TEKT duy trì học tập ở trường vẫn còn chưa được đầu tư và quan tâm đủ.
Nghiên cứu về mô hình giáo dục hòa nhập cho thấy, để TEKT đến trường cần tới sự đồng hành của nhiều bên liên quan với các tầng lớp khác nhau, không thể chỉ dựa vào gia đình và nhà trường. Vì vậy, chính sách hỗ trợ TEKT tiếp cận giáo dục cần cân nhắc xây dựng theo các tầng khác nhau để dễ thực hiện. Tầng gần nhất là gia đình, nhà trường và cộng đồng (hàng xóm, chính quyền địa phương); tiếp theo là tầng trung gian bao gồm các tổ chức xã hội và các tổ chức tình nguyện tại địa phương, các Sở, Ban ngành liên quan cấp huyện/quận; tầng thứ ba (tầng vĩ mô) bao gồm: các chính sách của tỉnh, trung ương và cơ chế pháp lý. Các chính sách cần gắn với việc giao các trách nhiệm cụ thể cũng như các quyền lợi/chế độ đãi ngộ phù hợp, nhằm thúc đẩy sự cam kết và tham gia của các thành viên trong việc giám sát và thực thi các chính sách hỗ trợ TEKT được đến trường và thực sự thụ hưởng các lợi ích của hệ thống giáo dục.
Các chính sách hỗ trợ tiếp cận y tế cho TEKT vẫn còn một số bất cập. Một bất cập nổi bật đối với TEKT là các chính sách BHYT chủ yếu hỗ trợ chăm sóc và điều trị các bệnh thông thường, trong khi một số dạng khuyết tật và đặc biệt là khuyết tật ở mức nặng lại cần tới các thuốc đặc trị mà BHYT không chi trả. Sự thiếu hụt trong hỗ trợ chính sách này khiến việc tiếp cận y tế của TEKT sẽ trở thành một gánh nặng tài chính rất lớn cho các gia đình, đặc biệt nếu gia đình TEKT lại là hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số (DTTS), hoặc cư trú tại các khu vực vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, các chính sách thúc đẩy y tế cộng đồng và y tế dự phòng chưa được chú trọng nhiều. Các chính sách đào tạo và các chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ y tế tuyến dưới cũng chưa thực sự thỏa đáng, dẫn tới sự hạn chế năng lực của nhóm này trong việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe y tế cho TEKT tại cộng đồng. Cũng phát hiện thấy chưa có các chính sách yêu cầu bắt buộc xây dựng trung tâm PHCN tại các cơ sở. Điều này dẫn tới hai vấn đề: (1) hạn chế cơ hội được tiếp cận dịch vụ y tế của TEKT vì nếu muốn được tiếp cận dịch vụ y tế phù hợp thì TEKT và gia đình cần lên các tuyến trên, mà nếu trẻ thuộc hộ nghèo, hộ DTTS hoặc cư trú tại các vùng sâu vùng xa thì sẽ rất khó khăn; (2) tăng thêm gánh nặng cho các bệnh viện tuyến trên.
Trên cơ sở các phát hiện khi rà soát hệ thống chính sách nêu trên và các kết quả từ nghiên cứu thực địa, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhấn mạnh vào việc: (1) thúc đẩy việc xây dựng, bồi dưỡng và củng cố hệ thống y tế cấp cơ sở; (2) đẩy mạnh truyền thông nâng cao năng lực CSSK cho TEKT của các gia đình; (3) thúc đẩy các sáng kiến huy động nguồn lực cộng đồng, đẩy mạnh quá trình và tạo cơ chế ưu đãi nhằm xã hội hóa các dịch vụ y tế, để khai thác nguồn lực cộng đồng cùng chung tay hỗ trợ TEKT tại cộng đồng. hệ thống văn bản pháp luật và thực thi các văn bản pháp luật để trẻ em gái và TEKT được tiếp cận y tế và giáo dục môt cách hiệu quả.
Đặng Văn Thanh
Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam