Lương y Trần Quang Dũng – Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh Hà Nam: “Những bước đi của người khuyết tật rất khó khăn nhưng cứ bước đi rồi sẽ đến…”

(ĐHVO). Nhiều người biết đến anh Trần Quang Dũng (xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, Hà Nam) không chỉ là một lương y giỏi, có tiếng trong vùng mà anh còn là Chủ tịch Hội người khuyết tật (NKT) của tỉnh Hà Nam, nhà hoạt động xã hội tích cực, người truyền cảm hứng cho những người kém may mắn. Anh luôn chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ: “Những bước đi của người khuyết tật rất khó khăn nhưng cứ bước đi rồi sẽ đến…”


Anh Trần Quang Dũng- Chủ tịch Hội NKT tỉnh Hà Nam

Những tháng ngày chiến đấu với bệnh tật…

Anh Trần Quang Dũng sinh năm 1982, là con cả trong một gia đình có ba anh em; bố mẹ đều là cán bộ làm việc tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Yên Nam (Duy Tiên, Hà Nam). Anh sinh ra vốn là một đứa trẻ bụ bẫm, khỏe mạnh nhưng lên 2 tuổi, trong một cơn sốt bại liệt khiến đôi bàn chân của anh trở lên teo nhỏ, không phát triển được. Gia đình anh vốn có nghề Đông y gia truyền, cũng đã chạy chữa hết Đông sang Tây y, đưa con đến hết các bệnh viện lớn nhỏ nhưng đều không tiến triển. Tuổi thơ anh là những tháng ngày chiến đấu với bệnh tật, là những cơn đau trên giường bệnh, quanh quẩn trong bốn bức tường. Nhưng điều thiệt thòi hơn cả, là khi bạn bè đồng trang lứa được cắp sách đến trường, anh chỉ nhìn qua khe cửa ứa nước mắt thèm thuồng…Thương con, bố mẹ anh lại dạy chữ, dạy số cho con ở nhà, rồi lớn hơn nữa, anh lại tiếp tục được gia sư kèm cặp tại nhà. Nhờ thông minh, chịu khó mà anh đã nắm hết được chương trình phổ thông, sách của em trai mang về học có bao nhiêu bài tập là anh làm được hết. Có lần anh tâm sự với em trai rằng: “Không biết bao giờ anh mới có thể ra ngoài xã hội, có thể tự đi trên đôi chân của mình…”

Tình yêu với nghề Đông y gia truyền…

Lúc anh hơn 10 tuổi, trong một dịp nghỉ hè, anh em Dũng được bố mẹ cho về quê với ông nội; ông vốn làm nghề Đông y gia truyền từ đời cụ cố để lại. Nhìn ông nội bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc cho người bệnh, anh Dũng chăm chú quan sát và để ý từng cách ông làm. Về nhà, hình ảnh ông nội bắt mạch và bốc từng thang thuốc và hình ảnh đôi mắt của người bệnh như khần cầu người thầy thuốc cứu giúp họ cứ ám ảnh trong tâm trí của anh…

Sau khi học xong kiến thức phổ thông, anh lại chịu khó đọc sách, tự mầy mò học lập trình, đồ họa…trên máy tính. Anh luôn đau đáu một suy nghĩ: phải làm gì để mình có thể hòa nhập với xã hội, không còn là gánh nặng cho gia đình và có được môt chỗ đứng vững chắc trong cuộc đời … Sau này, anh Dũng có nhiều dịp đi cùng với ông nội trong những chuyến thăm khám và bốc thuốc cho người bệnh. Nhìn những cử chỉ biết ơn bệnh nhân, anh hiểu rằng nghề Đông y của gia đình là nghề tạo đức, tạo phúc, có thể cứu giúp được cho nhiều người…

Càng tiếp xúc nhiều với người bệnh và phụ giúp ông nội bốc thuốc, đôi bàn tay và tâm tư của anh đã chọn nối nghiệp gia truyền từ lúc nào không hay. Cũng nhiều năm qua, cơ thể anh Dũng có thể khỏe mạnh và sức đề kháng tốt trong đôi chân bại liệt là cũng nhờ có những bài thuốc gia truyền của ông nội mình. Và hơn cả, lựa chọn cứu mình, cứu người, nối nghiệp Đông y gia truyền chính là khẳng định tay nghề và y đức của mình trong xã hội này. Cũng từ đây cuộc đời anh gắn với những vị thuốc quý Hạ Diệp Châu, Hoàng Kỳ…với những loài cỏ cây mà nhìn đâu cũng ra thuốc quý…

Bằng ý chí, nghị lực của bản thân và sự tận tâm chỉ bảo của ông nội, anh Dũng đã nhanh chóng học được hết các bài thuốc Đông y gia truyền và nghiên cứu thêm những bài thuốc trong sách cổ, anh cũng không ngừng trau dồi và học hỏi thêm từ những thầy thuốc giỏi. Có những người bệnh khiến anh cả đêm trăn trở vì Đông y không chỉ đơn giản là bắt mạch kê đơn mà phải ân cần, chia sẻ để nắm được tâm bệnh thì mới mau chữa dứt bệnh.

Mở phòng khám Đông y gia truyền


Lương y Trần Quang Dũng- tâm huyết với nghề.

Năm 2002, Trung ương Hội Đông y Việt Nam mở khóa đào tạo nghề ở thành phố Phủ Lý (Hà Nam), anh đăng ký tham gia học và là học viên khuyết tật duy nhất của lớp. Từ nhà đến lớp 15 cây số, dù nắng dù mưa nhưng không ngày nào anh vắng mặt. Sau khóa học, với kiến thức vừa học được, cộng với kinh nghiệm và bí quyết gia truyền từ ông nội, anh Dũng quyết định mở phòng khám Đông y. Những ngày đầu phòng khám vắng khách vì nhiều người còn nghi ngại khi thầy thuốc vừa trẻ lại vừa ngồi xe lăn. Thế nhưng, chính mong muốn khẳng định mình cùng với cái tâm nghề y của anh đã gây dựng được niềm tin của mọi người. Hiện nay, phòng khám Đông y của anh đã nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh.“ Trong tiệm thuốc Đông y của tôi có bảo vật của gia đình để lại, đó là chiếc dao cầu – một vật dụng không thể thiếu trong nghề truyền từ đời cụ cố của tôi. Mỗi khi nhìn nó, tôi lại nhớ đến lời dạy của ông: Con muốn làm được nghề con phải hiểu đạo đức của người làm thầy, phải làm cho đúng lương tâm của một người thầy. Và luôn nhắc nhở tôi câu di ngôn của cụ để lại cho con cháu: “ …Ở thiện tâm giời nỡ phụ đâu/ Ở sao chữ hiếu làm đầu/ Chữ nhân, chữ nghĩa trước sau vẹn toàn”. Và phần nào, tôi đã nhìn được ánh mắt tự hào của ông về cháu trai mình…” Lương y Trần Quang Dũng xúc động chia sẻ.

Có lẽ vì vậy, mà bệnh nhân đến với phòng khám của lương y Trần Quang Dũng không chỉ bởi kết quả trị bệnh, bằng tài năng mà còn bởi y đức, sự tận tâm, hết lòng với người bệnh. Lương y Dũng đã bắt được “tâm lý trị liệu” ấy, để giúp người bệnh hiểu được cơ chế bệnh sinh, hiểu được phương pháp chữa bệnh để trị được dứt bệnh lý. Trong phòng khám, anh còn trân trọng cất giữ những lá thư tay từ người bệnh gửi lời cảm ơn đến vị lương y mà họ biết ơn. Bản thân cũng là NKT, nên anh cũng giúp đỡ được rất nhiều NKT trên địa bàn tỉnh. Tiếng lành đồn xa về lương y Trần Quang Dũng đã được những người bệnh ở địa bàn tỉnh lân cận tìm đến khiến phòng khám của anh ngày càng đông và cường độ làm việc của anh ngày càng nhiều hơn…

Thành lập Hội người khuyết tật tỉnh.

Từ lâu, anh mong muốn kết nối những người đồng cảnh, những người thiệt thòi nhằm tạo ra tiếng nói chung, để hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Năm 2005, anh có ý tưởng thành lập Hội người khuyết tật của tỉnh, không quản ngại xa xôi, vất vả, anh lặn lội đi khắp địa bàn các huyện trong tỉnh để vận động những người khuyết tật tham gia vào Hội rồi đến tận cơ quan Nhà nước để tìm sự giúp đỡ. Đến năm 2006, Hội người khuyết tật đầu tiên của tỉnh Hà Nam được thành lập với đầy đủ tư cách pháp nhân và anh cũng được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội. Tính đến nay, Hội người khuyết tật của tỉnh đã lên tới hơn 1.300 hội viên, trong đó bao gồm các Hội NKT của huyện…

Trong những năm qua, anh đã kêu gọi được sự quan tâm của lãnh đạo, chính quyền địa phương và các nhà tài trợ. Anh cũng là thành viên tiêu biểu của Liên hiệp Hội người khuyết tật Việt Nam, là người thường xuyên tham gia hoạt động Hội thảo, tập huấn, tọa đàm và tham gia phổ biến chính sách pháp luật, công ước Liên hợp quốc về quyền của NKT, luật NKT Việt Nam… Với tư cách là Chủ tịch Hội NKT của tỉnh, anh Trần Quang Dũng đã kêu gọi được nguồn vốn từ dự án CODV2 Đan Mạch để tổ chức giúp đỡ đến các hội viên…Bên cạnh đó, năm vừa qua, Hội NKT tỉnh Hà Nam cũng ban hành quyết định ra mắt CLB phụ nữ khuyết tật của tỉnh nhằm quan tâm nhiều hơn và nâng cao vị thế của phụ nữ khuyết tật.

Gia đình hạnh phúc


Gia đình hạnh phúc của anh Trần Quang Dũng.

Lương y Dũng của ngày hôm nay có một gia đình hạnh phúc bên vợ và ba đứa con xinh xắn. Anh chia sẻ, đối với anh, gia đình là liều thuốc tinh thần tốt nhất, trong đó vợ anh là trợ thủ đắc lực nhất của anh, là người cùng anh đã đi qua những tháng ngày khó khăn, đã hy sinh và chăm lo cho anh và các con…Anh luôn cảm thấy biết ơn và trân trọng người bạn đời của mình.

Trải qua chặng đường 16 năm chung sống, khi được hỏi về lý do lựa chọn người bạn đời của mình, chị Lương Thị Mai Duyên – vợ của anh Trần Quang Dũng mỉm cười mãn nguyện chia sẻ: “Tôi là một người nhút nhát, còn anh Dũng thì luôn tự tin, tràn đầy năng lượng. Ở anh Dũng, tôi cảm nhận được ý chí và bản lĩnh rất lớn của anh, nên tôi rất có lòng tin ở con người này. Và bằng chứng là 16 năm qua, anh luôn là trụ cột, là chỗ dựa cho tôi và các con. Gia đình tôi khi rảnh lại tổ chức những buổi đi chơi, chụp ảnh đánh dấu những kỷ niệm, những chặng đường đã trải qua… Tôi rất hạnh phúc và tự hào về anh, về tổ ấm của mình…”./.

Trang Nhung.

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang