(ĐHVO). Nhằm thúc đẩy thực thi chính sách giáo dục đối với người khuyết tật, mới đây, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đã có buổi họp, trao đổi và chia sẻ thông tin với Ban Chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến mội số nội dung về giáo dục hòa nhập.
Tham dự buổi họp, về phía Ban Chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có TS. Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban Chỉ đạo; ông Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Phó Trưởng Ban Thường trực; đại diện lãnh đạo các cục, vụ như: hợp tác quốc tế, pháp chế, giáo dục thể chất, giáo dục thường xuyên, nhà giáo, tài chính, mầm non… là các thành viên Ban Chỉ đạo. Về phía Liên hiệp hội có ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội; ông Đỗ Huy Hùng, Phó Trưởng ban Truyền thông Liên hiệp hội; bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Sống độc lập Hà Nội; bà Nguyễn Bích Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Sống độc lập Hà Nội….
Toàn cảnh buổi họp
Chủ trì và phát biểu tại buổi họp, TS. Ngô Thị Minh cho biết rất vui mừng khi nhận được văn bản của Liên hiệp hội đề nghị có một buổi làm việc, trao đổi, chia sẻ một số nội dung liên quan đến giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật. Qua đó cũng biết thêm về Liên hiệp hội cũng như những mong muốn của Liên hiệp hội và những nội dung Bộ có thể đồng hành cùng Liên hiệp trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chia sẻ, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là rất lớn trong thực hiện các chính sách, kế hoạch đối với người khuyết tật đặc biệt là trẻ khuyết tật. Hiện Bộ cũng đang tổ chức quy hoạch các cơ sở chuyên biệt, các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cũng như đang thay đổi theo hướng tiếp cận mới dựa trên quyền thay vì tiếp cận dựa theo nhu cầu trước đây.
Trưởng ban Chỉ đạo cho biết thêm, Bộ và Ban đã và đang triển khai những nội dung kế hoạch, chương trình để đảm bảo thực hiện các chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật theo quy định và đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn như về cơ sở vật chất, tài chính cũng như vấn đề con người…
Trưởng ban Chỉ đạo cũng đề nghị các đại biểu tham dự buổi họp cởi mở, chân thành, thấy được những vấn đề cần phải làm trong thời gian tới và cần phải nhìn rộng hơn, hiểu rộng hơn về khuyết tật và những vấn đề của khuyết tật.
Bên cạnh đó, Trưởng ban Chỉ đạo cũng gợi mở một số nội dung để các đại biểu nhất là các cục, vụ là thành viên Ban Chỉ đạo tập trung báo cáo, trao đổi, chia sẻ thông tin như: Về đội ngũ trong giáo dục, sự gắn kết giữa các thành phần trong đội ngũ như giáo viên với nhân viên y tế; các chương trình giáo dục cho từng nhóm đối tượng bên cạnh chương trình chung; việc gắn kết với đề án phát triển toàn diện đức trí thể mĩ; cơ chế chính sách nhất là phối hợp với các tổ chức, các đầu mối của các cơ quan liên quan; vấn đề góp ý chính sách, kết nội, phối hợp và đề xuất làm việc với các bộ, ngành trong các vấn đề liên quan; công tác đánh giá cần thực chất đồng thời nghiên cứu, tính toán tránh việc lạm dụng chính sách; các nội dung liên quan đến mạng lưới phát triển giáo dục hòa nhập….
Bà Ngô Thị Minh , Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu tại buổi họp
Tiếp nối ý kiến của Trưởng ban Chỉ đạo, ông Tạ Ngọc Trí, Phó Trưởng ban Thường trực cũng chia sẻ thêm: Để thực hiện các quy định, chính sách đối với trẻ khuyết tật, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản quy phạm để tạo hành lang pháp lý trong thực hiện các quy định và chính sách giáo dục đối với người khuyết tật như: các thông tư quy định về miễn giảm học phí, môn học, độ tuổi, quy chuẩn chữ nổi Braille, ngôn ngữ lý hiệu… Đồng thời chia sẻ thêm về một số dự định, kế hoạch trong thời gian tới để thúc đẩy giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật như: những quy định về dạy học đối với trẻ khuyết tật; ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm phát triển giáo dục hòa nhập… Phó Trưởng ban Thường trực khẳng định, đây là sự nghiệp dài và mất thời gian nhưng khi đã hình thành được hệ thống thì rất hiệu quả. Đồng thời nhấn mạnh, càng tâm huyết thì cành thấy rõ trách nhiệm và phải làm sao đưa các chính sách đi vào thực tiễn.
Ông Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Phó Trưởng Ban Thường trực phát biểu
Thay mặt Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam tham dự và phát biểu, ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội đánh giá cao những kết quả mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đạt được trong thời gian qua nhất là những nội dung Bộ đã và đang triển khai để thúc đẩy cho người khuyết tật tiếp cận giáo dục thuận lợi và dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, ông Thanh cũng chia sẻ, qua các cuộc giám sát cùng Đoàn Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, UBQG về NKT, những nội dung về thực thi chính sách giáo dục đối với người khuyết tật tại các địa phương cũng được các thành viên đoàn giám sát đánh giá cao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những khoảng trống về chính sách, hạn chế trong việc thực thi như: thiếu giáo viên dạy trẻ khuyết tật, chế độ đối với giáo viên dạy người khuyết tật chưa được thực hiện đầy đủ; thiếu cơ sở vật chất đảm bảo tiếp cận trong trường, lớp; thiếu trang thiết bị hỗ trợ và nhân viên hỗ trợ giáo dục,… Trên cơ sở đó, đề nghị Bộ, Ban và các đơn vị liên quan quan tâm nhiều hơn đến giáo dục hòa nhập nhất là trong công tác thực thi chính sách.
Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội phát biểu
Ông Đặng Văn Thanh cũng giới thiệu với Ban Chỉ đạo về chức năng, nhiệm vụ, vai trò của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam và một số thông tin về cơ cấu, tổ chức, hoạt động hội cũng như các tổ chức hội thành viên của Liên hiệp hội để Ban Chỉ đạo được biết. Và mong muốn trong thời gian tới sẽ có nhiều hoạt động phối hợp và hợp tác với Bộ như chia sẻ của Trưởng ban Chỉ đạo Ngô Thị Minh trao đổi ngay đầu buổi họp.
Góp ý thêm về một số khó khăn trong thực hiện chính sách đối với người khuyết tật, bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Sống độc lập mong muốn sớm có quy định về tiêu chuẩn thiết kế phổ quát, tiếp cận trong trường học để đảm bảo sự đồng bộ cũng như là cơ sở để thực hiện. Cùng với đó là các hoạt động khảo sát, đánh giá việc thực thi chính sách; có quy định về tuyển dụng đối với giáo viên khuyết tật; quan tâm đến gia đình trẻ khuyết tật, câu lạc bộ cha mẹ trẻ khuyết tật để hỗ trợ trẻ sống độc lập từ nhỏ; cần có dịch vụ hỗ trợ trẻ khuyết tật trong hoàn cảnh neo đơn (có thể nghiên cứu kết hợp với nhân viên hỗ trợ giáo dục đã được cấp mã ngành)… Bởi theo bà Hà, một trong những khó khăn trong công tác thực thi chính sách một phần cũng là do người khuyết tật, gia đình người khuyết tật chưa được tiếp cận hay chưa hiểu về quyền của người khuyết tật.
Cũng tại buổi họp, nhiều vấn đề, nội dung về chương trình, đội ngũ, phát triển mạng lưới, cơ chế chính sách được các cục, vụ là thành viên của Ban Chỉ đạo báo cáo, chia sẻ nhất là những kết quả và khó khăn trong quá trình thực hiện trên cơ sở những gợi mở của Trưởng ban Chỉ đạo để tìm hướng giải pháp tháo gỡ. Có thể kể đến như: phần nhiều cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật ngoài công lập không thuộc sự quản lý của Bộ; vấn đề văn hóa, quan tâm đối với người khuyết tật trong giáo dục; sự hình thành cũng như liên kết, kết nối mạng lưới giữa các cơ quan, đơn vị, ban, ngành với nhau….
Trong đó, có những vấn đề, khó khăn không chỉ nằm ở riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo mà ở hệ thống liên ngành giữa các bộ liên quan cũng như có những vấn đề đòi hỏi cần được giải quyết ở cấp cao hơn Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, đó còn liên quan nhận thức của xã hội; sự thấm nhuần tư tưởng, lãnh đạo chỉ đạo cũng là những khó khăn cần phải giải quyết trong quá trình thực thi chính sách.
Tin tưởng rằng với những báo cáo kết quả đã đạt được, những vấn đề khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách, những vướng mắc đã được trao đổi và có hướng tháo gỡ, các giải pháp được đưa ra để thảo luận, nghiên cứu thì việc thực thi các chính sách liên quan đến giáo dục đối với người khuyết tật sẽ ngày càng hiệu quả. Cùng với đó, tại buổi làm việc đầu tiên với tinh thần cởi mở, cầu thị, chia sẻ giữa các bên, các đại biểu, trong thời gian tới, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam và Ban Chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn sẽ gắn kết hơn nữa cũng như có những nội dung hợp tác, phối hợp trong việc thực hiện các chính sách để giáo dục đối với người khuyết tật ngày một chất lượng và hiệu quả hơn…
PV