Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam: Hội thảo giới thiệu chương trình đào tạo tăng cường sự tham gia của người khuyết tật vào các cơ quan dân cử tại Đà Nẵng

(ĐHVO). Ngày 30/9/2022, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc với sự tài trợ của của tổ chức Irish Aid, tổ chức DFAT đã tổ chức Hội thảo giới thiệu Chương trình đào tạo tăng cường sự tham gia của người khuyết tật trong các dân cử và phỏng vấn sâu tìm kiếm các ứng viên tiềm năng khu vực miền trung cho hoạt động đào tạo trong thời gian tới.

Toàn cảnh hội thảo

Tham dự Chương trình có ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội Văn phòng Quốc hội; ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; ông Trương Công Nghiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Đà Nẵng; bà Đỗ Thanh Huyền, Quản lý chương trình nghiên cứu “Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam” (PAPI) của UNDP; ông Võ Văn Ngọ, Chủ tịch Hội Người mù thành phố Đà Nẵng; ông Trà Thanh Lành, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc da cam Việt Nam cùng đại diện Sở Tư pháp và Sở Lao động thành phố Đà Nẵng.

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cho biết: Quyền tham chính được hiểu là quyền được tham gia vào các hoạt động chính trị xã hội, đây cũng là một quyền rất cơ bản của con người. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng của việc thực hiện quyền này đó chính là được tham gia bầu cử và ứng cử vào các cơ quan dân cử mà ở Việt Nam là HĐND các cấp và Quốc hội.

Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực VFD phát biểu khai mạc

Trong những năm gần đây, nhóm nội dung liên quan đến quyền này đã được Việt Nam thúc đẩy thực hiện rất tốt với nhiều giải pháp hiệu quả nhất là đối với nhóm đối tượng yếu thế như người khuyết tật. Tuy nhiên, NKT chủ yếu mới chỉ tiếp cận được với một nửa vai trò của mình đó là đi bầu cử mà chưa quan tâm nhiều đến quyền được ứng cử. Về vấn đề này có rất nhiều nguyên nhân và một trong những lý do chính là xuất phát từ chính bản thân người khuyết tật như: Chưa thực sự hiểu rõ quyền ứng của của mình; còn mặc cảm, tư ti; thiếu chuyên môn nghiệp vụ đặc biệt là kỹ năng….

Và tại buổi định tại Đà Nẵng cũng là buổi định hướng đầu tiên ở ba miền của Tổ quốc, BTC cùng các chuyên gia đã lựa chọn được 32 ứng viên để tham gia vòng phỏng vấn trước khi lựa chọn các ứng viên cho hoạt động đào tạo tiếp theo sẽ là ở Cần Thơ và Hà Nội để chuẩn bị cho các hoạt động tiếp theo.

Có thể nói đây là một thách thức rất lớn đối với Ban Tổ chức nhất là mục tiêu đặt ra tương đối là kỳ vọng bởi đây là một trong những nội dung rất quan trọng trong việc chống lại bất bình đẳng và phân biệt đối xử để đảm bảo rằng không ai và nhóm nào bị bỏ lại phía sau – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Đặng Văn Thanh cũng mong muốn các cấp, ngành nhất là các cấp chính quyền cùng HĐND, MTTQ Thành phố Đà Nẵng và các địa phương sẽ tiếp tục quan tâm và có nhiều hơn chính sách thúc đẩy NKT tự mình tham gia thúc đẩy và thực hiện quyền cũng như nghĩa vụ của công dân, của chính bản thân NKT bên cạnh các hoạt động hỗ trợ cũng như thụ hưởng từ các chính sách…

Ông Thanh cũng hy vọng các ứng viên tiềm năng sẽ cố gắng hết sức, tự tin thể hiện bản thân trong buổi định hướng và phỏng vấn để vượt qua và bước tiếp đến nội dung đào tạo trong 3 năm tới. Bởi, không ai khác có thể hiểu và nêu các vấn đề về NKT tại các cơ quan dân cử tốt hơn chính NKT. Do đó, để các chính sách về NKT bảo vệ đầy đủ các quyền của NKT, đại diện của NKT cần có tiếng nói trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội Văn phòng Quốc hội phát biểu chúc mừng

Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội cho biết thêm: Ở Việt Nam các quyền cơ bản của công dân đươc bảo đảm, không có sự phân biệt với nhóm đối tượng yếu thế; có những chính sách trợ giúp đối tượng yếu thế. Việt Nam cũng tham gia và phê chuẩn đầy đủ các quy định quốc tế và không ai bị phân biệt đối xử. Có thể nói, Việt Nam có một hệ thống chính sách pháp luật tương đối toàn diện, những quy định đảm bảo các quyền của người khuyết tật và cơ hội thụ hưởng các quyền đó là của công dân. Việc thực hiện những chính sách, pháp luật về NKT đã đạt được những kết quả tích cực trong chăm sóc sức khỏe, tiếp cận, thể thao và du lịch…. Tuy nhiên, thực tế cho thấy giữa những quy định và những triển khai trên thực tế vẫn còn những khoảng cách do nguyên nhân khách quan và chủ quan như nguồn lực còn có những hạn chế hay NKT chưa nhận thức rõ, còn mặc cảm, tự ti….

Ông Ngọc đánh giá cao hoạt động của VFD với mong muốn tăng cường tiếng nói của NKT trong các cơ quan dân cử. Từ đó, NKT có thể trực tiếp hoặc thông qua đại diện do mình lựa chọn. Và tại Hội thảo này đã có những ứng viên mong muốn tham gia vào chuỗi đào tạo do VFD và UNDP sẽ tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Qua đó, tin tưởng rằng, các ứng viên sẽ thu nhận được những kiến thức, và giúp cho mọi người hiểu rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan dân cử cũng như đại biểu dân cử.

Và một điều rất quan trọng Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội muốn chia sẻ là không phải cứ tham gia Hội thảo sẽ là trở thành cơ quan dân cử mà những NKT sẽ có thêm kiến thức, kỹ năng, trước hết là tham gia vào đời sống chính trị xã hội một cách tốt nhất và là tiền đề cho các hoạt động sau này.

Bà Đỗ Thanh Huyền, Quản lý Chương trình nghiên cứu PAPI phát biểu đề dẫn

Phát biểu đề dẫn, Bà Đỗ Thanh Huyền, Quản lý chương trình nghiên cứu “Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam” (PAPI), UNDP Viet Nam chia sẻ: Buổi định hướng của chương trình đào tạo này nằm trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu PAPI, do Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) và Đại sứ quán Ai-len tại Việt Nam đồng tài trợ.

Bà Huyền cũng cho biết, hội thảo với chủ đề “Cơ hội, thách thức và giải pháp thúc đẩy quyền tham chính của NKT tại Việt Nam” được UNDP tổ chức vào tháng 4/2021, ngay trước thềm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cùng ý kiến trao đổi của các đại biểu tại Hội thảo đã là nguồn cảm hứng cho ý tưởng và niềm tin rằng chúng ta cần có đại biểu là NKT trong cơ quan dân cử để có thể nói lên tiếng nói của NKT một cách kịp thời và toàn diện nhất. Điều này cũng là nguyện vọng chính đáng của cộng đồng NKT, và hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp, Luật bầu cử của Việt Nam, các cam kết quốc tế liên quan, đặc biệt là Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và Công ước Quốc tế về quyền của Người khuyết tật (CRPD) mà Việt Nam đã phê chuẩn.

Theo Quản lý Chương trình nghiên cứu PAPI, trên thực tế, tỷ lệ NKT tham gia ứng cử vẫn còn rất khiêm tốn. Cũng theo đánh giá trên, có 03 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này: (1) NKT cảm thấy chưa tự tin vào khả năng của bản thân; (ii) NKT chưa biết cách tự ứng cử hoặc thuyết phục sự ủng hộ của cử tri; và (iii) chưa tin tưởng rằng cử tri sẽ bỏ phiếu cho NKT. Có lẽ, đó cũng là những rào cản mà rất nhiều các ứng viên tại đây đã và đang cảm nhận được.

Bên cạnh đó, như các ứng viên đã chia sẻ trong hồ sơ tham gia chương trình đào tạo này, cộng đồng NKT đã và đang gặp rất nhiều thách thức và trở lực để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân bình đẳng của mình. Một số trong nhiều trở ngại được nêu trong các hồ sơ đó là: NKT không thể đi lại thuận lợi vì rào cản trên các phương tiện công cộng; công tác đào tạo nghề cho NKT còn thiếu hiệu quả; rào cản xã hội khiến rất nhiều bạn trẻ có trình độ nhưng phải quay lại với những công việc gắn mắc “dành cho NKT”; v.v. Những thách thức NKT đang đối mặt là hết sức đa dạng, và nếu không có đại diện cộng đồng NKT tham gia các cơ quan dân cử, thì những trăn trở đó sẽ rất khó được giải quyết ở tầm thể chế, chính sách.

Đây cũng chính là điều khích lệ là các ứng viên đã bày tỏ khao khát được góp tiếng nói đại diện cho cộng đồng người khuyết tật vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật. Và cũng là nguyên tắc căn bản của Công ước Quốc tế về Quyền của người khuyết tật, rằng: “mọi vấn đề liên quan đến NKT đều cần tiếng nói của NKT”…

Trên cơ sở đó, đáp lại những thực tế và mong mỏi đó, chương trình đào tạo này được thiết kế để từng bước khẳng định vai trò đại diện dân của cộng đồng NKT. Sau 4 năm từ nay đến 2026, hy vọng rằng các ứng viên ưu tú sẽ trở thành người tiên phong đại diện cho tiếng nói của NKT tại các cơ quan dân cử các cấp, từ Quốc hội đến HĐND ba cấp tỉnh, huyện, xã; truyền cảm hứng cho thế hệ đi sau; phát huy tốt hơn nữa tiềm năng của cộng đồng NKT; góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững song không để ai bị bỏ lại phía sau của Việt Nam, dẫu rằng đây sẽ không phải là một hành trình dễ dàng – Bà Huyền chia sẻ thêm.

Tại Hội Thảo, 32 ứng viên được lựa chọn trên tổng số gần 50 hồ sơ đăng ký ứng viên từ Nghệ An đến Bình thuận và một số tỉnh Tây Nguyên đã được nghe các chuyên gia đến từ Văn phòng Quốc hội, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội định hướng và chia sẻ về trách nhiệm, vai trò, nhiệm vụ, nghĩa vụ của đại biểu dân cử; quy trình, tiêu chuẩn, khó khăn, thuận lợi trong ứng cử đại biểu dân cử; lộ trình đào tạo cũng như chia sẻ của một đại diện cơ quan dân cử của Uganda (quốc gia có số lượng NKT làm việc trong các cơ quan dân cử thuộc top 1 thế giới). Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng giải đáp, trao đổi các thắc mắc cùng các ứng viên về các vấn đề cụ thể như tiêu chuẩn về trình độ văn hóa, chuyên môn, sức khỏe, những vướng mắc và chia sẻ một số những thực trạng của người khuyết tật tại một số địa phương….

Trong hai ngày 01 và 02/10, Ban Tổ chức và các chuyên gia sẽ tiếp tục thực hiện phỏng vấn sâu để lựa chọn ra các ứng viên tiềm năng chuẩn bị cho hoạt động đào tạo sẽ bắt đầu diễn ra từ năm 2023.

Tin tưởng và hy vọng rằng, với Chương trình tăng cường sự tham gia của người khuyết tật vào các cơ quan dân cử do Liên hiệp hội và UNDP phối hợp thực hiện, trong thời gian tới đây, không chỉ những ứng viên tham gia Chương trình mà nhiều hơn nữa, NKT đảm bảo các tiêu chuẩn, yêu cầu của đại biểu dân cử sẽ tự tin, mạnh dạn tham gia ứng cử.

PV

Bài viết liên quan

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Hình ảnh tại chương trình

Nam Định: Trao học bổng cho học sinh vượt khó

bí thư tỉnh ủy

Nam Định: Công bố quyết định thành lập Đảng bộ thành phố và Đảng bộ các phường sau sáp nhập

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang