Sinh ra và lớn lên ở vùng đất ven đô, từ lâu vốn nổi tiếng với nghề trồng rau, tuổi thơ của anh gắn liền với những luống rau bên sông Hồng đỏ nặng phù sa. Lớn lên, anh xác định tiếp nối nghề truyền thống của gia đình. Ngày đó, người trồng rau không dùng nhiều phân bón vô cơ và các loại thuốc bảo vệ thực vật. Sau này, vì lợi nhuận, nên một số hộ trồng rau ở Vạn Hòa lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ và dùng phân vô cơ tràn lan, ảnh hưởng đến chất lượng rau. Từng có thời điểm người tiêu dùng bị ngộ độc, khiến rau Vạn Hòa mang tiếng là “bẩn”, người trồng rau lao đao. “Lợi bất cập hại”, không ít người phải bỏ nghề ra phố tìm kế mưu sinh…, còn gia đình anh Thượng phải chuyển sang chăn nuôi lợn. Cuối năm 2016, được cán bộ xã tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật làm nhà lưới trồng rau an toàn, cộng với kinh nghiệm đã có, anh Thượng quy hoạch lại đất, làm nhà lưới trồng rau. Hiện, diện tích trồng rau của gia đình anh được bố trí thành 2 khu nhà lưới rộng 1.000 m2 chuyên trồng các loại rau cải, cà chua… chỉ tính riêng dịp Tết Đinh Dậu 2017, gia đình anh thu về 60 triệu đồng.Theo anh Thượng, mô hình trồng rau trong nhà lưới giúp năng suất, chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, để áp dụng thành công mô hình này đòi hỏi các hộ phải có điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, như mái phủ bằng lưới và có lưới quây kín vườn, hạn chế tối đa sâu bệnh hại; bố trí hệ thống bơm phù hợp để cấp nước cho rau… Hiện, đầu ra cho sản phẩm rau an toàn của gia đình anh luôn được đảm bảo. Anh Thượng cho biết, nếu làm tốt mô hình trồng rau trong nhà lưới có thể cho thu nhập 100 triệu đồng/sào/năm.
Theo LA VĂN TUẤT/ Báo Lào cai