Khuyết tật do tai nạn lao động có được hưởng trợ cấp xã hội không?

(ĐHVO). Cuộc sống của con người gắn bó mật thiết với hoạt động lao động, tuy nhiên trong quá trình lao động có thể xảy ra những rủi ro ngoài ý muốn. Tai nạn nao động là loại rủi ro đặc thù, khiến sức lao động bị mất đi hoặc giảm sút khiến người lao động chật vật trong việc duy trì cuộc sống.

Bạn đọc hỏi: Tôi bị tai nạn giao thông bị mất 1 chân đồng thời để lại di chứng khiến việc đi lại khó khăn, không thể làm việc nặng thì có được hưởng trợ cấp xã hội và hỗ trợ trả chi phí lắp chân, tay giả không?

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Trả lời:

Th.S Nguyễn Hồng Liên – Thành viên Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt đưa ra ý kiến giải đáp vấn đề trên như sau:

1. Người bị tai nạn lao động có được hưởng chế độ khuyết tật hay không?

Khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật năm 2010 định nghĩa: “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”.

Đồng thời Luật này cũng xác định các nguyên nhân dẫn đến khuyết tật bao gồm: khuyết tật do bẩm sinh; khuyết tật do tai nạn thương tích, bệnh tật; và khuyết tật do các nguy cơ khác. Tức là, một người bị tai nạn lao động dẫn đến các di chứng như khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc dẫn đến suy giảm chức năng biểu hiện dưới dạng tật cũng là đối tượng điều chỉnh của Luật Người khuyết tật năm 2010. Theo đó, người này có thể được hưởng các chính sách của Nhà nước đối với người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật năm 2010 và các văn bản có liên quan khác.

2. Thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng

Để được hưởng các chính sách của Nhà nước đối với người khuyết tật, trước hết, người khuyết tật phải được cấp Giấy xác nhận khuyết tật. Thủ tục đề nghị cấp Giấy xác nhận khuyết tật được thực hiện theo trình tự sau:

– Người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người khuyết tật cư trú;

– Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm triệu tập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, gửi thông báo về thời gian xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ;

– Hội đồng xác định mức độ khuyết tật tổ chức việc xác định mức độ khuyết tật, lập hồ sơ xác định mức độ khuyết tật và ra kết luận;

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết và thông báo công khai kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật và cấp Giấy xác nhận khuyết tật.

Sau đó, người khuyết có thể thực hiện các thủ tục hưởng trợ cấp đối với người khuyết tật tùy thuộc vào mức độ khuyết tật.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 44 Luật Người khuyết tật năm 2010 và Khoản 3, Điều 4 Nghị định 28/2012/NĐ-CP, Khoản 6 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP thì người khuyết tật được hưởng trợ cấp hàng tháng khi thuộc một trong các trường hợp sau:

–         Bị khuyết tật nặng; suy giảm từ 61% đến 80% khả năng lao động;

–         Bị khuyết tật đặc biệt nặng; suy giảm từ 81% khả năng lao động trở lên.

Vậy người khuyết tật thuộc một trong 2 trường hợp nêu trên cần nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp cho đối tượng người khuyết tật gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú, hồ sơ gồm:

–         Tờ khai thông tin của người khuyết tật;

–         Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật;

–         Bản sao Sổ hộ khẩu;

–         Bản sao Giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân;

3. Vấn đề chi trả chi phí lắp chân, tay giả theo pháp luật hiện hành

Không thể phủ nhận lợi ích mà các vật tư y tế mang lại cho người khuyết tật vận động và cải thiện đời sống của họ. Tuy nhiên, chân giả, tay giả không được BHYT hỗ trợ chi trả. Căn cứ vào Điều 21 và Khoản 8 Điều 23 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014:

Điều 21. Phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế

1. Người tham gia bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế chi trả các chi phí sau đây:

a) Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con;

b) Vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên đối với đối tượng quy định tại các điểm a, d, e, g, h và i khoản 3 Điều 12 của Luật này trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.”.

“Điều 23. Các trường hợp không được hưởng bảo hiểm y tế

… 8. Sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng…..”.

Như vậy, trường hợp của bạn khi gắn chân giả thuộc trường hợp không được hưởng BHYT theo quy định hiện hành.

Trên đây là giải đáp của Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt về thắc mắc của bạn. Bạn đọc có vướng mắc cần giải đáp, vui lòng gửi về Tòa soạn theo Email: toasoandhv@gmail.com hoặc liên hệ Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt để được giải đáp và hỗ trợ.

Phạm Vân

Bài viết liên quan

NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐỆ ĐƠN XIN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Đoàn luật sư thành phố Hà Nội hưởng ứng tham gia ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” thành phố Hà Nội năm 2024

Picture1

Thái Nguyên: Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4

Picture1

Trường THPT Bắc Kiến Xương lọt top những ngôi trường hàng đầu Thái Bình

5-1712332006101296289476

Đóng học phí một lần: Thực hiện sao cho đúng luật?

z5314683295603_d42ec9ed4bb4a30f54fd34b04322fdfa

Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam: Nâng cao năng lực trong lĩnh vực quản lý vốn vay quay vòng dành cho hội viên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang