Khoảng cách nông thôn và thành thị đang được rút ngắn

Chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn 1,41 lần, thấp hơn so với vùng Đông Nam Bộ (còn 1,57 lần) và cả nước (1,8 lần năm 2018).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong lần dự Diễn đàn phát triển hợp tác xã nông nghiệp, một tiêu chí quan trọng về mô hình sản xuất trong nông thôn mới tại Đồng Tháp – Ảnh: VGP

Đây là hội nghị tổng kết cấp vùng cuối cùng trước khi cả nước tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vào tháng 10/2019 tại Nam Định.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự còn có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong vùng và các chuyên gia kinh tế, nông nghiệp và môi trường,…

Vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội với các điều kiện và lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp.

Hai vùng này có 1.731 xã, dân số chiếm 37,2% và tổng diện tích đất tự nhiên chiếm 19,3% toàn quốc. Đến hết tháng 7 năm 2019, cả hai vùng đã có 874/1.731 xã (50,49%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương với tỷ lệ bình quân chung của cả nước 50,8%).

Vùng Đông Nam Bộ có 311/445 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 69,89%, tăng 35,8% so với cuối năm 2015), trong đó, 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, Đồng Nai là địa phương đầu tiên trong vùng và của cả nước đã công nhận 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Dự kiến trong năm nay, tỉnh Đồng Nai cũng công nhận một xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long có 563/1.286 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 43,78%, tăng 30,88% so với cuối năm 2015).

Hai vùng có 30 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vùng Đông Nam Bộ có 18 đơn vị và vùng đồng bằng sông Cửu Long có 12 đơn vị) chiếm 33,7% của cả nước (89 đơn vị). Trong đó, Đồng Nai là tỉnh có 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong những năm qua, các địa phương đã chú trọng đầu tư, nâng cấp hạ tầng nên phát triển kinh tế – xã hội ở các vùng nông thôn có chuyển biến rõ nét, nhất là trong tổ chức sản xuất và chất lượng đời sống, sinh hoạt cho người dân.

Đến nay, gần 100% số xã vùng Đông Nam Bộ có đường giao thông đến huyện, đường trục xã; 98% đường trục thôn được bê tông, nhựa hóa…; vùng đồng bằng sông Cửu Long 97% số xã có đường đến huyện, 96,5% đường trục xã được bê tông, nhựa hóa; trên 91% số xã có đường trực thôn được rải nhựa, bê tông, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hàng hóa quy mô lớn, đồng thời góp phần thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào khu vực nông thôn, kể cả ở các vùng sâu, vùng xa.

Những kết quả này đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 vùng Đông Nam Bộ khoảng 51,26 triệu đồng (tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010), vùng đồng bằng Sông Cửu Long là khoảng 36,7 triệu đồng (tăng 2,4 lần so với năm 2010 và tăng 1,1 lần so với năm 2016), cao hơn bình quân cả nước (35,88 triệu đồng).

Trong 10 năm qua, tốc độ gia tăng thu nhập của người dân nông thôn ở cả hai vùng đều nhanh hơn so với tốc độ gia tăng thu nhập của người dân đô thị, góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Trong đó, nổi bật nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long khi chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn chỉ còn 1,41 lần, thấp hơn so với vùng Đông Nam Bộ (còn 1,57 lần) và cả nước (cả nước còn 1,8 lần năm 2018, so với 2,1 lần năm 2008).

Tỷ lệ hộ nghèo của hai vùng đều thấp hơn so mới cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều khu vực nông thôn năm 2018 của vùng Đông Nam Bộ dự kiến còn khoảng 0,3% (giảm 0,5% so với năm 2016), trong đó, TPHCM và Đồng Nai áp dụng chuẩn nghèo riêng của địa phương với định mức và yêu cầu cao hơn nhiều so với tiêu chí chung của cả nước. Vùng đồng bằng sông Cửu Long còn khoảng 3,3% (giảm khoảng 3,4% so với năm 2016).

Bài học về sử dụng nguồn lực

Trong giai đoạn 2010-2019, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình của hai vùng đạt 932.498 tỷ đồng, cao nhất cả nước (khoảng 40%), trong đó, ngân sách đối ứng của địa phương là 81.481 tỷ đồng; vốn huy động từ người dân và cộng đồng 79.553 tỷ đồng.

Đồng Nai là một trong những địa phương sử dụng nguồn lực hiệu quả giúp nông thôn mới của tỉnh nay phát triển nhất nước. Từ năm 2016, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về huy động nguồn lực tài chính và nhân lực cho Chương trình.

Qua 10 năm triển khai, tỉnh Đồng Nai rút ra 3 bài học có tính cốt lõi trong huy động nguồn lực. Thứ nhất là chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là việc cụ thể hóa kịp thời các cơ chế, chính sách của Trung ương, phù hợp và sát thực tế của địa phương. Hai là, phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động, để mọi tầng lớp nhân dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa của Chương trình.  Ba là, bố trí sử dụng hiệu quả đối với các nguồn lực như nguồn ngân sách là nguồn vốn dẫn dắt, kích thích huy động đối với nguồn vốn các thành phần kinh tế khác; nguồn vốn tín dụng là nguồn vốn lớn để tập trung phát triển sản xuất; nguồn vốn doanh nghiệp là nguồn vốn quan trọng cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội; nguồn huy động đóng góp của người dân thực hiện với vai trò, người dân vừa là chủ thể, vừa là người thụ hưởng Chương trình.

Đối với nguồn nhân lực, Đồng Nai đặc biệt chú ý đến lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật, đến công tác cán bộ, nhất là phát huy vai trò người đứng đầu, đánh giá đúng mức đối với cán bộ làm tốt, cũng như kiên quyết, kịp thời, xử lý, bố trí, sắp xếp đối với những cán bộ không đủ khả năng đảm nhận nhiệm vụ. Huyện Xuân Lộc là huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, trong 4 năm từ năm 2011-2014, huyện đã sắp xếp, thay thế 08 bí thư, chủ tịch xã, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của huyện.

Theo Bộ NN&PTNT, Hội nghị tổng kết sẽ tập trung đề xuất định hướng và giải pháp xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020 trên cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn theo hướng sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao hướng tới nông nghiệp hữu cơ, kết hợp phát triển mạnh du lịch sinh thái gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc, công nghiệp chế biến chất lượng cao; quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn trước thiên tai; quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý; đa dạng sinh học và truyền thống văn hóa lịch sử được duy trì và tôn tạo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Theo Thành Chung/ Chinhphu.vn


Bài viết liên quan

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Picture2

Nam Định: Ngành công nghiệp công nghệ cao ghi nhận năng lực mớ

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang