Huyền thoại bóng đá một thời, cựu danh thủ Phúc “vổ”

(DHVO). Trong căn nhà nhỏ tại phố nhỏ Mai Hắc Đế – Hà Nội có một cầu thủ lớn. Ông là cựu tuyển thủ quốc gia Lê Văn Phúc, nghệ danh sân cỏ là Phúc “vổ”.

Huyền thoại bóng đá một thời, cựu danh thủ Phúc “vổ”

Nói về ông, những cầu thủ cùng thời đều nhớ tới biệt danh của ông “Máy chém số 1 Việt Nam”, nhưng cũng như huyền thoại Tòng “cháy” của đội bóng Công an Hà Nội, cả đời thi đấu, ông chưa bao giờ phạm lỗi với đội bạn đến mức phải nhận thẻ đỏ.

Năm 17 tuổi ông được Trường huấn luyện Kỹ thuật thể thao Trung ương phát hiện, tuyển chọn ông vào bộ môn điền kinh của trường. Hai năm ròng rã học điền kinh với bài tập nâng thể lực bằng cách gánh theo gánh đất chạy lên xuống đồi với chiều dài tổng cộng từ 10 đến 20 km. Tố chất thể thao trong ông khiến ở đội tuyển điền kinh, ông chạy không có đối thủ. Những tháng ngày tập luyện điền kinh trên Nhổn (Khu huấn luyện của Trường huấn luyện), ông hay giao lưu và đấu tập với đội bóng đá của trường. Khi ấy đất nước đang còn chiến tranh và đội bóng của trường lại chỉ tuyển những cầu thủ giỏi ở các đội bóng về, nên đội bóng của Trường huấn luyện cũng đồng thời là đội tuyển quốc gia khi có kế hoạch thi đấu giao hữu quốc tế. Ông được Ban huấn luyện đội bóng chú ý, đặc cách cho vào ngay đội 1, đá cùng với các đàn anh  như Lê Thế Thọ, Tô Đình Phàn, Hoàng Kính Dịp, Hoàng Ngọc Minh,  Lê Đình Chính, Lê Thụy Hải, Lê Mai Tú… Năm 1969 Trường huấn luyện giải thể, ông được phân về Hải Phòng, đá trung vệ cho Cảng Hải Phòng.

Năm 1970 Hải Phòng đón đội bóng Cuba sang thi đấu. Trận đấu đấy ông “khóa chặt” các cầu thủ tiền đạo đội bạn khiến sau trận đấu, Ban lãnh đạo Cuba xúm quanh để xem giò cẳng cầu thủ Việt Nam thế nào mà đấu tay đôi với các “lực sỹ da đen” của đội Cuba đều giành chiến thắng. Năm 1971, đội tuyển Việt Nam được cử sang thi đấu tại Cuba và ông Phúc “vổ” được tuyển chọn vào đội tuyển. Sau khi cùng đội tuyển đi Cuba về, ông cùng nhiều tuyển thủ quốc gia được đội Tổng cục Bưu điện đón nhận. Đây là đội bóng của công nhân ngành bưu điện được thành lập năm 1957, sau đội Tổng cục Đường sắt được thành lập trước đó một năm.

Những năm 70,80 thế kỷ trước, mỗi lần đội bóng đá Tổng cục Bưu điện đá, người hâm mộ thường hay chú ý tới ông Phúc “vổ”. Kỹ thuật hoàn hảo, có độ tinh quái trên sân, tư duy chiến thuật tốt và đặc biệt là những bước chạy nước rút ở cự ly trung bình khiến ông có ưu thế hơn các cầu thủ cùng vị trí. Dân điền kinh thứ thiệt nên mỗi lần ông tăng tốc đều làm đối thủ hụt hơi và người xem như bị mê hoặc mỗi lần thấy ông bứt tốc đuổi theo đối thủ. Khi đội tuyển thi đấu với nước ngoài, ông luôn chắc suất ở vị trí hành lang cánh phải của đội tuyển. Năm 1977 đội Tổng cục Bưu điện xuống hạng rồi bị giải thể, ông Phúc “vổ” về đá cho Tổng cục Đường sắt, rồi Đo lường Hà Nội. Ở đâu ông cũng được xếp đá chính vì tài năng thiên bẩm của mình.

Ông tâm sự :“Đá bóng là phải đá bằng cái đầu. Một cầu thủ giỏi, một trung vệ hay, phải biết đọc trận đấu, phải nắm được điểm yếu, điểm mạnh của đối phương, thậm chí là những vệ tinh xung quanh. Tôi có cái chân của điền kinh, có cái đầu của một cầu thủ biết đá bóng, có sự lanh lợi, tinh quái để đối phó với mọi đối thủ, nên chưa có ai vượt qua được mình. Đó là điều mà tôi tự hào nhất”.

Ông Phúc “vổ” (người ngồi giữa) vẫn say mê bóng đá như ngày nào  (Ảnh: NV cung cấp)

Ông Phúc “vổ” (người ngồi giữa) vẫn say mê bóng đá như ngày nào

(Ảnh: NV cung cấp)

Nghỉ chuyên nghiệp, ông chơi trong đội bóng Lão tướng Đống Đa. Đây cũng là Câu lạc bộ Lão tướng được thành lập đầu tiên tại Việt Nam. Đội do ông Nguyễn Văn Huy (Huy Lô) và ông Đỗ Văn Lực ( Lực vổ) phụ trách. Đời cầu thủ ông không gặp chấn thương vì tốc độ luôn giúp ông tránh được những pha vào bóng quyết liệt của đội bạn, nhưng một tai nạn giao thông nghiêm trọng năm 2000 đã khiến cuộc sống sau này của ông phải dính chặt với chiếc xe lăn, nửa thân dưới bị liệt hoàn toàn. Những tưởng ông an phận với chiếc xe lăn nhưng khí chất ngạo nghễ lạc quan của ông vẫn đưa ông đi các sân cỏ để dõi theo và động viên những đồng đội và cả các lứa đàn em, đàn cháu đang thi đấu. Ông vẫn ngạo nghễ cười và hướng sự quan tâm của bạn bè, đồng đội tới các cựu cầu thủ khác đang lâm vào những tình trạng bi đát hơn.

Từ nhà ông ở 149 Mai Hắc Đế, hàng ngày ông vẫn đến quán cà phê của Nghiêm Minh, cầu thủ lứa đàn em của ông tại Tổng cục Bưu điện.Vừa hàn huyên cùng giới cầu thủ cả xưa lẫn nay, vừa theo dõi chuyển động của bóng đá trong nước và quốc tế, ông vẫn như Phúc “vổ” mà mọi người từng biết : Ngang tàng, lạc quan và đam mê bóng đá đến tột cùng.

Hồ Công Thiết

Bài viết liên quan

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

hanh-trinh-vuot-kho-cua-co-rong-ti-hon-8-6221

Hành trình vượt khó của ‘cô rồng tý hon’

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang