Tiết mục múa của các em học sinh đến từ một Trung tâm Giáo dục đặc biệt của Hàn Quốc với Thông điệp: Ai cũng có thể ngảy múa, ai cũng có thể hạnh phúc
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Tạ Ngọc Trí – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Phó Trưởng ban Chỉ đạo giáo dục hòa nhập và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; bà Dương Thị Vân, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, Giám đốc Trung tâm ICC; Giáo sư, Tiến sỹ Trần Công Phong – Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia; TS. Safani Bin Bari, Phó giám đốc về Nghiên cứu và Đào tạo, Tổ chức SEAMEO SEN (Tổ chức thuộc hội đồng các Bộ trưởng Đông Nam Á về giáo dục đặc biệt) cùng đông đảo các đại biểu là thầy cô giáo chuyên ngành giáo dục đặc biệt, các phụ huynh có trẻ bị rối loạn phát triển, các chuyên gia quốc tế đến từ các nước Anh, Pháp, Nauy, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Philippines và nhiều cơ quan truyền thông báo chí TƯ và địa phương. Đặc biệt, tham dự Hội thảo còn có các địa biểu là các nhà nghiên cứu lão thành, những người đặt có công đặt nền móng cho sự phát triển của ngành giáo dục đặc biệt Việt Nam trong suốt 43 năm qua.
Tiến sỹ Tạ Quốc Trí – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Phó Trưởng ban Giáo dục hòa nhập và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn phát biểu khai mạc Hội thảo
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Tạ Quốc Trí – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Phó Trưởng ban Giáo dục hòa nhập và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cho biết: Đảng và Nhà nước luôn dành nhiều sự quan tâm đến NKT, trẻ khuyết tật trong đó có trẻ rối loạn phát triển. Đặc biệt trong Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực từ 1/7/2020 đã dành một điều quy định về giáo dục hòa nhập và đưa được Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập vào trong hệ thống các cơ sở trong phạm vi cả nước. Cũng theo Phó Vụ trưởng Tạ Ngọc Trí, với những gì trẻ em rối loạn phát triển thể hiện được đã chứng minh rằng các em hoàn toàn có quyền và hoàn toàn có thể làm được những điều tốt đẹp cho xã hội, có nhiều đóng góp cho xã hội và sống một cuộc sống bình thường… Và để làm được điều đó phụ thuộc rất nhiều từ cộng đồng, từ những người làm chính sách, những nhà nghiên cứu, những người có tác động trong xã hội để giúp các em có điều kiện làm được những việc như các em đã làm. Chia sẻ thêm về việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ mà Việt Nam đã tham gia ký kết, Tiến sỹ Tạ Quốc Trí nhấn mạnh đến chỉ số quan trọng là tạo ra một nền giáo dục công bằng, chất lượng cho tất cả mọi người trong đó có học sinh khuyết tật. Vì vậy, đối với học sinh bị rối loạn phát triển cần được nhiều sự quan tâm hơn nữa. Phó Trưởng ban Giáo dục hòa nhập và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cũng đề nghị các tổ chức, đơn vị có mặt tại Hội thảo phối hợp nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, giới thiệu những mô hình hiệu quả để thực hiện có hiệu quả đối với hoạt động giáo dục cho trẻ rối loạn phát triển.
Giáo sư, tiến sỹ Trần Công Phong dẫn đề tại Hội thảo
Dẫn đề cho buổi Hội thảo, Giáo sư, tiến sỹ Trần Công Phong nhấn mạnh: Trẻ khuyết tật nói chung và trẻ rối loạn phát triển nói riêng là một trong những đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất trong học tập, phát triển và hòa nhập xã hội. Cũng theo Giáo sư Phong, làm thế nào để tất cả trẻ khuyết tật được giáo dục có hiệu quả và phát triển khả năng của mình để sống độc lập và có ích cho xã hội là câu hỏi luôn được các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu để trả lời. Ông Phong cho biết, trẻ rối loạn phát triển có thể chia thành 6 nhóm: khuyết tật trí tuệ, rối loạn giao tiếp, rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tăng động và giảm chú ý, rối loạn học tập đặc thù và rối loạn vận động. Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy tại 18 quốc gia thu nhập thấp và trung bình thì cho thấy 23% trẻ em từ 2-9 tuổi có nguy cơ hoặc có một khuyết tật phát triển… Báo cáo cũng chỉ ra rằng, việc thúc đẩy phát triển tiềm năng của trẻ em là đòn bẩy quan trọng để tối đa hóa tiềm năng kinh tế của một quốc gia.
Chia sẻ thêm về những kết quả của Hội thảo Quốc tế giáo dục lần thứ nhất năm 2017 với chủ đề đánh giá, can thiệp và xây dựng môi trường giáo dục phù hợp trong đó tập trung vào các nội dung: Ứng dụng trị liệu hoạt động và Tâm vận động trong đánh giá, can thiệp và xây dựng môi trường giáo dục phù hợp cho trẻ rối loạn phát triển; Đánh giá, can thiệp và xây dựng môi trường phù hợp cho trẻ khuyết tật trí tuệ; Phát hiện, can thiệp và xây dựng môi trường giáo dục phù hợp cho trẻ Rối loạn phổ tự kỷ; Xây dựng môi trường giáo dục phù hợp cho trẻ rối loạn phát triển. Hội thảo quốc tế lần thứ nhất được đánh giá là sự mở đầu thuận lợi để các ngành, các tổ chức thống nhất quan điểm về nhìn nhận rối loạn phát triển, cách thức, quy trình đánh giá, các giải pháp kỹ thuật và bước đầu đã xem xét các yếu tố ản hưởng đến kết quả giáo dục nhóm rối loạn phát triển.
Và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn để giúp trẻ rối loạn phát triển hơn trong hiện tại và tương lai, Hội thảo quốc tế lần thứ hai với chủ đề nâng cao chất lượng các mô hình giáo dục học sinh rối loạn phát triển với các mục tiêu: Cung cấp thông tin khoa học, cập nhật quan điểm về học sinh rối loạn phát triển trên thế giới và Việt Nam; Chia sẻ các kết quả nghiên cứu lí luận và thực tiễn phát triển mô hình giáo dục học sinh rối loạn phát triển, các phương pháp, kĩ thuật và hình thức tổ chức can thiệp, hỗ trợ học sinh rối loạn phát triển, trong đó có học sinh rối loạn phổ tự kỉ; các xu hướng phát triển mô hình giáo dục học sinh rối loạn phát triển trên thế giới và Việt Nam; Xây dựng mạng lưới giao lưu chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia, nhà hoạch định chính sách, giáo viên, cha mẹ và những người quan tâm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục học sinh rối loạn phát triển.
Toàn cảnh buổi Hội thảo
Hội thảo nhận được nhiều sự ủng hộ của nhiều ban ngành, tổ chức với con số ấn tượng là 250 đại biểu tham dự trong đó 50 đại biểu quốc tế và 200 đại biểu Việt Nam đều là lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo các tổ chức của và vì người khuyết tật, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật… Cùng gần 100 bài viết đuợc gửi về Hội thảo trong đó 50 bài với 600 trang báo cáo đuợc chọn và đăng trong Kỷ yếu Hội thảo.
TS. Safani Bin Bari chia sẻ tại buổi Hội thảo
Đại diện cho SEAMEO SEN, TS. Safani Bin Bari thông tin đến Hội thảo: Hiện này có 11 quốc gia tham gia SEAMEO SEN và Việt Nam có 2 trong tổng số 25 Trung tâm của SEAMEO SEN ở Đông Nam Á. Mục tiêu của SEAMEO SEN là giúp đỡ tất cả các nước cùng phát triển và nâng cao chất lượng đặc biệt các quốc gia thành viên với tầm nhìn là 1 trung tâm hàng đầu trong đào tạo giáo dục đặc biệt. SEAMEO SEN cung cấp các dịch vụ giáo dục đặc biệt cho các quốc gia ở Đông Nam Á và có mối liên hệ với nhiều nước trên thế giới cũng như kết nối hội đồng giáo dục của với nhiều quốc gia như: Úc, Anh, Canada… Và các trung tâm giáo dục đặc biệt của Việt có thể liên hệ SEAMEO SEN để có thêm các buổi đào tạo. Ông Safani Bin Bari cũng cung cấp thêm thông tin về việc SEAMEO SEN có thể hỗ trợ về tài chính nên các tổ chức không cần bận tâm nhiều về vấn đề này đồng thời ông bày tỏ rất vui mừng khi Việt Nam tập trung vào giáo dục đặc biệt và luôn cố gắng vì quyền con người. Vị Phó Giám đốc Trung tâm về Nghiên cứu và Đào tạo này cũng kêu gọi các quốc gia đều cố gắng vì hoạt động giáo dục đặc biệt.
Một tiết mục văn nghệ của các em học sinh Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia biểu diễn tại buổi Hội thảo
Hội thảo Quốc tế lần thứ hai giáo dục học sinh rối loạn phát triển được diễn ra trong hai ngày 28 và 29/11/2019 với 02 phiên tổng thể và 4 phiên thảo luận song song về nhiều chủ đề chuyên sâu về cải thiện môi truờng giáo dục cho học sinh rối loạn phát triển; giải pháp giáo dục cho thanh thiếu niên rối loạn phát triển; giải pháp kỹ thuật trong phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ rối loạn phổ tự kỷ; giải pháp và mô hình giáo dục học sinh rối loạn phổ tự kỷ.
Tin tưởng rằng, với các bài tham luận, các bài viết đăng trong kỷ yếu, các ý kiến của các nhà khoa học, các trao đổi của đại biểu tham dự là điểm khởi đầu để mở ra các ý tưởng mới, đề tài mới, chương trình mới, dự án và từ đó cùng đồng hành cất tiếng nói, cùng chung hành động vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người khuyết tật trong đó có học sinh rối loạn phát triển như chia sẻ của ông Trần Công Phong.
Huy Văn