Hội thảo quốc tế: Hướng tới nền giáo dục chất lượng, hòa nhập và bình đẳng cho mọi trẻ em Việt Nam

(ĐHVO). Trong hai ngày 7&8/12/2023, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Quốc tế lần thứ 4 về giáo dục người khuyết tật. Chủ đề Hội thảo lần này là Hướng tới nền giáo dục chất lượng, hòa nhập và bình đẳng cho mọi trẻ em Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo 

Tham dự Hội thảo có TS. Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng ban Ban Chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; TS. Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; GS. TS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; ông Cho Joon Ho, Giám đốc Angel’s Haven Hàn Quốc; một số đại diện các bộ, ban, ngành, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế như UNDP, UNICEF, UNESCO, KOICA, Angle Heaven; các chuyên gia đến từ các trường Đại học trong nước và quốc tế như: Đại học Sư phạm, Đại học Thủ đô, Đại học KonYang Hàn Quốc, Đại học Gaya Hàn Quốc, Đại học Kyungdong Hàn Quốc, Đại học City Malaysia, Trung tâm can thiệp hành vi tích cực California Hoa Kỳ… cùng đại diện một số tổ chức của và vì người khuyết tật như Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam, Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng, Mạng lưới tự kỷ Việt Nam, Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam….

TS. Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, TS. Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đánh giá cao và ghi nhận những cố gắng của các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên trên mọi miền Tổ quốc. TS. Ngô Thị Minh cũng gửi lời cảm ơn đến các tổ chức trong và ngoài nước, các cá nhân đã có nhiều đóng góp cho giáo dục học sinh khuyết tật trong những năm qua. Đồng thời nhấn mạnh đến vai trò và ý nghĩa của các vấn đề được trao đổi tại Hội thảo không chỉ giúp thúc đẩy sự phát triển chung của giáo dục người khuyết tật mà còn đóng góp trực tiếp cho quy hoạch hệ thống các cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Cũng theo Thứ trưởng, Hội thảo sẽ cùng trao đổi, chia sẻ những mô hình, giải pháp nhằm tạo điều kiện tốt nhất hướng tới giáo dục có chất lượng, bình đẳng và hòa nhập cho tất cả mọi người cũng như mục tiêu học tập suốt đời cho mọi người trong đó có trẻ em.

Thay mặt Ban Tổ chức phát biểu khai mạc Hội thảo, GS. TS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: Cứ hai năm một lần, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo Quốc tế về giáo dục trẻ em khuyết tật. Và lần này là lần thứ 4 Viện tổ chức Hội thảo Quốc tế và chủ đề lần này là “Hướng tới nền giáo dục chất lượng, hòa nhập và bình đẳng cho mọi trẻ em Việt Nam”. Đây cũng sẽ là diễn đàn khoa học để trao đổi, chia sẻ về các vấn đề liên quan đến giáo dục người khuyết tật như: 1. Chính sách giáo dục đối với người khuyết tật; 2. Chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học; 3. Đảm bảo các điều kiện giáo dục chất lượng và cơ hội học tập suốt đời của người khuyết tật; 4. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giáo dục đối với người khuyết tật; 5. Định hướng phát triển hệ thống cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật Việt Nam.

Cũng theo GS.TS Lê Anh Vinh, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và toàn thể xã hội thể hiện sự quan tâm ngày càng sâu sắc đối với người khuyết tật nói chung và giáo dục trẻ khuyết tật nói riêng. Trên thực tế hiện nay, quy mô và hình thức giáo dục người khuyết tật ngày càng được mở rộng ở cả công lập và ngoài công lập; hệ thống các chính sách về người khuyết tật được ban hành; các điều kiện nguồn nhân lực và cơ sở vật chất dần đảm bảo cho người khuyết tật học tập; chất lượng giáo dục người khuyết tật từng bước được nâng cao. Người khuyết tật đã và đang tham gia học tập ở tất cả các cấp học, trình độ giáo dục từ mầm non, phổ thông cho đến học nghề, cao đẳng, đại học và trên đại học.

Để đạt được những kết quả đó, trong thời gian vừa qua, không thể không kể đến những nỗ lực, đóng góp không ngừng của các cấp, các ngành, trong đó có những nhà quản lí, giáo viên, các nhà khoa học, các quý vị đại biểu đang có mặt trong hội thảo ngày hôm nay. Đặc biệt, ghi nhận những đóng góp của Trung tâm giáo dục Đặc biệt Quốc gia – đơn vị nghiên cứu đầu ngành về giáo dục đặc biệt, đã thể hiện được vai trò là đơn vị luôn đi đầu và dẫn dắt phát triển giáo dục đặc biệt Việt Nam – Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chia sẻ thêm.

Tại Hội thảo, nhiều kinh nghiệm quốc tế đã được các chuyên gia, đại biểu chia sẻ đặc biệt là các kinh nghiệm đến từ Hàn Quốc về mô hình giáo dục, quy định chính sách, vai trò và các vấn đề liên quan đến nguồn lực…

Chuyên gia Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm về mô hình giáo dục tại Hàn Quốc 

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày với 02 phiên tổng thể và 04 phiên chuyên đề với 20 báo cáo của các chuyên gia tập trung vào các nội dung:

– Phát triển chương trình giáo dục và học liệu đáp ứng đa dạng nhu cầu của người học

– Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giáo dục đối với người khuyết tật trong bối cảnh chuyển đổi số

– Đảm bảo các điều kiện giáo dục chất lượng và giáo dục suốt đời cho người khuyết tật

– Định hướng phát triển hệ thống giáo dục cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật Việt Nam.

Tin tưởng rằng, Hội thảo sẽ là cơ hội tạo sẽ là cơ hội quy tụ các nhà khoa học, các nhà thực hành, các giáo viên, nhân viên hỗ trợ giáo dục đặc biệt, cha mẹ trẻ khuyết tật trong nước và quốc tế cùng trao đổi, chia sẻ, cập nhật những phương pháp, mô hình, biện pháp, điều kiện đảm bảo để hướng tới nền giáo dục hòa nhập, chất lượng và bình đẳng cho tất cả mọi người.

Một số hình ảnh tại hội thảo: 

Đại biểu người khuyết tật đặt câu hỏi cho các chuyên gia 

Tuệ An 

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top