Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong năm 2021. Sáng ngày 30/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật – Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam”. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ chủ trì và có bài phát biểu quan trọng tại Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Về phía Bộ Tư pháp, đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Mai Lương Khôi và lãnh đạo các đơn bị thuộc Bộ tham dự Hội thảo.
Cùng tham dự Hội thảo còn có các đồng chí lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, Ủy ban của Quốc hội, đoàn thể, chuyên gia, các nhà khoa học và đông đảo nhà báo, phóng viên báo, đài truyền hình trung ương, địa phương đến đưa tin về Hội thảo.
Một là, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật là một trong những di sản vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho thế hệ sau. Cốt lõi trong tư tưởng của Người về nhà nước và pháp luật là các quan điểm, triết lý chính trị, đạo đức và pháp lý về một Nhà nước thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, được vận hành bởi hệ thống pháp luật thống nhất, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả.
Hai là, với Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu rất cao đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước nói riêng và trong hệ thống chính trị nói chung, trong đó, tiêu chuẩn hàng đầu là “trung với nước, hiếu với dân”, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.
Ba là, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, phải kiên quyết chống cho được “giặc nội xâm” là nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, điều mà Đảng, Nhà nước ta đang kế thừa và nỗ lực bằng những hành động thiết thực với quyết tâm cao.
Bốn là, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thực thi nghiêm minh pháp luật là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật. Người cho rằng, pháp luật là công cụ cần thiết để “giữ gìn quyền lợi của Nhân dân”, duy trì trật tự xã hội và “phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn”.
Tại buổi Hội thảo các đại biểu tham dự cũng đã được nghe các nhà khoa học, đại diện các bộ, ban, ngành trung ương trình bày các tham luận về: Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật; tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực nhà nước; tổ chức và hoạt động của Quốc hội, của Chính phủ, của hệ thống Tòa án nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm Hồ Chí Minh về bản chất, vai trò, giá trị của pháp luật và mối quan hệ pháp luật với dân chủ, đạo đức; tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng và vận động Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng…
Theo Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (www.tcdcpl.moj.gov.vn)