(ĐHVO). Luật Bảo vệ môi trường 2020 phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý, có những điểm mới mang tính đột phá. Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hiệu quả Luật bảo vệ môi trường 2020” ngày 16/04/2021 do Cục kĩ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghệ môi trường Việt Nam tổ chức.
Đến dự hội thảo có sự tham gia của ông Trần Anh Tấn – Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; ông Hoàng Văn Vy – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc; Nguyễn Thị Hoa – Phó Trưởng phòng Quản lý cụm công nghiệp, Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), cùng đại diện các cơ quan, ban ngành, và nhiều hiệp hội, doanh nghiệp tham dự.
Theo ông Trần Anh Tấn – Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp: Đến nay Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) được sửa đổi và thông qua 4 lần tương ứng với yêu cầu bảo vệ môi trường qua từng giai đoạn, đó là vào các năm 1993, 2005, 2014 và mới nhất là Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) số 72/2020/QH14 đã được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi lần này đã phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường, có nhiều cập nhật theo hướng hiện đại, có những điểm mới mang tính đột phá như đối với giấy phép môi trường, quản lý chất thải, thu phí theo khối lượng xả ra, một số nội dung mới như: Kỹ thuật hiện có tốt nhất, kinh tế tuần hoàn, phát triển các ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ thân thiện môi trường, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên… cũng đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường (BVMT).
Ông cũng cho biết thêm, trong những năm qua, ngành Công Thương đã nỗ lực trong việc xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường tuy nhiên trình độ công nghệ, thiết bị trong nhiều lĩnh vực công nghiệp được đầu tư qua nhiều giai đoạn, cần thay đổi, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp cũng là vấn đề còn nhiều hạn chế, bất cập tại địa phương.
Xét thấy, hệ lụy của vấn đề ô nhiễm môi trường là đặc biệt lớn. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người, gây dị tật (khuyết tật bẩm sinh) ở trẻ. Khi phụ nữ mang thai tiếp xúc với không khí ô nhiễm cao, quá trình hình thành nhau thai có thể bị gián đoạn khiến thai nhi bị thiếu chất dinh dưỡng. Điều này dẫn đến việc trẻ có nguy cơ bị sinh non với thể chất không bình thường, dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh và chậm phát triển và làm gia tăng số lượng người khuyết tật trong xã hội. Do vậy, ông Trần Anh Tuấn cho rằng: “Bên cạnh việc nâng cao vai trò quản lý thì các doanh nghiệp cần có kế hoạch và giải pháp cụ thể để kiểm soát, giải quyết những vấn đề về môi trường còn tồn đọng.”
Đồng quan điểm với ông Trần Anh Tuấn, Ông Hoàng Văn Vy, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc đã đề cập và thông tin chi tiết hơn về một số quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 liên quan đến các hoạt động sản xuất kinh doanh như 3 tiêu chí để phân loại dự án từ đó phân ra các nhóm nguy cơ tác động đến môi trường khác nhau. Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 cũng đưa vào một số dự án phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đó là các dự án đầu tư thuộc nhóm 1 (nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao), và cần thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, đề xuất chủ trương đầu tư, đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo ông Hoàng Văn Vy, điểm mới đặc biệt liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi, đó là giấy phép môi trường. Theo đó, sẽ tích hợp các loại giấy phép môi trường thành 1 loại. Điều này giúp giảm thủ tục hành chính, đảm bảo tính thống nhất, rõ trách nhiệm cũng như tuân thủ những nguyên tắc về một cơ quan chịu trách nhiệm chính. Mặt khác, quy định cũng đảm bảo tiếp cận tổng hợp về việc cấp giấy phép xả thải môi trường.
Trong giai đoạn toàn cầu hóa như hiện nay, khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bắt đầu có hiệu lực, đòi hỏi rất nhiều doanh nghiệp trong nước phải có bước đi bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Trao đổi về vấn đề này, đại diện Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam phát biểu về việc áp dụng kĩ thuật hiện có tốt nhất trong sản xuất, tiêu dùng; Cục Công thương địa phương- Bộ Công Thương với chính sách phát triển các cụm công nghiệp tại địa phương trước những yêu cầu về bảo vệ môi trường; Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Môi trường Đô thị Hà nội đã phát biểu về chính sách phát triển ngành công nghiệp môi trường thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đối với chất thải;
Đại diện Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam
Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020 – 2025 hướng đến mục tổng quát: Hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường ngành Công Thương đảm bảo đồng bộ, tránh chồng chéo, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn, đặc biệt tập trung vào một số loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; Ngăn chặn, kiểm soát các nguồn chất thải gây ô nhiễm và phòng ngừa các sự cố môi trường; Sử dụng hiệu quả các loại tài nguyên, nâng cao tỷ trọng tái chế, tái sử dụng các loại phế liệu, sản phẩm phụ và chất thải, hướng tới xây dựng, phát triển và đảm bảo mục tiêu cơ cấu lại ngành Công Thương theo hướng bền vững, thân thiện môi trường.
Hội nghị đã thảo luận về những vướng mắc và đã đưa ra những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngành công thương thực hiện hiệu quả quy định về pháp luật về môi trường; đóng góp ý kiến và đưa ra một số giải pháp như: Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tiên tiến vào bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, ưu tiên phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đồng thời đưa ra những giải pháp giúp doanh nghiệp có thể xử lý rác thải một cách hiệu quả, tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.
Phát biểu tại hội thảo, Đại diện công ty SUS Thượng Hải đã đưa ra những giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp xử lý chất thải một cách hiệu quả, góp phần giảm chi phí và bảo vệ môi trường.
Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường 2020” là cơ hội để các cơ quan quản lý và các đơn vị, doanh nghiệp ngành Công Thương có cơ hội để trao đổi, thảo luận cùng đưa ra các ý tưởng, giải pháp thông minh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại địa phương và đơn vị.
Nguyễn Hoa