Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội, ông Bùi Văn Tuấn, cho biết nguồn kinh phí vận động được bao gồm 3 tỷ đồng từ các dự án tài trợ, hơn 1 tỷ đồng quy đổi từ tiền mặt và hiện vật do các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp. Đáng chú ý, nguồn kinh phí này chưa tính đến các giá trị vật chất mà các cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật nhận được trực tiếp từ cộng đồng, với con số lên đến vài tỷ đồng. Điều này góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động cứu trợ trẻ em khuyết tật tại Thủ đô.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Mai Hoa
Hội tiếp tục duy trì các dự án truyền thống, nổi bật như Dự án “Bước tiến” của Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (Australia) và Dự án của Hội Huynh đệ Âu – Á (Pháp) trợ giúp trẻ em khuyết tật. Bên cạnh đó, Thường trực Hội đã không ngừng mở rộng quan hệ, tăng cường vận động các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hảo tâm để tạo thêm nguồn lực mới.
Một số tổ chức và doanh nghiệp thường xuyên đồng hành với Hội có thể kể đến như: Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Quỹ Khuyến học Việt Nam, Tổ chức DONXA (Vương quốc Bỉ), Công ty TNHH Thực phẩm Orion – Vina, Phật tử Chùa Liên Phái, cùng nhiều đơn vị khác.
Phó Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội, ông Nguyễn Kim Hoàng, nhấn mạnh: “Từ nguồn kinh phí xã hội hóa, công tác chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật đã được chú trọng đặc biệt.” Trong năm, Hội đã phối hợp với Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội tổ chức các đợt thăm khám, tư vấn sức khỏe, phát thuốc và tặng quà cho 624 trẻ em khuyết tật tại các đơn vị như Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Trường PTCS Xã Đàn, Trường Tiểu học Bình Minh và Trung tâm Hy Vọng.
Đánh giá cao hiệu quả hoạt động của Hội, Chủ tịch Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, ông Ngô Sách Thực, ghi nhận sự đóng góp tích cực của Hội trong công tác giáo dục và dạy nghề cho trẻ khuyết tật. Ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Hội trong việc hỗ trợ các cơ sở giáo dục chuyên biệt và hòa nhập, đồng thời phối hợp với các trung tâm dạy nghề như Trung tâm dạy nghề của Hội Người mù Hà Nội và Trường Trung cấp nghề Nấu ăn – Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội.
Những nỗ lực này không chỉ giúp trẻ khuyết tật phát triển năng khiếu, rèn kỹ năng mà còn định hướng nghề nghiệp, mở ra cơ hội hòa nhập cộng đồng, chuẩn bị tốt hơn cho tương lai của các em.
Minh Ngọc