Hỗ trợ người khuyết tật qua hoạt động du lịch

Có thể thấy du lịch ở Việt Nam đang thu hút ngày một nhiều khách du lịch quốc tế, đồng thời nhu cầu du lịch của nhân dân cả nước cũng ngày càng tăng. Đây là nguồn dư địa để tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm do NKT làm ra.

Để hỗ trợ NKT có việc làm bền vững, cần giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm NKT

Hiện nay có rất nhiều cơ sở sản xuất của NKT hoặc thu hút sự tham gia của nhóm người này trong việc sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, vì thế thúc đẩy NKT làm sản phẩm du lịch là một hướng đi dược coi là khả thi.

Theo số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH từ năm 2011, đã có tới 400 cơ sở trên cả nước, với hơn 15 nghìn lao động là NKT. Tuy sức khỏe của NKT thường yếu nên việc sản xuất có khi kéo dài hơn so bình thường nhưng họ lại kỹ lưỡng hơn trong công việc, chăm chút từng chi tiết để tạo ra sản phẩm. Chính điều này làm nên khả năng sáng tạo và tham gia sản xuất những mặt hàng thủ công truyền thống cần đến sự tỉ mỉ và tính kiên nhẫn.

Đã có những giải pháp được các chuyên gia đưa ra để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và tạo việc làm cho NKT, ý tưởng NKT làm du lịch do bà Đỗ Cẩm Thơ được nhiều người chú ý do tính khả thi cao. “Sản phẩm của NKT làm ra rất đa dạng, từ tranh thêu, mỹ nghệ nan tre, quà lưu niệm, thú nhồi bông, thú giấy, hoa giấy, cào cào lá tre… đến những thứ cao cấp như tranh ghép gỗ, tranh sơn dầu, tranh ghép đá quý… tạo ra những sản phẩm hấp dẫn du khách”, bà Thơ phân tích.

Theo bà Thơ, để NKT có thể làm du lịch thì rất cần sự quan tâm và đầu tư của các cơ quan và tổ chức xã hội. Đầu tiên là tìm hiểu nhu cầu thị trường và loại sản phẩm, hàng hóa mà khách du lịch cần và ưa thích. Các cơ sở, xưởng sản xuất đón khách du lịch phải được trang trí, chỉnh trang lại đảm bảo ngăn nắp, sạch sẽ, đẹp đẽ và thuận tiện cho khách du lịch tham quan, tìm hiểu, giao lưu với lao động NKT.

Để phục vụ khách du lịch, sản phẩm của NKT làm ra được hình thành dưới hai khía cạnh. Thứ nhất, sản phẩm được bày bán tại các khách sạn, nhà hàng, cửa hàng, trung tâm mua sắm. Thứ hai, sản phẩm cung cấp trải nghiệm, tham quan, mua sắm tại chỗ để hướng đến các đoàn khách du lịch. Xưởng làm việc của NKT cũng là điểm ghé thăm trong tour du lịch chung hoặc tour du lịch chuyên đề về du lịch thiện nguyện, du lịch nhân đạo.

Chia sẻ với phóng viên về ý tưởng này, ông Nguyễn Văn Hồi – Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) tin tưởng: “Mỗi năm nước ta đón trên 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế và trên 70 triệu lượt khách nội địa, chỉ cần mỗi lượt khách bỏ ra 100.000 đồng mua sản phẩm của NKT thì đã tiêu thụ được lượng hàng hàng trăm tỷ đồng. Khách du lịch tham quan, trải nghiệm và mua sắm sản phẩm của NKT sẽ là giải pháp thiết thực góp phần tăng cường tạo việc làm và tiêu thụ sản phẩm cho NKT”.

Theo ông Hồi: “Đúng là chất lượng sản phẩm của NKT nhiều khi có những hạn chế nhất định. Nhưng chúng ta cứ giới thiệu, cứ làm và hoàn thiện dần dần. Hơn nữa, mua sản phẩm cho NKT cũng là trách nhiệm xã hội của khách du lịch, mọi người dân; là hành động cùng chung tay, góp sức với Nhà nước để chăm lo cho NKT”.

Giải quyết đầu ra cho sản phẩm

Do khó tiếp cận chính sách ưu đãi của nhà nước, khiến người khuyết tật (NKT) gặp khó khăn về việc làm, tiêu thụ sản phẩm, dù sản phẩm của NKT đa dạng từ tranh sơn dầu, tranh thêu, mỹ nghệ nan tre, quà lưu niệm, thú nhồi bông, xâu chuỗi hạt trang trí…

Nhiều nơi tìm kiếm những hình thức sản phẩm có xuất xứ nước ngoài phù hợp khả năng sản xuất của người khuyết tật như: Gấp giấy Origami, làm búp bê gỗ Matryoshka, hoa đất sét, chạm khắc gỗ… và đào tạo, hướng dẫn họ làm ra những sản phẩm với thiết kế công phu, tỉ mỉ.

Tuy nhiên, đến nay chỉ có một số ít những cơ sở, trung tâm hình thành được loại mặt hàng có giá trị thẩm mỹ cao, còn lại phần lớn là các loại hàng hóa tiêu dùng và lưu niệm giá trị thấp, khó có khả năng tiêu thụ.

“Một điển hình trong thu hút khách du lịch tiêu dùng sản phẩm của NKT hiện nay có vẻ là những điểm dừng nghỉ giữa Hà Nội – Hạ Long, với lưu lượng khách du lịch qua lại khá lớn, các cửa hàng rộng lớn bán hàng thủ công mỹ nghệ, trang sức, trong đó có gian bán sản phẩm thêu thủ công của NKT với thực tế tham gia xưởng thêu của họ. Không chỉ về hình thức tiêu thụ và bán sản phẩm, đây cũng là điển hình của việc tìm kiếm ra ngành nghề truyền thống phù hợp khả năng của NKT và đào tạo việc làm để có sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường”, bà Thơ cho biết.

“Để thật sự đẩy mạnh hướng tiêu thụ sản phẩm cho người khuyết tật, về phía các đơn vị, cơ sở sản xuất/trung tâm hỗ trợ NKT cần có sự chuyển mình nhằm định hướng đối tượng thị trường tiêu dùng mới.  Phải đa dạng chủng loại, mẫu mã, mặt hàng có thể bán cho mọi thị trường, đặc biệt là nhu cầu của khách du lịch khác với nhu cầu người tiêu dùng bình thường, không kể đến nhu cầu của người dân thành thị khác với người nông thôn, nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài lại càng khác biệt. Mỗi thị trường có nhìn nhận về thẩm mỹ, nhu cầu mua hàng khác nhau. Nhưng tựu chung lại đều tập trung vào các hàng hóa thủ công mỹ nghệ truyền thống, thủ công sáng tạo”, TS Thơ nói.

Theo Báo Điện tử Dân Sinh

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top