Hậu quả cháy rừng ở Amazon

Các đám cháy kỷ lục ở cánh rừng nhiệt đới Amazon tuần qua lan nhanh với tốc độ chóng mặt với 10.136 đám cháy được phát hiện trong 10 ngày đầu tiên của tháng 8, tăng 17% so với năm 2019.

Những con số nói trên được coi là hồi chuông cảnh báo giới lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà đầu tư về tác động tiêu cực từ việc rừng Amazon đang bị tàn phá.

Cháy rừng ở Amazon, ảnh Internet

Rừng Amazon – với 60% diện tích nằm trong lãnh thổ Brazil – là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới. Nơi đây được coi là một điểm nóng đa dạng sinh học với nhiều loài động, thực vật độc đáo.

Khu rừng rậm này hấp thụ một lượng lớn khí CO2 của thế giới – loại khí nhà kính được cho là yếu tố lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu. Bởi vậy, các nhà khoa học cho rằng việc bảo tồn rừng Amazon là rất quan trọng để chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Các nhà khoa học lo ngại rằng nếu rừng Amazon tiếp tục bị phá hủy thì sẽ có thể dẫn tới điểm bùng phát (tipping point), tức là khu vực này sẽ đi vào chu kỳ tự chết của rừng khi nó chuyển từ rừng nhiệt đới sang thảo nguyên.

Chưa kể đến rừng Amazon hấp thụ nhiều khí CO2 hơn là lượng khí phát thải ra, góp phần điều hòa sự nóng lên của bầu khí quyển. Nhưng khả năng này của Amazon đang suy giảm cùng với đà phá rừng và hậu quả trước mắt của các vụ cháy rừng ở Amazon sẽ sinh ra một lượng khí CO2 rất lớn. Ngoài ra còn là sự tàn phá đối với tính đa dạng sinh thái của rừng nhiệt đới này.

Vào tháng 7, chính phủ Brazil đã cấm đốt lửa trong 120 ngày ở các vùng rừng Amazon và Pantanal, nơi các đám cháy cũng đang hoành hành.

Theo Guardian, chính quyền của Tổng thống Jair Bolsonaro đã không thể kiểm soát nạn phá rừng và tình trạng các đám cháy lan rộng, dù từ tháng 5 nước này đã triển khai chiến dịch bảo vệ rừng Amazon với sự tham gia của quân đội.

Lan Phương (T/h)

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top