(ĐHVO). Hải Phòng là địa phương giàu truyền thống cách mạng, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc đã có hàng vạn người con quê hương Hải Phòng lên đường tòng quân, nhiều người đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần xương máu nơi chiến trường. Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng đã triển khai các hoạt động thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam thăm và tặng quà gia đình bà Phạm Thị Miên – vợ liệt sĩ Trịnh Bá Hát ở phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng.
Hiện nay trên địa bàn thành phố Hải Phòng có gần 30 nghìn liệt sĩ; gần 11.580 thương binh; 2.690 bệnh binh; hơn 7000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học đang hưởng trợ cấp; 2.569 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện 65 Mẹ còn sống).
Những năm qua, các cấp, các ngành của thành phố luôn quan tâm chăm lo cho người có công với cách mạng cả về vật chất và tinh thần. Sự kiện kỷ niệm ngày 27/7 hàng năm là mốc thời gian cao điểm trong năm để các cấp, các ngành và nhân dân thành phố tổ chức các hoạt động tri ân nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng vừa có quyết định dành hơn 250 tỷ đồng để tặng quà người có công nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023). Theo đó, việc tặng quà theo đề xuất của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng với số lượng 45.489 người có công, thân nhân và người thờ cúng liệt sĩ trên địa bàn thành phố. Mức quà tặng là 5,5 triệu đồng/trường hợp, gồm: 5,2 triệu đồng tiền mặt và quà bằng hiện vật trị giá 300 nghìn đồng. Tổng kinh phí tặng quà là 250 tỷ 189,5 triệu đồng, trong đó quà bằng hiện vật trị giá 13 tỷ 646,7 triệu đồng.
Nhân dịp này, thành phố Hải Phòng tổ chức 19 đoàn lãnh đạo thành phố đi thăm hỏi, tặng quà, động viên 1 đơn vị thương binh, bệnh binh và 37 gia đình người có công, cá nhân thương binh, bệnh binh tiêu biểu trên địa bàn thành phố. Mặt khác, thành phố Hải Phòng đang triển khai việc tặng quà của Chủ tịch nước nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ bảo đảm đúng đối tượng, đầy đủ, kịp thời.
Theo báo cáo của Sở LĐ -TB&XH TP Hải Phòng, từ năm 2019 đến năm 2023, vào các dịp lễ, tết, TP Hải Phòng đều tổ chức tặng quà và hiện vật cho các đối tượng là người có công với cách mạng, gia đình liệt sĩ, người cao tuổi, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội… với tổng số tiền lên tới trên 1.850 tỉ đồng cho trên 422.000 lượt cá nhân, tập thể. Trong đó kinh phí tặng quà bằng tiền mặt trên 1.762 tỉ đồng, tặng quà bằng hiện vật gần 98 tỉ đồng. Mức quà tặng tăng dần theo từng năm.
Kỷ niệm Ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 được tặng 5 triệu đồng tiền mặt. Đến năm 2023, mức tặng quà dịp Tết nguyên đán cho người có công lên đến 5,5 triệu đồng/người, tặng quà Ngày Thương binh, liệt sĩ (năm 2022) lên đến 5 triệu đồng người. Các cá nhân, tập thể người có công tiêu biểu trong các hoạt động xã hội còn có phần quà riêng, trị giá từ 1- 2,5 triệu đồng.
Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết: Từ Đại hội 16, TP Hải Phòng đã đưa ra chủ trương an sinh xã hội phải đi trước một bước so với phát triển kinh tế xã hội. Vì thế, trong những năm vừa qua, thành phố hết sức quan tâm đến lĩnh vực an sinh xã hội, trong đó có chế độ cho người có công, hộ nghèo, cận nghèo với tiêu chí năm sau cao hơn năm trước.
Có thể thấy, Hải Phòng vẫn luôn là một trong những địa phương đi đầu cả nước về thực hiện các chế độ, chính sách chăm lo cho các đối tượng là người có công với cách mạng. Ngoài chế độ ưu đãi theo quy định chung của Nhà nước, thành phố có những chế độ ưu đãi đặc thù nhằm động viên người có công và thân nhân họ. Sự quan tâm, chăm lo đó càng làm sâu sắc thêm đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người dân đất Cảng.
Ngọc Thanh