TP. Hà Nội bắt đầu mở mặt trận thứ 2 phòng chống dịch COVID-19 bằng biện pháp xét nghiệm sàng lọc diện rộng toàn Thành phố, ưu tiên “vùng đỏ”, lấy mẫu xác suất “vùng xanh” với mục tiêu bóc tách hết F0 ra khỏi cộng đồng.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm trên địa bàn quân Thanh Xuân. Ảnh: VGP/Hòa An
Thần tốc xét nghiệm để khoanh ổ dịch
Trong các đợt dịch COVID-19 vừa qua, Hà Nội luôn chủ động thực hiện xét nghiệm sàng lọc, tăng cường quy mô xét nghiệm đối với các trường hợp ho, sốt… nhằm chủ động tấn công, làm sạch các mầm bệnh không có yếu tố dịch tễ. Với hiệu quả tìm ra một số ca chỉ điểm trong thời gian đầu của đợt dịch lần thứ 4, Thành phố phát hiện thêm những trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 không có yếu tố dịch tễ.
TP. Hà Nội bắt đầu mở mặt trận thứ 2 phòng chống dịch COVID-19 bằng biện pháp xét nghiệm sàng lọc diện rộng toàn Thành phố, ưu tiên “vùng đỏ”, lấy mẫu xác suất “vùng xanh” với mục tiêu bóc tách hết F0 ra khỏi cộng đồng.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm trên địa bàn quân Thanh Xuân. Ảnh: VGP/Hòa An
Tại Hà Nội, cùng với chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử, đây cũng là đợt lấy mẫu xét nghiệm lớn nhất từ trước đến nay trong công tác phòng chống COVID-19.
Ngành y tế Thủ đô quyết tâm thực hiện nhanh nhất kế hoạch để đạt được mục tiêu phát hiện, khoanh vùng ổ dịch, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết triệt để F1, khoanh vùng và giảm “vùng đỏ” (vùng có dịch), không để phát sinh chùm ca bệnh mới và bảo đảm an toàn, giữ vững “vùng xanh” hiệu quả, từng bước đẩy lùi dịch bệnh như chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy và UBND Thành phố.
Tuy nhiên, trước đà lây lan của dịch bệnh, Hà Nội tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao (trung bình 60-80 ca/ngày), trong đó có nhiều chùm ca bệnh phức tạp với số lượng ca mắc lớn, nhiều ca chưa xác định được nguồn lây.
Dịch bệnh cũng đã xuất hiện trong các cơ sở y tế, nhà máy, cơ quan, doanh nghiệp, chuỗi cung ứng, chợ đầu mối… và tiếp tục có nguy cơ bùng phát nếu không có các biện pháp quyết liệt hơn nữa.
Xác định xét nghiệm là yếu tố quan trọng hàng đầu, Hà Nội đã quyết định xét nghiệm khoảng 300.000 mẫu tại các khu vực ở 30 quận, huyện, thị xã nhằm phát hiện sớm người mắc bệnh. Qua đó đánh giá tình hình và có biện pháp ứng phó với phương châm thực hiện chủ động, dự báo chính xác, rà soát các điều kiện, xây dựng phương án để đảm bảo sẵn sàng cho công tác phòng chống dịch, bảo đảm đời sống nhân dân; bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết triệt để F1, khoanh và giảm “vùng đỏ” (vùng có nguy cơ rất cao), không để phát sinh chùm ca bệnh mới.
Đánh giá cao những biện pháp được UBND Thành phố chỉ đạo, Bí thư Thành ủy, Thường trực Thành ủy đã có chỉ đạo khẩn trương nâng cao năng lực xét nghiệm đạt trên 200.000 mẫu/ngày và trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất; huy động các cơ sở, lực lượng y tế của Trung ương, công an, quân đội, ngoài công lập và các nguồn lực xã hội cùng nhân dân trên địa bàn tham gia chiến dịch lấy mẫu, xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng trên toàn địa bàn Thành phố (quy mô tối đa khoảng 1,3 triệu mẫu) bảo đảm nguyên tắc nhanh, chính xác, hiệu quả và an toàn ở mức cao nhất.
Ưu tiên “vùng đỏ”, lấy mẫu xác suất “vùng xanh”
Trước mắt, Thường trực Thành ủy chỉ đạo tập trung ưu tiên triển khai tại các khu vực có nguy cơ rất cao (vùng đỏ), khu vực phong tỏa, cách ly, các trường hợp có triệu chứng nhiễm virus SARS-CoV-2 (ho, sốt, khó thở…), các trường hợp nguy cơ cao, di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người (lực lượng trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch tại cơ sở, người giao hàng, người làm trong các chuỗi cung ứng thực phẩm, chợ, siêu thị…) để kịp thời chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, dần đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.
Thực hiện Nghị quyết số 86 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 phấn đấu kiểm soát tốt hơn dịch bệnh trước ngày 25/8/2021, Thành phố lập kế hoạch triển khai xét nghiệm diện rộng để chủ động phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, phân chia từng nhóm đối tượng xét nghiệm cụ thể theo nguy cơ nhóm đỏ, nhóm da cam, nhóm xanh.
Trong khoảng thời gian từ ngày 9 – 17/8, Thành phố sẽ tập trung thực hiện xét nghiệm với khoảng 1,3 triệu mẫu bằng kỹ thuật real-time RT-PCR cho toàn bộ người dân trong “vùng đỏ” căn cứ theo yếu tố dịch tễ, các đối tượng di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều như: Chuỗi cung ứng hàng hóa, chợ, công nhân, người bảo vệ các tòa nhà…
Xét nghiệm cho “nhóm da cam” bao gồm: Nhân viên y tế, bệnh nhân, người lao động trực tiếp tại các chuỗi cung ứng, lái xe, shipper, bảo vệ tòa nhà… trên cơ sở chỉ định chuyên môn dịch tễ.
Xét nghiệm “vùng xanh” theo hộ gia đình tại các quận nội thành và các huyện có nguy cơ cao; mỗi hộ gia đình lấy đại diện 1 mẫu của 1 thành viên có nguy cơ cao nhất (căn cứ theo lịch sử di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, thường xuyên tới các khu vực nguy cơ cao như bệnh viện, chợ…).
Song song với việc thực hiện xét nghiệm bằng kỹ thuật real-time RT-PCR cho người dân “vùng đỏ”, đối tượng nguy cơ cao và “nhóm xanh” tại các địa bàn có nguy cơ cao, các địa bàn còn lại chủ động triển khai xét nghiệm test nhanh theo hướng dẫn của ngành y tế (dự kiến thực hiện 2 triệu test nhanh). Từ đó, căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh, Sở Y tế sẽ có đánh giá nguy cơ để tiếp tục triển khai xét nghiệm theo chỉ định dịch tễ.
Việc xét nghiệm cho những người có triệu chứng ho, sốt… qua khai báo y tế vẫn được thực hiện thường xuyên.
Để thực hiện nhiệm vụ cấp bách này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Y tế chủ trì điều phối việc phân luồng xét nghiệm trên toàn địa bàn; giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội điều tra dịch tễ và chỉ định vùng nguy cơ, nhóm nguy cơ, số lượng mẫu xét nghiệm cần thực hiện; hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm theo quy định; bảo đảm đầy đủ điều kiện để thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm.
Các quận, huyện, thị xã phối hợp trong công tác lập danh sách, lấy mẫu, hỗ trợ lực lượng và huy động sự tham gia của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, các lực lượng địa phương như: Tổ COVID-19 cộng đồng, Tổ trưởng dân phố/cụm dân cư, Trưởng thôn/xóm, các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện yêu cầu xét nghiệm sàng lọc COVID-19, không để xảy ra lây nhiễm chéo.