(DHVO). Vào chiều ngày 5/12, cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu giải trình, làm rõ thêm một số nội dung các đại biểu HĐND và dư luận đang quan tâm, đặc biệt là vấn đề liên quan tới nước sạch hiện nay.
Về vấn đề nước sạch Sông Đuống, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, để bảo đảm cung cấp nước sạch cho người dân, Hà Nội đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thu gọn từ 2 đầu mối quản lý nước thành một đầu mối, quy về Sở Xây dựng; điều chỉnh quy hoạch nước năm 2013 đã phê duyệt thành dạng kết cấu cung cấp nước theo mạch vòng, bảo đảm nguồn cung cấp nước thông suốt và kêu gọi đơn vị tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này. Cho đến nay, toàn thành phố có 23 nhà đầu tư với 38 dự án, cung cấp nước sạch và mạng cung cấp nước. Với sự vào cuộc quyết liệt của thành phố, đồng hành của các nhà đầu tư, vào thời điểm này hiện nay, người dân Thủ đô đã không còn thiếu nước như những năm trước.
Toàn cảnh kỳ họp (Ảnh: internet)
Ngoài ra, cũng hết năm 2019, 75% người dân nông thôn được cấp nước đô thị. Trong quá trình làm thí điểm tại Thạch Thất và Quốc Oai cho thấy, nếu có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp đảng ủy, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân thì tất cả những nơi nào nối được mạng sẽ có đủ nước.
Về giá nước sạch, Chủ tịch cho hay, Hà Nội vẫn đang thực hiện nghiêm túc đúng theo các quyết định đã ban hành từ năm 2013 đến nay và không có gì thay đổi.
Liên quan đến xử lý ô nhiễm các dòng sông, trong đó có sông Tô Lịch là vấn đề được người dân, cử tri, chuyên gia, nhà khoa học quan tâm trong nhiều năm qua. Hà Nội đã quan tâm, tích cực mời các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, thí điểm những công nghệ mới trên tinh thần tiết kiệm nhất, xử lý bền vững nhất. “Hiện có nhiều ý tưởng, phương pháp xử lý đưa ra nhưng thành phố chưa thông qua bất cứ phương án nào”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định.
Chủ tịch thành phố cũng nêu Hà Nội đang triển khai dự án nước thải Yên Xá với công suất 270.000m2 ngày đêm, và không có gì thay đổi thì phấn đấu quý II/2022 sẽ hoàn thành. Khi đó, toàn bộ nước thải của quận Đống Đa, một phần nước thải của các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Thanh Trì và Hà Đông sẽ được thu gom, xử lý và quay trở lại sông Tô Lịch.
Ninh Hương (T/h)