Mặc dù điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, song tỉnh Hà Giang cũng nỗ lực thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, quan tâm đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn.
Thống kê hiện nay, toàn tỉnh đang thực hiện trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng cho 83.887 đối tượng, với tổng kinh phí chi trả 373,4 tỷ đồng. Trong năm 2022, tỉnh đã tiếp nhận giải quyết phát sinh mới 41.817 đối tượng bảo trợ xã hội; Làm thủ tục cắt giảm 28.253 đối tượng chết hoặc hết tuổi hưởng. Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% đối tượng bảo trợ xã hội miễn phí theo quy định. Thực hiện đầy đủ chính sách trợ giúp giáo dục, đào tạo và dạy nghề cho đối tượng bảo trợ; Hỗ trợ chi phí mai táng khi chết. Triển khai kịp thời chính sách trợ giúp khẩn cấp khi có thiên tai, bão lũ, dịch bệnh. Tiếp nhận và phân bổ gạo do Chính phủ hỗ trợ cứu đói dịp Tết Nguyên đán và cứu đói giáp hạt cho người dân.
Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang cũng chú trọng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội. Tổng số đối tượng hiện đang được chăm sóc, nuôi dưỡng là 152 đối tượng (trong đó: Tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đang chăm sóc, nuôi dưỡng 70 đối tượng; Tại Cơ sở Chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần – Cai nghiện ma túy tỉnh đang quản lý 82 đối tượng tâm thần đặc biệt nặng).
Đối tượng được hưởng thống nhất mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng hệ số 6,5 (tương ứng mức trợ cấp nuôi dưỡng 82.300 đồng/người/ngày); được hỗ trợ tiền ăn thêm ngày lễ, tết bằng 04 lần mức tiền ăn ngày thường/đối tượng/11 ngày lễ, tết/năm; được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí theo quy định pháp luật về bảo hiểm y tế; được hỗ trợ chi phí mai táng khi chết bằng 50 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội hàng tháng; được trang cấp vật dụng sinh hoạt cá nhân theo định kỳ và được hưởng chế độ chi khác quy định tại Nghị quyết số 56/2021/NQ-HĐND ngày 03/12/2021 của HĐND tỉnh. Việc quy định nâng mức trợ cấp nuôi dưỡng đối tượng tại cơ sở trợ giúp xã hội đã góp phần giảm bớt khó khăn và cải thiện rõ rệt chế độ sinh hoạt đời sống hàng ngày của đối tượng, đặc biệt là chế độ các ngày lễ, tết trong năm.
Để tạo điều kiện trong việc chi trả trợ cấp, tỉnh Hà Giang thực hiện qua đơn vị cung cấp dịch vụ. Tỉnh đã ban hành Quyết định số 601/QĐ-UBND ngày 25/3/2021 của UBND tỉnh Hà Giang, về việc chi trả một số chính sách an sinh xã hội thông qua đơn vị cung cấp dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Theo đó đã thực hiện chi trả trợ cấp xã hội thường xuyên cho 83.887 đối tượng tại cộng đồng, chi trả tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội thông qua đơn vị cung cấp dịch vụ. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng bảo trợ xã hội và hộ gia đình khi nhận trợ cấp xã hội, góp phần thực hiện một bước công tác cải cách thủ tục hành chính, tách bạch công tác dịch vụ chi trả trợ cấp xã hội ra khỏi công tác quản lý nhà nước, giảm tải khối lượng công việc của cán bộ thực hiện chính sách trợ giúp xã hội tại cấp cơ sở và đảm bảo tính minh bạch trong việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực trợ giúp xã hội.
Nhằm tiếp tục thực hiện tốt chính sách bảo trợ xã hội, thời gian tới, Sở Lao động – TBXH tỉnh Hà Giang tập trung các nhiệm vụ, giải pháp: Tổ chức triển khai thực hiện các nội dung Đề án Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến 2030 trên địa bàn tỉnh. Chủ động tham mưu chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác trợ giúp xã đội khẩn cấp; chỉ đạo các ban, ngành, đơn vị chức năng rà soát, nắm bắt tình hình đời sống nhân dân, đặc biệt là thiệt hại nặng do thiên tai bão lũ, hạn hán, hoả hoạn, dịch bệnh để có phương án trợ giúp khẩn cấp kịp thời; đồng thời, tổ chức tuyên truyền, tăng cường các biện pháp phòng chống nhằm giảm thiểu tối đa các thiệt hại do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh gây ra để hạn chế tới mức thấp nhất số người phải trợ giúp xã hội khẩn cấp trong năm.
Rà soát, giải quyết kịp thời, đầy đủ chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng người khuyết tật, người cao tuổi không có người phụng dưỡng, trẻ em mồ côi không có nguồn nuôi dưỡng; thực hiện nhân rộng hình thức nhận chăm sóc và nuôi dưỡng đối tượng tại cộng đồng theo quy định. Tổ chức triển khai thực hiện cập nhật phần mềm quản lý bảo trợ xã hội và giảm nghèo theo quy định; thực hiện chuyển đổi số và thực hiện liên thông về thủ tục hành chính trong giải quyết chính sách trợ giúp xã hội cho đối tượng.
Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác trợ giúp xã hội cấp xã và thôn, bản (đặc biệt là công tác xác định mức độ khuyết tật tại cấp xã để làm căn cứ giải quyết chế độ chính sách cho đối tượng), đảm bảo cập nhật kịp thời chính sách mới ban hành và tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời đến đối tượng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội để kịp thời phát hiện, hướng dẫn, khắc phục triệt để các tồn tại vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện tại cấp cơ sở đảm bảo quy định./.
Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội